Hợp tác xã Thành Công Đạo Thạnh: Vì lợi ích của thành viên và khách hàng
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hợp tác xã (HTX) Thành Công Đạo Thạnh, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã khẳng định vị thế và giá trị kinh tế tập thể đem lại nhiều lợi ích cho thành viên. HTX đã kết nối doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào, đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm.
HTX Thành Công Đạo Thạnh được thành lập từ năm 2019, với 30 thành viên ban đầu, với cách làm sáng tạo, biết đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên thu hút nông dân tham gia HTX ngày càng nhiều. Đến nay, HTX có 102 thành viên chính thức và nhiều nông dân tham gia liên kết thực hiện sản xuất.

HTX thu mua bưởi da xanh.
HTX hoạt động với mục tiêu tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chung của thành viên về sản xuất, kinh doanh, tăng thêm lợi ích thiết thực… Bên cạnh đó, việc duy trì thực hiện tốt các dịch vụ thiết yếu, HTX còn thực hiện hiệu quả dịch vụ thỏa thuận cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân; tích cực vận động nông dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng... Điều này được thể hiện qua việc tăng lợi nhuận của thành viên hằng năm từ 5 - 10%.
Bên cạnh đó, HTX tăng cường liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế, cá nhân nhằm mở rộng các dịch vụ giúp hạ chi phí sản xuất, tăng giá trị thu nhập cho thành viên. Bà Hồ Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, chỉ riêng việc được thu mua tại vườn đã giúp thành viên HTX không phải mất công thu hoạch, chi phí vận chuyển.
HTX cũng đẩy mạnh liên kết với các công ty giống, phân bón cho hộ thành viên và hộ dân theo mô hình liên kết cung ứng tập trung, thanh toán sau thu hoạch, không tính lãi. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào cho hộ thành viên, nông dân.
Hiện HTX đã đăng ký được 2 mã số vùng trồng gồm: Mã số vùng trồng trên cây dừa, với diện tích trên 170 ha; mã số vùng trồng trên cây bưởi là 30 ha. Đây cũng là tiền đề vững chắc trong việc tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu nông sản trên thị trường các nước sau thu hoạch được thuận lợi.
Ngoài việc giải quyết đầu ra sản phẩm, HTX còn giải quyết khâu đầu vào gồm cung cấp phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho các thành viên sử dụng trên cây bưởi. HTX cho các thành viên ký kết mua phân, thuốc sử dụng, đến cuối vụ mới thanh toán.
Để đảm bảo chất lượng trái bưởi theo hướng an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, các thành viên trong HTX đều áp dụng quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, sản phẩm bưởi của các thành viên HTX đã được chứng nhận đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để sản phẩm bưởi của HTX đạt tiêu chuẩn, thời gian qua, lãnh đạo HTX đã vận động các thành viên thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, hướng đến sản xuất hữu cơ. Tuyên truyền cho thành viên sản xuất ra sản phẩm vừa đạt chất lượng vừa đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Về quy trình sản xuất, HTX hướng dẫn thành viên sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học là chủ yếu. Ngoài ra, đối với những vườn đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc hóa học cấm sử dụng.

Lãnh đạo HTX thăm vườn dừa của anh Lê Văn Nhớ.
Tham gia HTX ngay từ những buổi đầu thành lập, anh Nguyễn Văn Quang, ấp Trường Xuân B, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo rất phấn khởi bởi 5 công đất trồng chuyên canh bưởi da xanh của anh luôn được HTX hỗ trợ cung ứng vật tư nông nghiệp cùng với kỹ thuật chăm sóc bưởi theo các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nhờ đó, vườn bưởi nhà anh luôn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, đặc biệt thu hoạch luôn đạt năng suất, trái bưởi đạt chuẩn theo yêu cầu của HTX.
Hay như anh Lê Văn Nhớ, ấp Long Hòa A, xã Đạo Thành, TP. Mỹ Tho đang canh tác 5 công dừa được 6 năm tuổi. Anh Nhớ cho biết, trước đây chưa tham gia vào HTX, anh canh tác theo lối truyền thống nên sản lượng dừa không cao, đầu ra bấp bênh.
Tuy nhiên, sau khi được xã Đạo Thạnh giới thiệu tham gia vào HTX, anh không chỉ được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn trồng trọt, mà còn được bao tiêu sản phẩm, thu nhập của anh ngày càng khấm khá hơn.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Hồ Thị Lan Anh, loại hình kinh tế này có ưu thế rõ rệt, phù hợp với nhu cầu phát triển của kinh tế thị trường. HTX hoạt động trên cơ sở tự nguyện, các xã viên đã chủ động, trao đổi, bàn bạc tìm hướng đi tối ưu nhất, cách làm hay nhất, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất bằng nội lực. Các thành viên HTX luôn tìm tòi, cầu tiến, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, trao đổi khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.