Hồng y Robert Francis Prevost trở thành Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên
Sau hai ngày tổ chức mật nghị Hồng y tại Vatican, Hồng y Robert Francis Prevost đã được 133 Hồng y tham dự bầu chọn, trở thành người đứng đầu tòa thánh Vatican.
Ngày 8.5 (giờ địa phương), Đức Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Đức Giáo hoàng lấy hiệu là Đức Leo XIV, trở thành Giáo hoàng thứ 267 của cộng đồng Công giáo toàn cầu sau khi Giáo hoàng Francis qua đời vào tháng trước.
Sau hai ngày tổ chức mật nghị Hồng y tại Vatican, Hồng y Prevost đã được 133 Hồng y tham dự bầu chọn, trở thành người đứng đầu tòa thánh Vatican.

Tân Giáo hoàng Leo XIV.
Giáo hoàng Leo XIV là người thứ hai đến từ châu Mỹ và là người đầu tiên đến từ nước Mỹ. Ngài cũng trở thành Giáo hoàng đầu tiên đến từ dòng Augustine.
Giáo hoàng Leo XIV sinh ngày 14.9.1955, tại Chicago, Illinois, trong một gia đình có gốc Pháp và Ý, có 3 anh em trai.
Ngài học trong dòng tu Augustine và trở thành tu sĩ trong dòng này từ năm 1977 và khấn trọn đời năm 1981. Ngài học cử nhân Giáo luật tại Đại học Giáo tông Thomas Aquino, và thụ phong Linh mục năm 1982.
Ngài tốt nghiệp văn bằng Giáo luật cấp II (Licentiate) năm 1984. Khi đang chuẩn bị luận án tiến sĩ thì được phân công đi truyền giáo tại Chulucanas, Piura, Peru (1985–1986).
Năm 1987, ngài bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài: “Vai trò của Bề trên địa phương trong Dòng Thánh Augustine”. Cùng năm, ngài được bổ nhiệm làm Giám đốc Ơn gọi và Giám đốc Truyền giáo của Tỉnh dòng Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành tại Olympia Fields, Illinois (Hoa Kỳ).
Năm sau đó, ngài nhận sứ vụ tại Trujillo, Peru, giữ vai trò giám đốc chương trình đào tạo chung cho các tập sinh Augustine đến từ các hạt đại diện tông tòa Chulucanas, Iquitos và Apurímac.
Trong suốt 11 năm tại Peru, ngài phục vụ tại đây với nhiều vị trí là Bề trên cộng đoàn, Giám đốc đào tạo, Huấn luyện viên các tu sĩ khấn trọn. Song song đó, tại Tổng Giáo phận Trujillo, ngài là Đại diện Tư pháp và Giáo sư Giáo luật, Giáo phụ học và Thần học luân lý tại Đại Chủng viện San Carlos y San Marcelo.
Ngài còn còn đảm trách mục vụ tại giáo xứ nghèo Đức Mẹ Hội Thánh, sau này trở thành Giáo xứ Thánh Rítạ, và là quản nhiệm Giáo xứ Đức Mẹ Monserrat từ 1992 đến 1999.

Giáo hoàng Leo XIV xuất hiện tại ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican ngay sau khi được bầu. Ảnh: Reuters
Năm 1999, ngài được bầu làm Bề trên Tỉnh dòng Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành tại Chicago, và được bầu làm Bề trên Tổng quyền dòng Augustino 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Năm 2014 Đức Thánh Cha Francis bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Chiclayo, Peru, đồng thời nâng ngài lên hàng Giám mục, hiệu tòa Sufar.
Năm 2015, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Chiclayo.
Năm 2018, ngài giữ chức vụ Phó Chủ tịch thứ hai Hội đồng Giám mục Peru, đồng thời là thành viên Hội đồng Kinh tế và Chủ tịch Ủy ban Văn hóa và Giáo dục.
Năm 2019, ngài được bổ nhiệm ngài vào Bộ Giáo sĩ và năm 2020, vào Bộ Giám mục. Ngày 15.4.2020, ngài được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Callao, Peru.
Năm 2023, ngài được triệu hồi về Rome làm Tổng trưởng Bộ Giám mục và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, và được nâng lên hàng Tổng Giám mục.
Tháng 10.2023, ngài được bổ nhiệm làm thành viên các Bộ: Bộ Loan báo Tin Mừng (Phân bộ Loan báo lần đầu và Các Giáo hội địa phương mới), Bộ Giáo lý Đức tin, Bộ Các Giáo hội Đông phương, Bộ Giáo sĩ, Bộ Tu sĩ và Tu hội đời sống Tông đồ, Bộ Văn hóa và Giáo dục, Bộ Văn bản Luật, Ủy ban Giáo hoàng về Quốc gia Thành Vatican
Tháng 2.2025, ngài được Đức Giáo tông Francis thăng từ Hồng Y đẳng Phó tế lên Hồng Y đẳng Giám mục, hiệu tòa Albano (một trong 7 Giáo phận ngoại thành Roma).
Trong vai trò Tổng trưởng, ngài đồng hành cùng Đức Thánh Cha trong các Chuyến Tông du, và tham dự cả hai phiên họp của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 về tính hiệp hành, tổ chức tại Rome từ 2023 - 2024.
Ngài mới được thăng thành Hồng y năm 2024 và chính thức được bầu làm Giáo hoàng sau khi Giáo hoàng Francis qua đời vào tháng 4.2015.
Giáo hoàng Leo XIV được biết đến với sự khiêm nhường, khả năng lãnh đạo hiệu quả và cam kết đối thoại trong Giáo hội. Ngài được kỳ vọng sẽ tiếp tục di sản của Đức Giáo hoàng Francis, đồng thời thúc đẩy sự hiệp nhất và đổi mới trong Giáo hội toàn cầu trong thời gian tiếp theo.
Lan Chi (tổng hợp tin từ và hình ảnh Vatican News)