Hợp nhất Bình Phước và Đồng Nai: Xu thế - cơ hội và động lực phát triển mới

BÀI 4
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, MỞ RỘNG KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN

BPO - Theo định hướng của Bộ Chính trị, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính phải xét đến các yếu tố như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, văn hóa, quy mô, trình độ phát triển kinh tế, vị trí bảo vệ Tổ quốc... Trên tinh thần đó, sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai sẽ khắc phục được các điểm nghẽn, mở rộng không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và định hướng phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai, cùng hệ thống giao thông kết nối liên vùng đã và đang được đầu tư sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn cho tỉnh Đồng Nai mới. Trong ảnh: Tuyến quốc lộ 14 ngang qua TP. Đồng Xoài kết nối khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ - Ảnh: Phú Quý

Đột phá kết cấu hạ tầng, nâng tầm huyết mạch giao thông

Nhìn tổng thể, vùng Đông Nam Bộ có đủ 5 phương thức vận tải, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Cụ thể: Đường bộ có tổng chiều dài 11.838km (gồm cao tốc khoảng 95km, quốc lộ 1.266km, tỉnh lộ 2.666km…); đường sắt với tổng chiều dài khoảng 110km… Tuy nhiên, đến nay, giữa nhiều tỉnh, thành trong khu vực dù giáp ranh với nhau vẫn chưa có đường giao thông kết nối.

Bình Phước và Đồng Nai đang trong tình trạng chung ấy. Dù giáp ranh 160km nhưng giữa 2 tỉnh vẫn bị ngăn cách bởi sông Mã Đà rộng khoảng 10m.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra các hướng tuyến kết nối Đồng Nai và Bình Phước qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến cầu Mã Đà sang tỉnh Bình Phước - Ảnh: V.H

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai kiểm tra các hướng tuyến kết nối Đồng Nai và Bình Phước qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đến cầu Mã Đà sang tỉnh Bình Phước - Ảnh: V.H

Ưu thế của Bình Phước là vị trí trung tâm, cửa ngõ kết nối khu vực Tây Nguyên đi các tỉnh, thành Nam Bộ với các tuyến giao thông trọng lực như quốc lộ 14, 13, ĐT741; đặc biệt tuyến ĐT753 từ thành phố Đồng Xoài có thể kết nối vào ĐT761 tỉnh Đồng Nai sang Sân bay quốc tế Long Thành và đi cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) rất thuận lợi. Có thể nói, đây là tuyến đường kết nối 2 tỉnh, ngắn và nhanh nhất trong việc thúc đẩy mở rộng công nghiệp liên vùng Bình Phước - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu với hệ thống cảng biển, đường sắt và Khu kinh tế của khẩu Hoa Lư đi Campuchia, Lào, Thái Lan…, nhưng tuyến đường này đang bị “mắc kẹt” tại cầu Mã Đà và Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Đây là “nút thắt” không thể không giải phóng.

Bình Phước có tiềm năng đất đai rộng lớn, hạ tầng khu công nghiệp đầu tư hiện đại, đồng bộ, hứa hẹn mở ra không gian phát triển rộng lớn cho các nhà đầu tư tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Tiến Dũng

Ông Phan Bi, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay ấp 5 có 360 hộ dân, một nửa trong số đó đang làm thuê, phát triển kinh tế bên tỉnh Bình Phước. Khu vực ấp 5 phần lớn đất lâm phần, giao thông kết nối hạn chế nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình. Do đó, thời gian qua, nhiều hộ dân của địa phương đã phải di chuyển sang tỉnh Bình Phước để buôn bán hoặc làm thuê. Cũng có người qua thuê đất để sản xuất, mua rẫy canh tác. Do không có cầu kết nối giao thông 2 tỉnh nên mùa khô bà con chọn cách lội suối để đi làm, mùa mưa phải đi đường vòng cả trăm kilômét, rất khó khăn. Nhiều người ngại di chuyển xa nên chọn cách chèo thuyền, đu dây, thậm chí bơi qua sông rất nguy hiểm.

Trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: Do mối quan hệ thân tộc, gần gũi với người dân Bình Phước bên kia cầu Mã Đà, người dân ở đây thường xuyên qua lại để làm ăn, trao đổi hàng hóa, nông sản… Tuy nhiên, do không có đường, không có cầu kết nối nên gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mùa mưa, nước sông dâng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.

Sinh ra ở tỉnh Bến Tre, ông Lê Hồng Lạc lên lập nghiệp tại ấp 5, xã Mã Đà từ 35 năm trước. Dù các thế hệ con, cháu ông đã “bám rễ” tại vùng đất này nhưng người thân, anh em, dòng họ của gia đình ông lại đang sinh sống tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Dịp lễ, tết năm nào gia đình ông cũng vượt hàng trăm kilômét lên thăm người thân. Nay nghe tin sáp nhập Bình Phước với Đồng Nai ông rất vui mừng, phấn khởi. Điều ông mong mỏi nhất là sớm xây dựng cầu Mã Đà và có thêm nhiều tuyến giao thông kết nối khác để gia đình ông và người thân ở 2 tỉnh Bình Phước - Đồng Nai xích lại gần nhau hơn.

Với dự án kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với đường vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh, chắc chắn tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ giải quyết triệt để những vướng mắc về giao thông kết nối 2 tỉnh và đi các tỉnh, thành trong khu vực

Với dự án kết nối đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng với đường vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh, chắc chắn tỉnh Đồng Nai mới sau hợp nhất sẽ giải quyết triệt để những vướng mắc về giao thông kết nối 2 tỉnh và đi các tỉnh, thành trong khu vực

Liên quan đến bài toán kết nối giao thông 2 tỉnh, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện nay, các phương án kết nối giao thông đã được lãnh đạo 2 tỉnh nghiên cứu, khảo sát và kích hoạt. Trung ương đã thống nhất và lãnh đạo 2 tỉnh đã họp bàn quyết định đầu tư xây dựng cầu Mã Đà, kết hợp nâng cấp, mở rộng các tuyến đường 2 bên đầu cầu bằng vốn ngân sách địa phương. Dự kiến công trình cầu Mã Đà sẽ được khởi công xây dựng trong tháng 6-2025 và phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm. Mới đây, ngày 28-4-2025, tại kỳ họp thứ 23 (chuyên đề), HĐND tỉnh Bình Phước đã thông qua chủ trương thống nhất phương án giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà. Kỳ họp thứ 27, HĐND tỉnh Đồng Nai ngày 29-4-2025 cũng đã thông qua Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về chủ trương này và giao UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định; hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục, trình tự theo quy định để sớm triển khai dự án theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Điều này cho thấy sự quyết tâm, quyết liệt của 2 tỉnh trong triển khai tháo gỡ các khó khăn, bất cập, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân 2 tỉnh đi lại sau hợp nhất.

Ngày 5-5-2025, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 3855/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước và UBND tỉnh Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng để nghiên cứu đầu tư tuyến đường nêu trên, hoàn tất các quy trình thủ tục theo quy định (trong trường hợp đầu tư dự án), trong đó lưu ý rà soát, đánh giá kỹ các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học, lâm nghiệp, di sản văn hóa, điều ước quốc tế…

Ông Dương Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện nay, tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương được quy hoạch là tuyến ĐT741B trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước và được quy hoạch là tuyến quốc lộ 13C trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Đây là một trong những dự án quan trọng, liên kết vùng có ý nghĩa chiến lược của tỉnh nhằm kết nối với tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) đến đường Vành đai 4 - TP. Hồ Chí Minh đi Sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng chiều dài khoảng 71km.

