Hòn Vọng Phu được gia cố khẩn cấp: Chuyện một huyền tích xứ Thanh
Phía sau dáng dấp đặc biệt của Hòn Vọng Phu là truyền thuyết về người phụ nữ thủy chung chờ chồng đến hóa đá, được cư dân địa phương lưu truyền qua suốt nhiều thế hệ.
Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, UBND tỉnh này vừa ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với việc bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu.
Nằm trong cụm Di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (còn gọi là núi Nhồi, thuộc địa phận phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Hòn Vọng Phu là một cột đá cao khoảng 20 mét, được xem là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của vùng đất Thanh Hóa.
Truyền thuyết về cột đá mang hình hài người mẹ bế con chờ chồng
Theo quan niệm của người dân xứ Thanh, nhìn từ xa Hòn Vọng Phu tựa như hình dáng một người phụ nữ bồng con, mặt ngoảnh ra biển. Phía sau dáng dấp đặc biệt của khối đá này là truyền thuyết về người phụ nữ thủy chung chờ chồng đến hóa đá, được cư dân địa phương lưu truyền qua suốt nhiều thế hệ.
Theo bài viết “Về xứ Thanh nghe chuyện tình trên đá” đăng tải trên Cổng thông tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, truyền thuyết về Hòn Vọng Phu có nhiều dị bản khác nhau.
Bản đầu tiên kể rằng, xưa kia có đôi vợ chồng nghèo nọ rất mực thương yêu nhau. Nghe nói trên đỉnh núi cao có giống cỏ quý có thể đổi được bạc vàng, ngày nọ người chồng đã từ dã để đi tìm thảo dược vì mong muốn vợ con có cuộc sống tốt hơn. Nhiều ngày trôi qua vẫn không thấy chồng trở về, người vợ trẻ đã quyết tâm ôm con đi tìm. Nàng trèo đèo, lội suối, chẳng quản khó khăn, vất vả nhưng chẳng mảy may một chút tung tích của chồng. Đến một ngày, mẹ con người phụ nữ tìm đến đỉnh núi cao với hi vọng từ đây có thể nhìn thấy người chồng thân yêu. Họ hướng tầm mắt về phía biển Đông với tất cả những ngóng trông, đợi chờ để rồi hóa đá.
Theo một lời kể khác thì nhà nọ có hai con, một trai một gái. Một ngày kia, cha mẹ đi vắng, hai chị em ở nhà chơi cùng nhau. Người em vô tình vung dao lên đầu khiến chị gái chảy máu. Vì lo sợ cha mẹ trách phạt nên cậu bé đã bỏ nhà ra đi. Chị gái vì thương em nên sau đó cũng gắng sức đi tìm. Họ lạc mất nhau trong những nỗ lực tìm kiếm. Khi trưởng thành, người em trai lập gia đình. Ngày nọ, trong lúc chải tóc cho vợ anh chợt nhìn thấy một vết sẹo lớn trên đầu. Hỏi vợ về sự tình thì anh bàng hoàng khi phát hiện ra vợ chính là chị gái mình đã thất lạc năm xưa. Quá đau lòng và bế tắc, người chồng đã âm thầm bỏ đi mà không nói một lời nào. Không rõ nguyên do chồng bỗng dưng rời bỏ gia đình, người vợ trẻ đã bế con đi tìm chồng. Nàng đi mãi, đến một đỉnh núi cao thì cả hai mẹ con cùng kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng mà vẫn một mực hướng tầm mắt về phía biển Đông để ngóng trông, chờ đợi. Cảm thương trước tình cảm thủy chung của mẹ con người vợ trẻ, thượng đế đã cho phép họ biến hình vào đá núi để hậu thế muôn đời nhớ đến mối tình tuyệt vọng...
Từ những truyền thuyết trên, núi Nhồi còn được dân gian gọi là núi Vọng phu (nghĩa là “ngóng chờ chồng”) và khối đá mang hình hài người mẹ bế con chờ chồng trở về vẫn được gọi là Vọng phu thạch - đá chờ chồng.
Theo dòng thời gian, Hòn Vọng Phu trở thành một địa điểm linh thiêng trong tâm thức người dân xứ Thanh. Nhiều ngôi chùa đã được dựng quanh ngọn núi mà cột đá tọa lạc, để ngày ngày tiếng kinh kệ nhà Phật âm vang cho mẹ con người thiếu phụ dịu đi nỗi sầu thiên cổ.
Vào năm 1992, cụm di tích thắng cảnh Hòn Vọng Phu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp Quốc gia, gồm các hạng mục: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa và Hòn Vọng Phu.
Bảo vệ một biểu tượng bất hủ
Trong suốt nhiều thế kỷ, Hòn Vọng Phu đã đứng vững trước mọi tác động của thiên nhiên và biến cố lịch sử ở vùng đất Thanh Hóa. Nhưng cũng như mọi tạo vật khác, cột đá này không thể tránh được lẽ vô thường của tạo hóa.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, vào đêm 15/6/2022, di tích Hòn Vọng Phu đã bị sét đánh trúng, gây sạt lở khối đá kích thước 1x3 mét ở phía Tây và khối đá kích thước 2,5x3 mét ở phía đông. Sau sự cố này, Hòn Vọng Phu đã bị tróc vỡ, xuất hiện nhiều vết nứt, có độ nghiêng theo phương thẳng đứng từ 10-15 độ và có nguy cơ tiếp tục bị sét đánh gây sụp đổ nếu không sớm có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.
Vào cuối tháng 5/2024, UBND thành phố Thanh Hóa đã lắp đặt hệ thống chống sét cho Hòn Vọng Phu với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.
Đến ngày 19/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3785/QĐ-UBND về việc ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp bảo tồn, gia cố di tích Hòn Vọng Phu thuộc Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi), phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa.
Cơ quan được giao thực hiện công trình khẩn cấp (chủ đầu tư) là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu đầu tư nhằm đưa ra giải pháp bảo tồn, gia cố, gia cường bảo đảm sự bền vững và ổn định của di tích Hòn Vọng Phu, tạo độ cứng ổn định, chống đỡ được các chuyển dịch dưới bất cứ tác động nào của thời tiết và môi trường xung quanh.
Quy mô và phương án bảo tồn, gia cố được thực hiện bằng phương pháp khoan rút lõi, cấy thép gia cố và chèn vữa. Theo đó, di tích Hòn Vọng Phu được gia cố, gia cường bằng các sợi thép được chèn vữa, gia cố dọc theo phương đứng của di tích. Khi bơm vữa, vữa sẽ chèn vào các vết nứt trên thành lỗ khoan, bao bọc các sợi thép tạo thành những sợi thớ vững chắc chịu kéo và chịu nén nhằm ngăn chặn các vết nứt phát triển, bó các phần tử rời rạc của di tích Hòn Vọng Phu do nứt nẻ, vỡ vụn thành một khối vững chắc không bị tách rời. Thiết kế hệ thống các đường ống khoan rút lõi từ trên đỉnh di tích Hòn Vọng Phu, bố trí các cốt thép trong đường ống và lấp đầy bằng vữa không co ngót.
Thời gian thực hiện hoàn thành trước ngày 30/4/2025. Tổng mức đầu tư không quá 17 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Với dự án này, nguy cơ Hòn Vọng Phu bị sụp đổ sẽ được giảm thiểu, và cột đá huyền thoại sẽ tiếp tục đứng sừng sững giữa đất trời như một biểu tượng bất hủ về mảnh đất và con người của xứ Thanh.