Houthis vươn mình trở thành thế lực đáng gờm ở Trung Đông ra sao?

Nhóm vũ trang Houthis (Yemen) đã phát triển thành một thế lực khu vực có khả năng tạo đòn bẩy trong địa chính trị khu vực. Liệu thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thay đổi chiến lược của Houthis ở Biển Đỏ?

Bên lề xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza, nhóm vũ trang Houthis (Yemen) đã chuyển mình từ một phong trào nổi dậy trong nước thành một thế lực khu vực, có khả năng tác động đến cục diện địa chính trị Biển Đỏ và gây gián đoạn thương mại toàn cầu.

Điều này thể hiện qua các cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ ở Biển Đỏ và khả năng chống chịu trước các cuộc không kích từ Mỹ, Anh và Israel.

Theo các chuyên gia, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, được công bố vào ngày 18-1, có thể ảnh hưởng đến chiến lược của Houthis ở Biển Đỏ trong bối cảnh nhóm này nỗ lực cải thiện hình ảnh trong nước và tìm kiếm sự công nhận quốc tế.

 Những người ủng hộ Nhóm vũ trang Houthis giương cao vũ khí tại thủ đô Sanaa (Yemen) hồi tháng 9-2024. Ảnh: AFP

Những người ủng hộ Nhóm vũ trang Houthis giương cao vũ khí tại thủ đô Sanaa (Yemen) hồi tháng 9-2024. Ảnh: AFP

Phát triển thành một thế lực khu vực

Houthis coi các cuộc tấn công của nhóm này ở Biển Đỏ là biện pháp trừng phạt đối với Israel và các đồng minh phương Tây do chiến dịch quân sự của Tel Aviv ở Gaza.

Bằng cách này, Houthis không chỉ làm nổi bật sự đồng cảm với phong trào Palestine mà còn đưa Yemen trở lại ánh đèn sân khấu quốc tế sau gần hai năm yên ả kể từ lệnh ngừng bắn do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian vào tháng 4-2022.

Chiến lược này đã thu hút được sự ủng hộ đáng kể từ người dân Yemen và các quốc gia trong khu vực - nơi phần lớn đều ủng hộ Palestine.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hành động của Houthis xuất phát chủ yếu từ mong muốn củng cố vị thế khu vực hơn là từ sự đoàn kết thực sự với người dân Gaza.

“Mục tiêu của Houthis không phải là thực sự hỗ trợ Hamas và người Palestine ở Gaza. Thay vào đó, họ muốn lợi dụng khủng hoảng này để khẳng định mình là một thế lực quan trọng trong khu vực” - nhà nghiên cứu và phân tích người Yemen, ông Nabil Al-Bukairi, nói với tờ The New Arab.

Houthis đã cảnh báo rằng nếu thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza thất bại hoặc bạo lực tái diễn, nhóm này sẽ tăng cường các cuộc tấn công lên mức độ như trước đây, bao gồm việc mở rộng tấn công vào các tàu thuyền quốc tế. Những lời đe dọa này làm nổi bật ý định của Houthis trong việc duy trì sức ép lên các tuyến đường hàng hải quan trọng.

Trong nước, Houthis đã củng cố quyền kiểm soát đối với miền Bắc Yemen - một quá trình được xây dựng từ hàng thập niên xung đột.

Nói về sức mạnh đang nổi lên của Houthis trong khu vực, một nhóm chuyên gia của LHQ đã lưu ý vào tháng 11-2024 rằng “việc chuyển hướng sang hành động trên biển đã tăng cường ảnh hưởng của Houthis trong khu vực”.

“Chưa từng có quy mô tấn công như vậy, sử dụng hệ thống vũ khí vào tàu dân sự, kể từ Thế chiến II” - nhóm chuyên gia nhận định.

Ngoài quan hệ với Iran, Houthis cũng xây dựng liên kết với nhiều nhóm vũ trang khác nhau ở Trung Đông. Các liên minh này bao gồm Nhóm Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq (IRI) được Tehran hậu thuẫn.

Với ảnh hưởng ngày càng mở rộng, rất khó để Houthis rút lui khỏi Biển Đỏ. Điều này không chỉ vì lợi ích chính trị và sự ủng hộ mà họ thu được từ các chiến dịch này, mà còn vì lợi ích tài chính đáng kể.