Dù giáp ranh 160km, nhưng đến nay giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai vẫn chưa có các tuyến giao thông kết nối

Dù giáp ranh 160km, nhưng đến nay giữa 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai vẫn chưa có các tuyến giao thông kết nối

Cũng theo ông Hiếu, tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đã hoàn thiện, kết nối và đưa vào sử dụng gần nửa năm nay. Bình Phước đang nghiên cứu triển khai các phương án đầu tư theo hình thức BT tuyến Đồng Phú - Bình Dương với chiều dài 41km nối quốc lộ 14 (Km946, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) với đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.

Sau khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn rất đáng kể thời gian đi lại, tiết giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu giao thương và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; tạo động lực và mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Phước; kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ thuộc huyện Đồng Phú với các huyện, thành phố của tỉnh Bình Dương; kết nối liên vùng với tỉnh Bình Dương và các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Cũng như góp phần giải bài toán về kết nối giao thông 2 tỉnh sau khi sáp nhập.

“Kế sách” đánh thức mọi tiềm năng

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, với diện tích khoảng 23.551km2. Tháng 7-2023, tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh), các chuyên gia đều có chung nhận định: Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số nhưng vùng Đông Nam Bộ lại góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm đứng đầu cả nước. Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai là 4 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ thuộc top 10 tỉnh, thành có tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cao nhất cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bên lề hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng điều phối vùng năm 2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (thứ 2 từ phải qua) trao đổi với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bên lề hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng điều phối vùng năm 2023

Nhưng, dù có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế cả nước, vùng Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Nổi cộm nhất là mạng lưới kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng...

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên nhân một phần do lâu nay các địa phương trong vùng vẫn mang tư duy “mạnh ai nấy làm”, thậm chí “tâm lý cát cứ, cục bộ, địa phương” còn hiện hữu. Do đó, để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành cần có sự liên kết, liên thông về quy hoạch, hạ tầng và cả các cơ chế, chính sách đặc thù. Không có đường thì làm đường, không có cầu thì làm cầu, không gì là không thể… nhưng cần trong tổng thể và với tầm nhìn rộng mở.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành cần có sự liên kết, bổ trợ cho nhau cùng phát triển

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, để hiện thực hóa ước mơ phát triển vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh, thành cần có sự liên kết, bổ trợ cho nhau cùng phát triển

Chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những hạn chế, yếu kém được chỉ ra chủ yếu do nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nên vẫn loay hoay, cục bộ, mạnh ai nấy làm. Cần kíp phải tháo gỡ sớm.

Từ những nhận định của người đứng đầu Chính phủ, và thực tế cho thấy không gian phát triển của 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai lâu nay vẫn thiếu liên kết. Điều sâu xa nhất là, công tác quy hoạch, xây dựng các công trình giao thông giữa 2 tỉnh vốn thiếu đồng bộ, lại thiếu tính kết nối, nên hiệu quả sử dụng thấp, trong khi nguồn lực dành cho phát triển còn hạn chế. Đặc biệt, việc lấy ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp vào các chính sách đầu tư phát triển, nhất là những người đã và đang sống tại khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh chưa được quan tâm đúng mức, nên nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được đánh thức.

Ðể hội tụ sức mạnh, việc tinh gọn, cải cách bộ máy hành chính, hợp nhất 2 tỉnh được kỳ vọng góp phần khơi thông điểm nghẽn thể chế, phát huy lợi thế so sánh của Bình Phước, Đồng Nai, tạo không gian phát triển mới, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong khu vực tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, hướng đến 2 con số cùng cả nước.

Thời gian không chờ đợi

Các chuyên gia đánh giá, quy mô dân số, diện tích lớn hơn với hệ thống hạ tầng giao thông liên kết còn hạn chế nên công tác quản lý nhà nước thời gian đầu của bộ máy hành chính sẽ gặp khó khăn. Sau hợp nhất, trên địa bàn tỉnh dân số đông, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên, rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chậm trễ trong thực hiện. Chính vì thế, đòi hỏi yêu cầu về ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý càng cấp bách. Thực tế Bình Phước và Đồng Nai đều đang có một nền tảng chuyển đổi số tốt, là cơ sở vững chắc cho việc hóa giải khó khăn về giao thông bằng công nghệ và chuyển đổi số.

