Hợp xướng vũ trụ được phát hiện lần đầu tiên, cách Trái Đất 160.000 km

'Hợp xướng không gian' kỳ diệu, âm thanh từ trường Trái Đất hé lộ bí ẩn vũ trụ, mở ra kỷ nguyên mới dự báo thời tiết không gian, làm thay đổi hiểu biết 70 năm về từ trường Trái Đất.

Bạn đã bao giờ tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra khi các hạt tích điện từ vũ trụ "gảy" lên những "sợi dây đàn" từ trường Trái Đất? Câu trả lời, theo nghiên cứu mới nhất từ các nhà khoa học Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh (Beihang University), chính là một bản "hợp xướng không gian" kỳ diệu.

Nghiên cứu đột phá này vừa được công bố trên tạp chí khoa học danh tiếng Nature, các nhà khoa học đã lần đầu tiên phát hiện ra "hợp xướng không gian" (space chorus) ở khoảng cách xa xôi 160.000 km từ Trái Đất, đồng thời hé lộ một cơ chế hình thành sóng âm hoàn toàn mới, lật đổ những nhận thức truyền thống đã tồn tại suốt 70 năm qua trong giới khoa học toàn cầu.

"Hợp xướng không gian" - Bản giao hưởng bí ẩn của vũ trụ

Theo các chuyên gia Trung Quốc, "hợp xướng không gian", hay còn gọi là sóng hợp xướng (chorus wave), thực chất là một loại sóng điện từ. Quan điểm truyền thống từ lâu cho rằng, sự hình thành của nó có liên quan mật thiết đến từ trường Trái Đất. Hãy tưởng tượng các đường sức từ của từ trường Trái Đất như những sợi dây đàn, được cố định ở hai đầu là khu vực cực từ Bắc và Nam. Khi năng lượng từ gió mặt trời "thổi" đến Trái Đất, tương tác với từ trường, nó sẽ kích thích những "sợi dây đàn" này dao động, tạo ra sóng điện từ với đặc trưng tần số giống như tiếng chim hót đồng loạt vào buổi sáng sớm - đó chính là "hợp xướng không gian".

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra một "hợp xướng không gian" cách Trái Đất 160.000 km và cơ chế mới để tạo ra sóng hợp xướng, phá vỡ nhận thức nghiên cứu truyền thống trong 70 năm qua. (Ảnh: CCTV)

Các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra một "hợp xướng không gian" cách Trái Đất 160.000 km và cơ chế mới để tạo ra sóng hợp xướng, phá vỡ nhận thức nghiên cứu truyền thống trong 70 năm qua. (Ảnh: CCTV)

Từ những năm 1950, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã tiến hành vô số nghiên cứu và quan sát về sóng hợp xướng, cho rằng chúng chủ yếu hình thành ở khu vực từ trường lưỡng cực gần Trái Đất. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu từ Đại học Beihang, bằng việc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được trong nhiều năm từ một tàu thăm dò khoa học, đã đưa ra một phát hiện chấn động, "hợp xướng không gian" không chỉ tồn tại ở gần Trái Đất mà còn xuất hiện ở khoảng cách xa tới 160.000 km. Đồng thời, họ cũng tìm ra một cơ chế hình thành sóng hợp xướng hoàn toàn mới, thách thức những hiểu biết đã được chấp nhận rộng rãi trong suốt 7 thập kỷ qua.

Mở ra kỷ nguyên mới cho dự báo thời tiết không gian và bảo vệ vệ tinh

Trong bối cảnh các mối đe dọa từ hạt năng lượng cao đối với tàu vũ trụ ngày càng gia tăng, sóng hợp xướng trở thành một yếu tố quan trọng trong hệ thống dự báo thời tiết không gian của các cường quốc vũ trụ. Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Viện trưởng Học viện Khoa học Không gian và Trái Đất thuộc Đại học Bắc Kinh, ông Tào Tấn Tân giải thích: "Thông qua nghiên cứu cơ chế hình thành và cách thức sóng hợp xướng gia tốc các electron năng lượng cao, chúng ta có thể dự báo trước sự tiến hóa của vành đai bức xạ electron năng lượng cao, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho vệ tinh".

Phát hiện mới này không chỉ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của con người về môi trường không gian xung quanh Trái Đất, còn mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực dự báo thời tiết không gian. Việc nắm bắt chính xác hơn về cơ chế hình thành và đặc tính của sóng hợp xướng sẽ giúp các nhà khoa học xây dựng các mô hình dự báo thời tiết không gian tiên tiến hơn, bảo vệ an toàn cho các thiết bị và hoạt động của con người trong vũ trụ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp vũ trụ.

Bích Hậu (Theo CCTV)

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/hitech-xe/hop-xuong-vu-tru-duoc-phat-hien-lan-dau-tien-cach-trai-dat-160000-km-261565.htm
Zalo