HT.Gia Quang tiếp Đại sứ SriLanka: Kết nối và lan tỏa các giá trị Phật giáo

Chuyến thăm mở ra kỳ vọng về các chương trình hợp tác học thuật song phương, giao lưu tăng tài, chia sẻ tư liệu, cũng như hỗ trợ dịch thuật kinh tạng Pāli – Hán – Việt, từ đó góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho một nền Phật học mang tính toàn cầu nhưng vẫn gìn giữ bản sắc truyền thống.

Chiều ngày 18/07/2025, trong tinh thần hữu nghị và giao lưu Phật giáo quốc tế, Ngài Poshitha Perera – Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam đã có chuyến viếng thăm chùa Quán Sứ, Trụ sở Trung ương GHPGVN và Tạp chí Nghiên cứu Phật học (trụ sở tại chùa Quán Sứ, Hà Nội).

Đón tiếp ngài Đại sứ có Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học; Thượng tọa Thích Thanh Huân, Phó Chánh Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí trang nghiêm, thân mật và thắm tình đạo vị giữa hai nền Phật giáo có mối liên hệ mật thiết lâu đời trong khu vực châu Á.

Hòa thượng Thích Gia Quang (trang phục áo tràng vàng);Thượng tọa Thích Thanh Huân (trang phục áo tràng nâu) cùng đoàn Cư sĩ, Phật tử đón tiếp Đại sứ Sri Lanka (trang phục trắng) tại chùa Quán Sứ, Hà Nội chiều ngày 18/07/2025. Ảnh: Anh Minh

Hòa thượng Thích Gia Quang (trang phục áo tràng vàng);Thượng tọa Thích Thanh Huân (trang phục áo tràng nâu) cùng đoàn Cư sĩ, Phật tử đón tiếp Đại sứ Sri Lanka (trang phục trắng) tại chùa Quán Sứ, Hà Nội chiều ngày 18/07/2025. Ảnh: Anh Minh

Chuyến thăm lần này nối tiếp tinh thần đoàn kết, hợp tác được hun đúc từ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 được tổ chức vào tháng 5 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, nơi Tổng thống Sri Lanka – Ngài Anura Kumara Dissanayaka đã thân lâm tham dự và bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc đối với Phật giáo Việt Nam. Sự hiện diện của người đứng đầu quốc gia Sri Lanka trong Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam, và nay là sự hiện diện của Ngài Đại sứ tại chùa Quán Sứ, khẳng định tầm quan trọng của ngoại giao Phật giáo trong việc lan tỏa hòa bình, tuệ giác Phật giáo trong thời đại mới.

Tại buổi tiếp đón, Đại sứ Poshitha Perera bày tỏ sự ấn tượng trước bề dày lịch sử học thuật và tâm huyết nghiên cứu của Chư tôn đức tăng ni, cư sĩ, học giả Tạp chí NCPH. Ngài đánh giá cao vai trò của Tạp chí trong việc kết nối truyền thông, giao lưu Phật giáo và công tác học thuật nghiên cứu.

Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định: "Nghiên cứu Phật học không chỉ là công việc học thuật, dịch thuật, mà còn là sứ mệnh nuôi dưỡng tri kiến và đạo đức vị tha cho nhân loại. Từ đây, những giá trị sâu sắc của Phật pháp sẽ được chuyển tải vào giáo dục, truyền thông, trị liệu tâm lý và kiến tạo một nền văn hóa hòa bình."

Ảnh: Anh Minh

Ảnh: Anh Minh

Chuyến thăm mở ra kỳ vọng về các chương trình hợp tác học thuật song phương, giao lưu tăng tài, chia sẻ tư liệu, cũng như hỗ trợ dịch thuật kinh tạng Pāli – Hán – Việt, từ đó góp phần tạo nên nền tảng vững chắc cho một nền Phật học mang tính toàn cầu nhưng vẫn gìn giữ bản sắc truyền thống.

Tại buổi gặp gỡ, Đại sứ Sri Lanka cũng bày tỏ kỳ vọng về việc thúc đẩy du lịch, xúc tiến quan hệ hàng không giữa hai quốc gia, trong đó mục tiêu trọng tâm là sớm thiết lập đường bay thẳng giữa Sri Lanka và Việt Nam. Theo Ngài, việc kết nối hàng không trực tiếp sẽ mở ra cơ hội to lớn trong giao lưu du lịch – văn hóa – tâm linh, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều người Việt Nam và quốc tế quan tâm tới du lịch Phật giáo.

Ngài cũng nhấn mạnh, Ấn Độ và Việt Nam thời gian qua đã triển khai thành công các đường bay thẳng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nghìn phật tử, học giả và du khách hành hương đến các thánh tích Phật giáo. Sri Lanka – với vị thế là một trung tâm Phật giáo Nam truyền – hoàn toàn có khả năng nối tiếp mô hình đó, trở thành điểm đến thiêng liêng cho những ai muốn tìm về nguồn cội của Tam tạng Pāli và học hỏi tinh thần nguyên thủy của đạo Phật.

Tôi tin rằng, việc mở đường bay thẳng sẽ không chỉ thúc đẩy du lịch, mà còn kết nối tâm linh, nâng cao tinh thần học hỏi giữa Phật giáo Sri Lanka và Phật giáo Việt Nam.” Ngài Đại sứ chia sẻ.

Nhân dịp chuyến thăm, Ngài Đại sứ Sri Lanka đã trân trọng trao tặng Phân Viện NCPHVN tại Hà Nội cuốn sách “Tam giác văn hóa Sri Lanka” (The Cultural Triangle of Sri Lanka), như một món quà biểu trưng cho tình hữu nghị và giao lưu văn hóa – tâm linh giữa hai quốc gia.

Đặc biệt, ấn bản này chính là quà tặng chính thức của Tổng thống Sri Lanka – Ngài Anura Kumara Dissanayaka trong chuyến công du tới Việt Nam và tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 4 đến 6 tháng 5 năm 2025. Cuốn sách giới thiệu sâu sắc về ba di sản Phật giáo lớn của Sri Lanka – Anuradhapura, Polonnaruwa, Kandy – được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, thể hiện chiều sâu lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc Phật giáo kỳ vĩ. Đây không chỉ là món quà tri thức quý báu, mà còn là nhịp cầu Phật học, nối liền hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền trong cùng một lý tưởng hướng thượng: phụng sự nhân loại bằng từ bi và trí tuệ, hoằng dương đạo pháp.

Chuyến viếng thăm không chỉ kết nối giữa các tổ chức, cá nhân, quốc gia mà còn là sự nối liền giữa các dòng chảy tri thức. Trong thời đại biến chuyển nhanh chóng, khi thế giới đối diện với nhiều khủng hoảng niềm tin và đạo đức, thì việc nghiên cứu, học hỏi và lan tỏa phật pháp chính là phương cách giúp con người trở về với tự do nội tại để từ đó lan tỏa bình an và làm đẹp cho cuộc đời.

Chuyến thăm của Ngài Đại sứ Sri Lanka hôm nay không chỉ là một sự kiện ngoại giao, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trọng trách của người làm công tác nghiên cứu Phật học: tiếp nối giáo lý của đạo Phật để thắp lên ánh sáng giác ngộ trên từng nẻo đường nhân sinh.

Tác giả: Quốc Anh/Ảnh: Anh Minh

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ht-gia-quang-tiep-dai-su-srilanka-ket-noi-va-lan-toa-cac-gia-tri-phat-giao.html
Zalo