Theo PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, việc hợp nhất 2 tỉnh bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra những thách thức. Đó là sự chênh lệch trình độ phát triển giữa 2 địa phương, đòi hỏi khu vực Bình Phước phải làm thế nào để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, gồm giao thông, y tế, giáo dục, không gian số... Nếu Bình Phước đón dòng đầu tư thì phải có sự chuẩn bị trước. Thứ hai là thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi dòng dịch chuyển vốn đầu tư FDI từ Đồng Nai về Bình Phước phải có nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng…

Ông cũng cho biết, tỉnh Đồng Nai mới cần định hình lại chiến lược phát triển, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể của tỉnh trên cơ sở quy hoạch của 2 tỉnh và cần xác định rõ mục tiêu của tỉnh Đồng Nai mới hướng đến thật rõ ràng và phù hợp. Phải định hình quy hoạch không gian phát triển kinh tế. Khu vực Đồng Nai hiện nay có thể là trung tâm công nghiệp, dịch vụ logistics, Bình Phước là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, phát triển các trục giao thông chính như Biên Hòa - Đồng Xoài - Chơn Thành. Kết nối hạ tầng phát triển logistics liên vùng giữa 2 địa phương, đầu tiên là hạ tầng kết nối 2 tỉnh. Khu vực Bình Phước có thể xây dựng trung tâm logistics ở Chơn Thành, kết nối đi Sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.

Sau hợp nhất, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ dôi dư nhiều; việc phân công, bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách người dôi dư sẽ có những khó khăn không nhỏ. Để sớm ổn định bộ máy, vận hành hiệu quả và phát huy được tiềm năng, lợi thế, cần làm tốt công tác tư tưởng để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất về nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị 2 tỉnh sẽ dư thừa sau hợp nhất. Trong khi một số trụ sở hiện có của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí tập trung tại 1 trụ sở khi tiếp nhận biên chế, nhân sự từ Bình Phước sang. Cuộc sống của rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xáo trộn do thay đổi địa điểm công tác, nơi làm việc, xa gia đình, mang theo gia đình đến nơi làm việc mới… Đặc biệt, việc thay đổi trụ sở trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới kéo theo sự dịch chuyển dân cư khá lớn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, kinh doanh, dịch vụ… Các chuyên gia về quốc phòng, an ninh thì cho rằng, sau sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có quy mô diện tích và dân số lớn hơn, nhiều thành phần dân cư hơn, với cơ cấu địa hình nhiều thay đổi nên công tác nắm bắt địa bàn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ khó khăn hơn.

Giải quyết tốt những vấn đề này từ sớm, từ xa, trên tinh thần linh hoạt, chủ động, sáng tạo, hiệu quả sẽ là nền tảng căn bản để Đồng Nai bứt tốc mạnh mẽ, xứng tầm ngay sau hợp nhất.

Các địa phương mới hợp nhất cần xem xét nơi nào, làm gì tốt nhất, để tạo ra sự công bằng, phúc lợi xã hội tốt nhất. Bởi mục tiêu của việc sắp xếp là để tăng trưởng nhanh hơn, trình độ phát triển tốt hơn. Với tỉnh Đồng Nai, cần nghiên cứu phát huy lợi thế của địa phương rộng lớn để thu hút được nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, người lao động và người giỏi về làm việc.

Tiến sĩ HUỲNH THẾ DU, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, tỉnh mới sau hợp nhất phải nhanh chóng có cách tiếp cận để phát huy các tiềm năng, lợi thế. Khi về chung một nhà, chắc chắn thu hút nguồn lực về Đồng Nai sẽ tốt hơn, nhưng sự lan tỏa phát triển sẽ đến với Bình Phước nhanh hơn. Vấn đề quan tâm hiện nay là, sau hợp nhất, cần làm gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển xứng tầm một trong những tỉnh công nghiệp trọng điểm của vùng và cả nước. Để làm được điều đó, thời gian ráp nối địa giới hành chính, hội nhập với nhau giữa 2 tỉnh càng nhanh càng tốt để chuẩn bị cho một tổ hợp mới về kinh tế phát triển.

