Hợp tác xã nông nghiệp nắm bắt cơ hội phát triển
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 400 hợp tác xã (HTX) đầu tư sản xuất ở các lĩnh vực: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, chế biến thức ăn, sơ chế nông- lâm sản... Ngoài ra còn có nhiều HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp, hoạt động khá hiệu quả. Đây là kết quả của việc áp dụng các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế HTX thời gian qua.

Nhờ được hỗ trợ các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ, các sản phẩm chè của HTX sản suất, chế biến chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn đã có mặt tại hội chợ thương mại.
Tiên phong trong triển khai mô hình liên kết nuôi dê thịt, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông lâm Tất Thắng, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đã tập trung tổ chức chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa các thành viên trong chuỗi giá trị. Bà Đinh Thị Thạo, Giám đốc HTX chia sẻ: “Với sản lượng cung cấp thị trường trên 250 tấn dê thịt/năm, sản phẩm sau khi nuôi được phân bổ hợp lý cho các nhóm thị trường chính như cung cấp nhà hàng đặc sản dê của thành viên HTX. Các sản phẩm chế biến Thịt dê chua Tuấn Thạo, giò dê Tuấn Thạo, thịt chua Tuấn Thạo đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao tiêu thụ trong các gian trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, việc đa dạng kênh phân phối không chỉ tối ưu hóa giá trị sản phẩm mà còn giúp HTX đa dạng hóa nguồn thu, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sự phát triển bền vững”.
Không chỉ có HTX Nông lâm Tất Thắng, hiện nay, đối với các HTX nông nghiệp, ngoài việc tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, hỗ trợ phát triển, tăng thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương, các thành viên HTX còn có cơ hội được học tập phương thức sản xuất hiện đại, bền vững, an toàn. Nhờ đó, nhiều HTX đã chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng cung ứng nhiều dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tổ chức dịch vụ từ đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp. Nhờ vậy, quy mô và trình độ sản xuất có sự chuyển biến tích cực.
Cùng với đó, nhằm “tiếp sức” hỗ trợ HTX nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh chủ động lồng ghép các nguồn lực thực hiện dự án ứng dụng khoa học và công nghệ mới vào sản xuất - kinh doanh; triển khai mô hình hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, hệ thống tưới, phân bón, giống... của các HTX; trợ giúp các HTX có năng lực tiếp cận các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi...; phối hợp tổ chức tập huấn cho hàng ngàn lượt học viên là đối tượng cán bộ quản lý, thành viên, người lao động trong HTX về quản trị HTX, nghiệp vụ kế toán, hạch toán và kê khai thuế điện tử; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; xây dựng sản phẩm OCOP cho các HTX; ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn hỗ trợ các HTX nông nghiệp đăng ký, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản.
Toàn tỉnh hiện có trên 49.000 thành viên tham gia HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm qua, doanh thu bình quân đạt trên 2,2 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân đạt 81,5 triệu đồng/HTX/năm. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX gần 4.000 người; thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 4 triệu đồng/người/tháng. Các HTX luôn duy trì hoạt động hiệu quả bền vững qua các năm như: HTX Mì gạo Hùng Lô; HTX Sản xuất và sơ chế tiêu thụ rau an toàn Tứ Xã; HTX Thịt chua Thanh Sơn - Phú Thọ; HTX Sản suất chế biến chè Long Cốc... Đặc biệt, xuất hiện nhiều mô hình HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; liên kết trong sản xuất các sản phẩm như: Đông trùng hạ thảo, trà thảo mộc, chè xanh, gà ủ muối... Từ đó, thu nhập của các thành viên được nâng lên, HTX đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.