Hơn trăm người khắc phục kè biển bị sạt lở do mưa lũ ở Thừa Thiên - Huế
Lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế phối hợp với các ngành, đoàn thể, người dân, khẩn trương khắc phục kè biển bị sạt lở do mưa lũ.
Chiều 15/10, đại diện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng thuộc đơn vị phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa phương xã Phú Diên (huyện Phú Vang) khẩn trương khắc phục hậu quả kè biển sạt lở do mưa lớn tại khu vực đường số 1, bãi tắm Phú Diên.
Lực lượng tham gia khoảng 150 người, trong đó có 20 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn Biên phòng Vinh Xuân.
Cùng ngày, Đoàn công tác của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến làm trưởng đoàn vào kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ tại Thừa Thiên - Huế. Đoàn công tác cũng đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả việc kè biển ở xã Phú Diên bị sạt lở.
Theo báo cáo của UBND xã Phú Diên, do ảnh hưởng của mưa lớn, toàn xã có 7 điểm sạt lở chủ yếu là tại các tuyến đường dân sinh xuống biển. Trong đó, thôn Phương Diên có 4 điểm, thôn Mỹ Khánh 3 điểm. Thôn Diên Lộc cũng có 5 điểm sạt lở nhỏ.
Đối với những điểm sạt lở gần nhà dân, lực lượng chức năng ưu tiên huy động nhân lực, phương tiện khắc phục nhanh, đảm bảo ổn định nơi ở cho người dân.
Để xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở tại 7 điểm ven biển thuộc xã Phú Diên, ông Trần Gia Công - Bí thư Huyện ủy Phú Vang, đã chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp cùng người dân tổ chức gia cố, khóa các vị trí sạt lở xung yếu, tránh để lan rộng. Đồng thời hỗ trợ đưa ghe thuyền bãi ngang và ngư cụ của ngư dân đến nơi an toàn, tránh hư hỏng, mất mát.
Chính quyền xã cũng cắm biển cảnh báo, khoanh vùng sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại khu vực sạt lở. Bố trí lực lượng chốt trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để báo cáo nhằm có phương án xử lý công trình để bảo vệ đất đai, tài sản của người dân và di dời các hộ ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Từ ngày 10 - 14/10 tại Thừa Thiên - Huế xuất hiện đợt mưa lớn gây ngập úng tại một số vùng trũng của TP Huế và các huyện, thị xã như Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền. Ghi nhận của PV VTC News, từ chiều tối 14/10 đến nay mưa giảm và nước tại các vùng bị ngập cũng đã rút.
Trước đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng nâng cấp độ cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở khu vực Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng lên cấp 4. Đây là cấp độ rủi ro thiên tai cao nhất đối với thiên tai mưa lớn.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét ở Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh cấp 1.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 10-13 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp lúc 13h ngày 14/10 có vị trí ở khoảng 11,6 - 12,5 độ Vĩ Bắc; 113,6 - 114,6 độ Kinh Đông. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc và khả năng mạnh thêm.
Tương tác của không khí lạnh có dải hội tụ nhiệt đới trên đó có vùng áp thấp cộng thêm đới gió Đông sẽ tiếp tục gây mưa lớn ở miền Trung. Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, mưa lớn ở khu vực này trong thời gian tới có sự thay đổi về vùng tâm mưa.