Khi hợp thành một tỉnh, những phép toán về cân bằng, hài hòa lợi ích giữa các vùng trong tỉnh phải được đặt ra. Tỉnh Đồng Nai mới sẽ phải có sự phân bổ lợi ích phù hợp, không có sự phân biệt đối xử, chênh lệch bất bình đẳng, không gây ra sự tổn thương xã hội, tổn hại đến lợi ích phát triển bình thường, chưa nói là phải tốt hơn trước khi hợp nhất.

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Hai tỉnh hợp nhất, bên cạnh những thuận lợi, cũng có những khó khăn, thách thức. Hai tỉnh là 2 cá thể độc lập tương đối, có những bài toán phát triển được định hướng không đồng nhịp với nhau, sẽ gây ra những khác biệt, thậm chí thách thức trong phát triển. Điều quan trọng là tìm giải pháp, có những ưu tiên để Bình Phước phát triển nhanh hơn, không bỏ lỡ những nhịp đà, những tư thế Bình Phước đang có.

Thời cơ đang mở ra!

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho rằng, để vận hành hiệu quả, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải quán triệt tư tưởng của Nghị quyết 18-NQ/TW và những chủ trương, quyết sách của Trung ương trong việc sáp nhập, hợp nhất các tỉnh, thành, xã, bỏ cấp huyện… Đây là điều phải thực hiện trước, trong và sau khi sắp xếp. Phải thống nhất tư tưởng hành động, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong bộ máy, tổ chức. Mỗi người sẽ phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, cùng với đó Nhà nước phải có chế độ, chính sách phù hợp để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động an tâm tư tưởng, tận tâm cống hiến, đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm vì mục tiêu chung. Đặc biệt, sau sắp xếp phải kiểm soát quyền lực tốt để tránh tư tưởng cục bộ địa phương, bè cánh, gây mất đoàn kết.

“Sau hợp nhất, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã không còn như trước nữa. Nay cấp xã phòng, ban sẽ nhiều hơn, rộng lớn hơn, tuy nhiên chuyển đổi số sẽ rút ngắn mọi khoảng cách và đó cũng là lý do vì sao Trung ương đã phát động và đang đẩy mạnh thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Chính vì vậy, ngay sau hợp nhất, cùng với xây dựng chính quyền mới thì cuộc cách mạng số cũng phải được thực hiện sớm và quyết liệt hơn”.

PGS. TS NGUYỄN QUỐC DŨNG, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II

Thực tế trong bối cảnh hội nhập và sắp xếp tinh gọn bộ máy hiện nay đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức không chỉ giỏi, tinh thông nghiệp vụ, không chỉ thạo việc, biết việc mà phải biết làm việc trên môi trường số, phù hợp với xu thế. Sau hợp nhất, phát triển không chỉ về quy mô mà phải coi trọng tốc độ trong nhịp đi của thế giới. Đây là bước tiến rất quan trọng trong việc nâng cao gia tốc phát triển của nền kinh tế nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung; cũng là thời cơ để vượt lên, xứng đáng với lòng tin của Đảng và sự kỳ vọng của nhân dân.

Người dân ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chia sẻ với phóng viên về niềm vui, kỳ vọng khi Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai

Người dân ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chia sẻ với phóng viên về niềm vui, kỳ vọng khi Bình Phước hợp nhất với tỉnh Đồng Nai

Nhóm P.V

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172471/hop-nhat-binh-phuoc-va-dong-nai-xu-the-co-hoi-va-dong-luc-phat-trien-moi
Zalo