Hợp tác Việt - Mỹ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp toàn dân
Ngày 17/5 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society tổ chức tại thành phố San Francisco.
Mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành ít phút để bày tỏ quan điểm về tình hình thế giới, tình hình và đường lối, chiến lược phát triển của Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Mỹ, ASEAN - Mỹ, cũng như các ưu tiên chính sách của Việt Nam đối với vấn đề đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đánh giá, tình hình thế giới hiện nay ngoài thuận lợi thì đan xen khó khăn, thách thức. Những vấn đề toàn cầu đang tác động toàn thế giới, ảnh hưởng đến mỗi quốc gia và cuộc sống mỗi người dân. Điều đó đòi hỏi cách giải quyết, tiếp cận phải toàn cầu, toàn dân, kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương bởi nếu "không chung tay thì không giải quyết được".
Về quan hệ Việt Nam - Mỹ, Thủ tướng nhắc lại bức thư năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Truman ngay sau khi Việt Nam giành được độc lập, với lời đề nghị thiết lập bang giao, sẵn sàng mở cửa quan hệ với Mỹ và thế giới.
Thủ tướng khẳng định: "Trải qua thăng trầm, dù có lúc thù địch, nhưng quan hệ hai nước đã có đột phá. Chúng ta đã gác lại quá khứ, hướng đến tương lai". Ông cũng dẫn ra một loạt mốc sự kiện quan trọng như năm 1995, hai nước bình thường hóa quan hệ; năm 2000 hai nước ký Hiệp định thương mại; năm 2013 thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện hay Tuyên bố Tầm nhìn chung trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 về "tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Mỹ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng".
Cùng với đó, quan hệ ASEAN - Mỹ được các bên cam kết nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. ASEAN và Mỹ là thị trường lớn của nhau, trong đó Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN.
Đối với chủ đề chính của buổi đối thoại là bàn về đổi mới sáng tạo, Thủ tướng khẳng định Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là động lực quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Cả 3 đột phá chiến lược mà Việt Nam xác định (thể chế, hạ tầng và nhân lực) đều liên quan đến khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn các đối tác Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng, nhất là các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…
"Đề nghị quý vị có mặt tại đây mang tinh thần và kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, phát huy những kết quả của hội thảo hôm nay để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất, hiệu quả, mạnh mẽ hơn những gì mà Việt Nam đã làm được", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các startup
Trong phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi và kéo dài hơn dự kiến ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục đề cập đến cơ hội hợp tác trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, lãnh đạo Tập đoàn năng lượng - tài chính Chervron mong muốn các sáng kiến về công nghệ không nằm riêng lẻ mà cần được tích hợp, liên kết để mang đến sự hiểu biết nhiều hơn cho mọi người cũng như gia tăng cơ hội vươn lên cho người dân nhờ vào đổi mới công nghệ.
Đại diện cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại thung lũng công nghệ Silicon cho biết, quỹ này vừa hợp tác để làm pin ô tô điện cùng VinFast và mong muốn được tìm hiểu một cách có hệ thống về các chính sách Chính phủ trong khuyến khích các doanh nghiệp từ Silicon tới Việt Nam hợp tác.
Thủ tướng cho hay, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các starup. Ngoài ra, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào.
"Chúng tôi cũng có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực cần đầu tư sớm. Cũng như tăng cường năng lực y tế, giáo dục để hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, lâu dài", Thủ tướng chia sẻ.
Việt Nam cần sự ưu tiên nguồn lực từ các nước phát triển
Trong buổi tọa đàm, lãnh đạo một ngân hàng chuyên cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon đã tặng Thủ tướng một chiếc túi được sản xuất tại Việt Nam nhưng gắn logo của ngân hàng này, như một biểu tượng cho mong muốn được hợp tác chặt chẽ.
Đáp lại, Thủ tướng cho hay, Việt Nam là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) nhất thế giới với khoảng 60 nước tham gia, độ mở nền kinh tế tới 200% GDP. Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu về vốn rất lớn để giải quyết các vấn đề mới như chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu… và rất mong muốn có sự chung tay của các định chế tài chính lớn.
Trả lời câu hỏi của Giám đốc khối Đông Nam Á và Nam Á của Tập đoàn Meta về đề nghị có nhóm hợp tác đặc trách với Việt Nam về chuyển đổi số, nhất là trong các quy định liên quan ngành công nghệ, Thủ tướng nhấn mạnh rằng "tài nguyên con người là quý giá nhất" và đề nghị được hợp tác trong nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh đó, hạ tầng liên quan phát triển khoa học công nghệ cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để phù hợp yêu cầu phát triển chung.
"Chúng tôi rất muốn huy động các nguồn lực tài chính thông qua hợp tác công tư. Những nước đang phát triển như Việt Nam cần sự ưu tiên nguồn lực từ các nước phát triển", Thủ tướng chỉ rõ.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp bà London Breed, Thị trưởng thành phố San Francisco.
Thủ tướng đánh giá quan hệ hai bên có dư địa phát triển rộng lớn, trong đó Việt Nam xác định San Francisco là một địa bàn trọng điểm để thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương hai nước. Với kết nối hàng không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu đặt văn phòng đại diện, mở rộng hoạt động tại đây.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa San Francisco với các địa phương nói chung và với thành phố Hồ Chí Minh nói riêng trên các lĩnh vực mà San Francisco có thế mạnh như kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai…
Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực y tế; khuyến khích các doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khoảng 50.000 người Việt Nam tại đây sinh sống, học tập, làm việc ổn định, tuân thủ pháp luật.
Nhân dịp này, Thủ tướng mời bà Thị trưởng thăm Việt Nam và TP HCM để tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai bên ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.