Hợp tác thương mại Việt Nam - Cộng hòa Séc còn nhiều dư địa

Sau 75 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Cộng hòa Séc đã thiết lập nền tảng quan hệ vững chắc trên tinh thần tôn trọng và hợp tác hữu nghị trong nhiều lĩnh vực.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) xuất khẩu quần áo bảo hộ y tế và khẩu trang ba lớp, được làm từ vải nano kháng khuẩn sang thị trường Séc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) xuất khẩu quần áo bảo hộ y tế và khẩu trang ba lớp, được làm từ vải nano kháng khuẩn sang thị trường Séc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã và đang đem lại cho cả Việt Nam và Cộng hòa Séc những lợi ích thực chất về kinh tế-thương mại-đầu tư. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Cộng hòa Séc trong ASEAN. Ngươc lại, Cộng hòa Séc là nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, công nghiệp phát triển mạnh, thịnh vượng trong số các quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Đông Âu. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kỳ vọng đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên một tầm cao mới, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Quan hệ bổ trợ

Theo các chuyên gia, Việt Nam và Cộng hòa Séc là 2 nền kinh tế có tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thủy hải sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng. Ở chiều ngược lại, Cộng hòa Séc là quốc gia có nền công nghiệp phát triển, nhiều sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng thế giới về cơ khí, máy móc, xe ô tô, xe tải, đầu máy xe lửa, động cơ tàu thủy, thiết bị quốc phòng và nhiều sản phẩm tiêu dùng có chất lượng mà Việt Nam có nhu cầu lớn.

Tại buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam Hynek Kmonicek, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua. Năm 2022, hai bên đã tổ chức thành công Khóa họp lần thứ VII - Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế tại Praha. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả Việt Nam và Cộng hòa Séc, cơ cấu hàng hóa giữa hai nước còn hẹp, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp.

Trong khi đó, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn còn lớn; đồng thời, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện sẽ là tiền đề thuận lợi để nghiên cứu, tìm giải pháp tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng. Hơn nữa, trước việc Việt Nam và Cộng hòa Séc là hai nước đang thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn Cộng hòa Séc và các nước liên quan đẩy việc sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA về bảo hộ đầu tư; đồng thời, có thể trao đổi kỹ hơn một số hướng hợp tác.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương), kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 1,134 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc 958 triệu USD; ngược lại, nhập khẩu từ thị trường này đạt hơn 176 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt 1,8 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD và nhập khẩu đạt 207 triệu USD.

Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, thương mại giữa hai nước những năm gần đây có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việt Nam xuất khẩu sang Cộng hòa Séc các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính…

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Cộng hòa Séc hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh… Đặc biệt, Cộng hòa Séc luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên về hợp tác kinh tế ngoài EU.

Về đầu tư, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD (đứng thứ 50/147) và tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Cộng hòa Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.

Hiện tại, Cộng hòa Séc đang triển khai dự án thành lập liên doanh sản xuất ô tô của Tập đoàn SKODA Auto với Tập đoàn Thành Công tại Quảng Ninh tổng trị giá 450 triệu USD (dự kiến đi vào hoạt động vào quý 1/2025). Ngoài ra, Tập đoàn Sev.en Global investment của Cộng hòa Séc đang hoàn tất bổ sung các hồ sơ còn thiếu mua lại 51% cổ phần nhà máy điện than Mông Dương 2 tại Quảng Ninh. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 4 dự án đầu tư sang Cộng hòa Séc với tổng số vốn 1,5 triệu USD.

Khai thác lợi thế

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Séc của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Séc của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Tham tán Thương mại tại Cộng hòa Séc cho hay: Hợp tác thương mại đầu tư Việt – Séc đang có đà tăng trưởng tốt, tận dụng được quan hệ gắn bó truyền thống; trong đó, vai trò của Việt kiều đã và đang đóng góp một phần không nhỏ, nếu đánh giá đúng và có biện pháp hỗ trợ kịp thời sẽ tiếp tục phát huy tốt. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành năng lượng và khai khoáng của Cộng hòa Séc có lịch sử phát triển lâu đời nếu hợp tác bổ sung tốt cho ngành công nghiệp phụ trợ và công nghiệp nặng của Việt Nam.

