Họp Quốc hội: Giá vàng biến động khó lường, quản lý thị trường vàng còn hạn chế

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: An Đăng-TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: An Đăng-TTXVN)

Báo cáo Thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 5/5, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đã nêu ra một số thách thức có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.

Giá vàng trong nước tăng cao, biến động khó lường

Theo ông Phan Văn Mãi, những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại chủ động, toàn diện, hiệu quả, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vị thế đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, trong đó tăng trưởng kinh tế quý 1/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên (bình quân các quý còn lại của năm 2025 phải tăng trưởng khoảng 8,4%).

Đơn cử, tiêu dùng trong nước tăng chậm, chưa phát huy vai trò động lực (doanh thu bán lẻ hàng hóa nếu loại trừ yếu tố giá ước chỉ tăng khoảng 5,6% trong quý I/2025); khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được đột phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; trung bình mỗi tháng có gần 26,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng, cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn (đến hết tháng 3 đạt 9,53% kế hoạch thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024).

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. (Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. (Ảnh: Phạm Kiên-TTXVN)

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực, cho thấy dư địa để nâng cao năng lực nội sinh còn lớn, mức độ tập trung thương mại của Việt Nam gia tăng (đến hết quý 1/2025, 03 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam chiếm đến 49% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao gấp đôi mức 24% của năm 2015).

Theo ông Phan Văn Mãi, thị trường tài chính, tiền tệ và hệ thống ngân hàng cần được theo dõi sát để kịp thời kiểm soát các rủi ro phát sinh, đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ hơn về nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu để có đánh giá toàn diện về áp lực nợ xấu và có giải pháp phù hợp.

“Giá vàng trong nước tăng cao và có biến động khó lường, công tác quản lý thị trường vàng còn hạn chế, cần tiếp tục được hoàn thiện; áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lớn chiếm 64% tổng giá trị đáo hạn năm 2025, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, cần giải pháp đồng bộ để phát triển bền vững và lành mạnh,” ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra; một số quy định hiện hành vẫn gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Đặc biệt, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Một số vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng cần tiếp tục được quan tâm, xử lý kịp thời.

Nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định

Dẫn Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, theo đại diện Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, nợ thuế hiện vẫn ở mức cao, tổng nợ thuế nội địa đến 30/4/2025 ước khoảng 222,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so thời điểm 31/12/2024. Đề nghị cần có giải pháp tích cực hơn nữa trong thu hồi nợ thuế, góp phần bảo đảm thu ngân sách Nhà nước.

Về chi và cân đối ngân sách Nhà nước, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ sớm có phương án phân bổ đối với nguồn kinh phí sự nghiệp chưa phân bổ và có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển.

Ngoài ra, về chi cho các chương trình mục tiêu Quốc gia, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo cụ thể, rõ hơn về tình hình triển khai thực hiện, giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó làm rõ tiến độ thực hiện, giải ngân vốn chuyển nguồn sang năm 2025 đã được Quốc hội cho phép; tình hình thực hiện, giải ngân vốn ODA, các giải pháp khắc phục tình trạng giải ngân chậm, phải thực hiện hủy dự toán, trong đó có việc nghiên cứu chế tài xử lý đối với việc trả lại kế hoạch vốn do nguyên nhân chủ quan.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành, đồng thời, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.

 Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn)

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: quochoi.vn)

Cùng với đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số). Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, kịp thời phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch, có giải pháp phù hợp phấn đấu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát tiến độ; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia. Xử lý triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong giải ngân đầu tư công.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng nhấn mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng; có giải pháp giảm chi phí vốn, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích các ngân hàng chia sẻ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát triển thị trường tài chính lành mạnh, đa dạng hóa các kênh huy động vốn; kiểm soát rủi ro trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cuối năm.

Bên cạnh đó, tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện các biện pháp hữu hiệu, cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước, nợ công, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách Nhà nước, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi có nguồn đảm bảo.

“Cần chủ động ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, điều chỉnh thuế quan; xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có chính sách thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các FTA thế hệ mới,” Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hop-quoc-hoi-gia-vang-bien-dong-kho-luong-quan-ly-thi-truong-vang-con-han-che-post1036630.vnp
Zalo