“Các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ đã cho họ cơ hội giành được sức ép lớn đối với thương mại quốc tế và thu về khoảng 2 tỉ USD mỗi năm từ khoản phí mà một số công ty tàu biển phải trả để được phép đi qua” - ông Thomas Juneau, PGS tại ĐH Ottawa (Canada), nói với The New Arab.

Tuy nhiên, khi tham vọng của Houthis tăng lên, nhóm này cũng phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong nước. Khoảng 70% dân số Yemen nằm dưới sự kiểm soát của Houthis đang sống trong điều kiện khó khăn và phần lớn vẫn phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.

Trong bối cảnh này, chuyên gia cho rằng Houthis sẽ tiếp tục hành động trên Biển Đỏ để duy trì sự ủng hộ của người dân trong nước, ngay cả khi lệnh ngừng bắn Gaza vẫn được duy trì.

“Với những yếu điểm của Houthis trong nước, đặc biệt là về mặt kinh tế, nhóm này có thể sẽ tiếp tục các nỗ lực quyết liệt để lợi dụng vấn đề Palestine nhằm bảo vệ lợi ích của nhóm ở Yemen” - TS Juneau nêu quan điểm.

Căng thẳng sẽ vẫn tiếp tục?

Ngay cả khi các chiến dịch của Houthis tạm thời lắng xuống sau khi xung đột Israel-Gaza kết thúc, nhóm này có khả năng sẽ tiếp tục gây sức ép lên Israel, Mỹ và cả Saudi Arabia trong tương lai, nhờ vào ảnh hưởng mới có của nhóm tại Biển Đỏ.

 Trực thăng Houthis tiếp cận tàu chở hàng Galaxy Leader treo cờ Bahamas di chuyển ở Biển Đỏ hồi tháng 11-2023. Ảnh: HOUTHIS

Trực thăng Houthis tiếp cận tàu chở hàng Galaxy Leader treo cờ Bahamas di chuyển ở Biển Đỏ hồi tháng 11-2023. Ảnh: HOUTHIS

Các cuộc tấn công của Mỹ và Anh nhắm vào Houthis kể từ tháng 1-2024, nhằm làm suy yếu kho vũ khí quân sự của Houthis, vẫn chưa làm suy giảm đáng kể sức mạnh của nhóm. Ngay cả các cuộc tấn công của Israel, mặc dù có gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của Yemen, cũng không thể đánh bại Houthis và các lãnh đạo của nhóm này.

Dù vậy, các cuộc tấn công của Israel đã làm suy yếu năng lực của cảng Hodeidah - nơi rất quan trọng trong việc đưa viện trợ nhân đạo vào Yemen. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20-1 về việc tái liệt kê Houthis là tổ chức khủng bố đã làm nổi bật thực tế này, nhưng hiệu quả của quyết định trong việc kiềm chế hoạt động của Houthis vẫn còn chưa rõ ràng.

Chẳng hạn, trong khi Houthis đã xây dựng các mạng lưới tài chính độc lập có thể làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt, việc tái liệt kê sẽ cắt giảm viện trợ thiết yếu cho người dân Yemen.

“Mối đe dọa đối với thương mại Biển Đỏ sẽ tồn tại miễn là Houthis vẫn còn cầm quyền” - theo chuyên gia Al-Bukairi.

Hội đồng Lãnh đạo Tổng thống Yemen (PLC) – cơ quan của chính phủ Yemen được quốc tế công nhận – đã hoan nghênh việc ông Trump tái liệt kê Houthis là một cách để thúc đẩy nỗ lực chống lại nhóm này.

Các nhà quan sát Yemen, bao gồm cả ông Al-Bukairi, nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ quốc tế bền vững đối với chính phủ Yemen là chìa khóa để hạn chế ảnh hưởng của Houthis.

Theo giới quan sát, chính quyền mới ở Mỹ đã chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với Israel, gây lo ngại về sự an toàn của người Palestine trong 4 năm tới. Hơn nữa, Houthis đã vươn lên thành một tác nhân mạnh mẽ hơn ở Biển Đỏ và vẫn kiên định sử dụng vấn đề Palestine phục vụ lợi ích riêng của mình.

Sự kết hợp này có thể dẫn đến nhiều cuộc đối đầu hơn nữa tại Biển Đỏ, cũng như những cuộc đụng độ giữa Israel và Houthis, theo The New Arab.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/houthis-vuon-minh-tro-thanh-the-luc-dang-gom-o-trung-dong-ra-sao-post832885.html
Zalo