'Hồn phố, Đời người' - đi tìm ký ức đô thị

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm phát hành Người đô thị bộ mới (2014 - 2024), tạp chí Người đô thị thực hiện tuyển chọn các bài viết đặc sắc về di sản và ký ức đô thị đã đăng trên tạp chí, làm thành sách mang tên 'Hồn phố, đời người'.

Nếu hỏi cái gì ở Việt Nam lọt vào tốp phát triển nhanh nhất của chính đất nước này, câu trả lời hoàn toàn có thể là các đô thị.

Đô thị phát triển nhanh như vậy đáng mừng hay đáng lo? Câu trả lời có thể là một câu hỏi: Mừng hay lo tùy thuộc vào việc bạn mong muốn có một đô thị như thế nào? Lớn, hiện đại nhưng thiếu thân thiện với môi trường và thiếu hồn vía, hay là có sự hài hòa giữa nhu cầu sống hiện đại nhưng vẫn gần gũi thiên nhiên và đặc biệt là có kết nối giữa hiện tại và ký ức?

Những câu hỏi cùng những câu trả lời về số phận và gương mặt đô thị hôm nay và ngày mai sao cho hợp lý được tập hợp trong cuốn sách Hồn phố, Đời người, phát hành trên toàn quốc từ ngày 20.1.

 Cuốn sách được phát hành trên toàn quốc từ ngày 20.1

Cuốn sách được phát hành trên toàn quốc từ ngày 20.1

Đây là tuyển chọn các bài viết đặc sắc của nhiều tác giả khoa học và báo chí, văn chương được yêu thích từng xuất hiện trên tạp chí Người đô thị bộ mới (2014 - 2024), do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.

Tác giả của cuốn sách là các nhà nghiên cứu, chuyên gia thực hành trong lĩnh vực kiến trúc, khảo cổ, di sản, quy hoạch... Họ bằng uy tín nghề nghiệp, bằng tri thức và kinh nghiệm, sự dũng cảm, thông qua bài viết của mình để nói lên thông điệp rằng hãy cùng nhau phát triển những đô thị đáng sống.

Những luận giải về thành phố đáng sống được đề cập một cách đa diện. Trong đó, nổi bật quan điểm thành phố đáng sống là nơi mà ở đó người ta có thể kiếm sống hôm nay mà không bị tước đoạt ký ức đã qua và có thể nghĩ đến ngày mai sánh với các đô thị trên bản đồ thế giới...

Bên cạnh đó, độc giả còn thấy được tiếng nói của các chuyên gia có tâm và có tầm về đô thị với những người đang hoặc sắp là thị dân, rằng lối sống hối hả, cuống quít hôm nay đã khiến chúng ta bỏ qua, thậm chí vô tình hủy hoại nhiều giá trị quý giá mà chúng ta sẽ tiếc nuối vì không thể tìm lại. Sự tiếc nuối đó buộc chúng ta phải hành động bằng ý thức trưởng thành của cá nhân và bằng các chính sách lớn.

Nhiều nhà văn, nhà báo thông qua những chuyến đi nói với những người đang sống trong các đô thị rằng làm thế nào để một đô thị có thể trở thành đô thị di sản; rằng chúng ta đang có một di sản công nghiệp ở Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, có những di sản đô thị đặc thù như Đà Lạt, Sa Pa, Huế…

Cuốn sách với nhiều câu chuyện, nhiều đề xuất và gợi mở... nhằm mang lại những giá trị hữu ích đối với độc giả quan tâm đến xây dựng đô thị Việt Nam phát triển bền vững.

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hon-pho-doi-nguoi-di-tim-ky-uc-do-thi-post402695.html
Zalo