Bên cạnh những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh năm như điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép của khu vực doanh nghiêp có vốn nước ngoài, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu góp mặt trong nhóm Top 10 nhóm hàng có doanh số tăng trưởng nhanh như hoa quả tươi, các sản phẩm ngũ cốc chế biến thuộc chương 19 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam, trà, cà phê.

Các công ty trong lĩnh vực nhiệt điện, môi trường, khai khoáng, sản xuất vũ khí, sản xuất xe chuyên dụng của Cộng hòa Séc đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam, một số tên tuổi có thể kể đến như Enelex (Hệ thống quản lý chất lượng than dùng cho nhà máy nhiệt điện), ARMEX Group (điện, khí, xăng dầu), Tập đoàn CSG (xe chuyên dụng, vũ khí)…

Thương vụ tại Cộng hòa Séc đã vinh dự kết nối thành công FPT của Việt Nam với Skoda qua đó, FPT cung cấp một số dịch vụ phần mềm cho ô tô của Skoda tại Việt Nam. Thương vụ cũng đang giúp công ty cơ khí chính xác của Séc 2JCP với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến chế tạo…Tuy nhiên, so với hàng hóa từ các nước thành viên EU, Việt Nam chưa cạnh tranh được về chất lượng, giá thành và dịch vụ, đặc biệt đối với các nhóm hàng hoa quả tươi, rau và gia vị tươi, vật liệu xây dựng ... do các nước thành viên EU có lợi thế về khoảng cách địa lý, về tiêu chuẩn chất lượng hài hòa trong khối.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, khó khăn vướng mắc lớn nhất hiện nay là các rào cản kỹ thuật của EU ngày càng nhiều, đặc biệt đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng thường xuyên và nhóm sản phẩm đắt tiền như yến sào, dược liệu, đông trùng hạ thảo ...Vì vậy, Bộ Công Thương và Đoàn đàm phán Chính phủ phối hợp với cơ quan liên quan trong nước đàm phán dỡ bỏ các rào cản với EU để các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa thêm mặt hàng xuất khẩu.

Hơn nữa, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang địa bàn đã đứng ở mức cao trong vài năm gần đây. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với các bộ, ngành liên quan về phương án hỗ trợ, tăng cường hiệu quả logistics trong nước giải quyết khó khăn về cước vận chuyển cho doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư sản xuất trực tiếp tại địa bàn.

Tại buổi thăm và làm việc tại trụ sở chính Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO), ông Marek Výborný - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Séc chia sẻ: Doanh nghiệp Cộng hòa Séc đã và đang có nhiều tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm.

Nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước, Bộ Công Thương cho rằng: Thời gian tới, hai bên cần nghiên cứu tiếp thúc đẩy hợp tác đầu tư, thông qua hợp tác đầu tư sẽ hỗ trợ Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất...Ngoài ra, khuyến khích và kêu gọi các nhà đầu tư của Cộng hòa Séc tăng cường hợp tác lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, hai bên cần tích cực tận dụng và tạo mọi điều kiện để cộng đồng người Séc gốc Việt làm ăn, kinh doanh, phát triển ở cả hai nước.

Đặc biệt, để triển khai thực hiện hiệu quả các thỏa thuận trong Biên bản Khóa họp lần thứ VII Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế, dự kiến hai bên sẽ tổ chức Khóa họp lần thứ VIII vào quý I năm 2025 tại Hà Nội; trong đó, sẽ kết hợp khai trương nhà máy lắp ráp ô tô Škoda tại Quảng Ninh.

Uyên Hương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/hop-tac-thuong-mai-viet-nam-cong-hoa-sec-con-nhieu-du-dia-20250118123746611.htm
Zalo