Tổng thống Trump được 'mách nước hiểm' để giành chắc phần thắng trong đàm phán hạt nhân với Iran

Mỹ đang ở 'lợi thế vàng' trong đàm phán hạt nhân với Iran và Washington cần phải nắm chắc trong tay cơ hội này.

Hiểu rõ Iran, Tổng thống Trump sẽ không đi vào "vết xe đổ" trong đàm phán hạt nhân với Tehran. (Nguồn: Reuters)

Hiểu rõ Iran, Tổng thống Trump sẽ không đi vào "vết xe đổ" trong đàm phán hạt nhân với Tehran. (Nguồn: Reuters)

Trong một bài phân tích sâu gần đây trên tờ Washington Post, chuyên gia chính sách đối ngoại Marc Thiessen, nghiên cứu viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (American Enterprise Institute), và từng là trưởng nhóm soạn thảo diễn văn cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, đã nhận định xu hướng chiến lược trong đàm phán Mỹ-Iran thời gian tới. TG&VN lược dịch bài phân tích.

Biện pháp mạnh tay, "người thật, việc thật"

Nếu Iran không chấp nhận thỏa thuận hạt nhân trong đàm phán với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã đến lúc Washington thực hiện phương án B. Nếu Tehran do dự trong việc hoàn toàn dỡ bỏ chương trình hạt nhân, ông Trump vẫn còn một phương án dự phòng đầy sức mạnh.

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ điều gì trong đàm phán với Iran ngoài việc “dỡ bỏ hoàn toàn” chương trình hạt nhân của nước này. Ông Trump hoàn toàn đúng khi giữ lập trường đó.

Vậy, “dỡ bỏ hoàn toàn” là như thế nào? May mắn thay, chúng ta có một ví dụ.

Năm 2003, nhà lãnh đạo Libya Moammar Gaddafi đã mời các quan chức nước ngoài đến để tháo dỡ các chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học và tên lửa đạn đạo của nước này.

Sau đó, máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống Libya, và toàn bộ chương trình hạt nhân của Libya - bao gồm uranium hexafluoride, máy ly tâm và các thiết kế chế tạo bom - đã được đóng thùng và chất lên máy bay, rồi chở đến một cơ sở lưu trữ an toàn ở Oak Ridge, bang Tennessee. Uranium đã làm giàu của Libya cũng bị đưa đi, vũ khí hóa học bị tiêu hủy, và tên lửa đạn đạo bị tháo dỡ.

Khi đến thăm Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge vào tháng 7/2004, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tham quan cơ sở này và tuyên bố: “Tám tháng trước, các bộ phận máy ly tâm và thiết bị xử lý uranium còn ở cách đây 5.000 dặm, tại Libya. Chúng từng là một phần của chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Hôm nay, Libya, nước Mỹ và cả thế giới đều an toàn hơn vì những linh kiện đó được lưu giữ an toàn tại đây".

Dường như ông Trump cũng muốn làm điều tương tự với Iran. Gần đây, ông chủ Nhà Trắng đã chia sẻ với Fox News rằng muốn một thỏa thuận trong đó Mỹ vào Iran để “giám sát, kiểm tra, thanh tra rồi phá hủy cơ sở hạt nhân, hoặc chí ít là đảm bảo rằng Iran không còn khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân nữa".

Cơ hội vàng cho Washington

Liệu Iran có chấp nhận một thỏa thuận với ông Trump theo cách của Libya hay không? Điều này hoàn toàn khả thi vào thời điểm này.

Iran hiện đang yếu hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc cách mạng năm 1979. Trong vòng một năm rưỡi qua, mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm của Iran đã hứng chịu nhiều tổn thất: Ông Trump đã dội đòn mạnh vào lực lượng Houthi ở Yemen, trong khi Israel tiêu diệt ban lãnh đạo của cả Hamas và Hezbollah.

Việc ông Trump khôi phục chính sách “gây sức ép tối đa”, giá trị đồng tiền Iran đã rơi xuống mức thấp kỷ lục - khiến Tehran gần như không còn nguồn lực để tái thiết mạng lưới khủng bố này.

Thêm vào đó, với sự sụp đổ của chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Iran cũng đã mất đi đồng minh Arab quan trọng nhất, điều này đồng nghĩa với việc tuyến đường vận chuyển vũ khí từ Iran, qua Syria, đến Lebanon, Gaza và Bờ Tây đã bị cắt đứt. Nga cũng buộc phải bắt đầu rút quân quy mô lớn khỏi Syria.

Nói cách khác, Iran đang ở thế yếu về mặt chiến lược và khó có khả năng tự bảo vệ hiệu quả trước một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ hoặc Israel, cũng như không thể đáp trả dứt khoát, dù trực tiếp hay qua các lực lượng ủy nhiệm.

Điều này có nghĩa là ông Trump hiện đang có “cơ hội vàng” để chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran, một cơ hội mà nước Mỹ chưa từng có trước đây. Cánh cửa cơ hội ấy rồi sẽ đóng lại.

Theo thời gian, Iran sẽ tái xây dựng hệ thống phòng không, các bệ phóng tên lửa và mạng lưới ủy nhiệm. Iran hiểu rõ sự yếu thế của mình, nếu không họ sẽ không bao giờ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

"Nguyên tắc thép" của ông Trump

Có thể Tehran đang hy vọng rằng ông Trump sẽ ngần ngại dùng vũ lực và có thể chấp nhận một phiên bản nào đó của thỏa thuận hạt nhân, cho phép họ giữ lại các máy ly tâm dưới danh nghĩa chương trình hạt nhân dân sự.

Tuy vậy, ông Trump không dễ "dính bẫy" như vậy. “Mấy cái đó để làm gì? Các ông đã có quá nhiều dầu mỏ rồi còn gì?” ông Trump đặt câu hỏi với Iran trong một chương trình gặp gỡ báo chí gần đây.

Ông Trump có lý khi nghiêng về lựa chọn đó. Iran nên hiểu rằng: Hoặc để Mỹ loại bỏ chương trình hạt nhân một cách hòa bình, hoặc chứng kiến chúng bị tiêu diệt bằng vũ lực quân sự.

Tổng thống Trump không ngại sử dụng vũ lực với Iran. Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn gần đây liệu ông có thể bị kéo vào một cuộc tấn công Iran hay không, ông Trump trả lời: “Tôi có thể sẵn sàng nếu chúng tôi không đạt được thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận, tôi sẽ là người đi đầu".

Giống như các tổng thống Mỹ trước, ông Trump cam kết rằng Iran sẽ không bao giờ được phép sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhưng khác với các tổng thống trước, ông hiện đang ở vị thế có thể thực hiện cam kết đó và thật sự ngăn chặn Iran.

Ông Trump sẽ không chấp nhận một thỏa thuận với Iran yếu hơn thỏa thuận mà Tổng thống Bush từng đạt được với Libya.

Nếu ông Trump có thể thuyết phục được các quan chức Iran cho phép máy bay quân sự Mỹ hạ cánh tại nước họ, chất toàn bộ uranium, máy ly tâm, thiết kế bom và tên lửa đạn đạo lên máy bay, chở đến Oak Ridge, đồng thời đồng ý chấm dứt việc hỗ trợ khủng bố thì đó là một thỏa thuận ông chủ Nhà Trắng nên đặt bút ký. Nếu không, ông Trump hoàn toàn có thể nghĩ tới phương án B, phương án của quân sự.

(theo Washington Post)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-duoc-mach-nuoc-hiem-de-gianh-chac-phan-thang-trong-dam-phan-hat-nhan-voi-iran-313794.html
Zalo