HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cho năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%

Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa bởi sự phục hồi tiếp tục vững vàng, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn.

Đây là nhận định của bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC trong báo cáo Asian Economics Quarterly - Cuộc đua về đích vừa được phát hành nhằm nhận định tình hình kinh tế châu Á.

Kỳ vọng tăng trưởng hơn nữa

Theo Báo cáo, sự phục hồi kinh tế của Việt Nam tiếp tục vững vàng hơn qua thời gian trong năm Giáp Thìn. Tăng trưởng GDP được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý II/2024, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi trong lĩnh vực bên ngoài tiếp tục lan rộng ra ngoài mảng điện tử tiêu dùng, mặc dù tác động trung chuyển nhằm trợ lực cho trong nước vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Một mặt, lĩnh vực sản xuất tăng mạnh mẽ và vượt ra khỏi tình trạng của năm ngoái. Chỉ số PMI đã ghi nhận năm tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) cũng ghi nhận phục hồi hoạt động trong ngành dệt may và da giày. Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số, thêm vào đó là các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, lĩnh vực trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó, tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Điều đáng khích lệ là chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian. Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2024 trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 sẽ tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản.

"Mặc dù mới được thông qua chưa lâu, Luật Đất đai sửa đổi dường như đã phần nào đóng góp vào cú hích lên đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này, trong đó, số liệu FDI gần đây cho thấy sự gia tăng trên diện rộng", các chuyên gia của HSBC nhận định.

Các chuyên gia của HSBC cũng tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra. Theo đó, HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.

Về lạm phát, theo Báo cáo, diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi do năng lượng giảm dần. Một chu kỳ nới lỏng của Fed trong tầm dự đoán cũng sẽ giúp tháo gỡ bớt một số áp lực về tỷ giá.

"Xét tất cả những yếu tố nêu trên, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm 2025 là 3,0%", HSBC nhận định.

Vẫn còn các rủi ro

Theo Báo cáo, siêu bão Yagi đổ bộ ngày 7/9 vừa qua đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến Việt Nam. Chính phủ đã ước tính sơ bộ thiệt hại lên đến 1,6 tỷ USD, ghi nhận tình hình ngập lụt trên diện rộng và thiệt hại xảy ra với nhiều nhà xưởng, kho bãi, hạ tầng điện.

Mặc dù các nỗ lực khắc phục và phục hồi hoạt động đang được tiến hành, hậu quả để lại sau cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào châu Á trong năm nay tính đến thời điểm này được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần nữa.

HSBC cho biết, bên cạnh giá năng lượng thế giới, Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động đột ngột của giá thực phẩm. Chẳng hạn, giá thịt lợn đã tăng vọt khi nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù vậy, áp lực lên một số mặt hàng nông sản được dự báo sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Ninõ sang La Ninã mang lại một số điều kiện thuận lợi cho mùa màng ở Đông Nam Á.

"Vấn đề cuối cùng là liệu nhu cầu đối với hàng hóa cải thiện thêm sẽ đóng vai trò quyết định đối với mức độ phục hồi của Việt Nam bởi các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, cần theo dõi sát sao xu hướng và tốc độ chi tiêu tiêu dùng ở phương Tây", Báo cáo nhận định.

… nhưng đi sâu vào chi tiết thì vẫn đáng khích lệ

Theo HSBC, FDI đăng ký mới trong tám tháng đầu năm 2024 tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn tính đến thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư hiện hữu tiếp tục đưa ra cam kết, như Tập đoàn Amkor đầu tư thêm 1,07 tỷ USD vào dự án bán dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng trong những tháng gần đây, nhiều khả năng là nhờ Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8, nới lỏng một số quy định và kích thích nhu cầu.

Cũng theo Báo cáo, Việt Nam đã đón trên 11 triệu khách quốc tế tính đến thời điểm hiện tại. Đây là nguyên nhân giúp níu giữ một số cấu phần của bán lẻ: doanh thu du lịch tăng 26% trong 8 tháng đầu năm, so với mức tăng trưởng 8,5% của tổng tăng trưởng bán lẻ. Hiệu ứng lan tỏa dần dần từ lĩnh vực sản xuất đang hồi sinh cũng như hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ sẽ khuyến khích chi tiêu hộ gia đình theo thời gian.

"Triển vọng du lịch của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện hơn nữa. Chẳng hạn, dù chiếm một phần ba lượng du khách trước đại dịch, khách du lịch Trung Quốc đại lục vẫn cần thị thực để đi sang Việt Nam", các chuyên gia của HSBC nhận định.

Theo báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek và Bain & Company, Việt Nam là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ở ASEAN trong năm ngoái. Kết quả này được thúc đẩy bởi tập người tiêu dùng hiểu biết về mạng internet đang gia tăng. Chính phủ và các doanh nghiệp đang thúc đẩy chuyển đổi số. Chẳng hạn, vẫn còn dư địa để tăng lượng sử dụng các nền tảng trực tuyến và chữ ký số khi xử lý thủ tục giấy tờ.

"Riêng trong vấn đề này vẫn tồn tại những thách thức nhất định. Sự phát triển của nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tăng trưởng kinh tế. Điều đáng khích lệ là Chính phủ cũng như khu vực kinh tế tư nhân đang có giải pháp cho những vấn đề này", HSBC nhận định.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hsbc-van-giu-du-bao-tang-truong-gdp-cua-viet-nam-cho-nam-2024-va-2025-o-muc-65-post354859.html
Zalo