Cúng ông Công ông Táo cần kiêng kỵ những gì?
Biết được khi cúng ông Công ông Táo cần kiêng kỵ những gì, các gia đình sẽ chuẩn bị và thực hiện nghi lễ quan trọng này một cách trọn vẹn và chuẩn nhất.
Lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra vào dịp 23 tháng Chạp hằng năm nhằm tiễn Táo quân về trời báo cáo mọi việc trong năm với Ngọc Hoàng, từ đó thiên đình sẽ phân định chuyện thưởng phạt, liên quan đến họa phúc trong năm mới.
Cúng ông Công ông Táo cần kiêng kỵ gì?
Để lễ cúng ông Công ông Táo diễn ra suôn sẻ, đảm bảo trọn vẹn ý nghĩa và nét đẹp của văn hóa truyền thống, mỗi gia đình cần lưu ý những điều kiêng kỵ sau đây:
Tránh cúng quá sớm hay quá muộn
Ngày Táo quân lên trời là 23 tháng Chạp, phần lớn các gia đình cúng tiễn các ngài vào ngày này. Một số gia đình có thể cúng sớm hơn để tránh cập rập, hoặc vì ngày 23 quá bận không có điều kiện cúng. Tuy nhiên, việc cúng tiễn Táo quân quá sớm được cho là không nên, vì các ngài lên Thiên đình sớm cũng chưa được vào chầu, trong khi công việc dưới trần gian lại bị gác lại, bếp núc tắt lửa lâu ngày. Do đó, không nên cúng ông Công ông Táo trước ngày 20 tháng Chạp.
Các gia đình cũng không nên cúng sau giờ Ngọ (11h-13h) ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo phải về chầu trời trước thời điểm này, do đó việc cúng bái cần được thực hiện kịp thời; nếu không các ngài sẽ trễ buổi chầu.
Một số món không nên dâng cúng
Trong dân gian có quan niệm kiêng cúng ông Táo các món cá chép rán, thịt vịt, ngan, dê, trâu, chó, mực. Tuy nhiên quan niệm về việc những món nào không nên thắp hương trên mâm cúng ông Công ông Táo khác nhau theo địa phương và gia đình, cũng như thay đổi theo thời gian. Ngày nay, số lượng những món kiêng cữ ngày càng ít.
Việc chuẩn bị mâm cúng Ông Công Ông Táo cần được thực hiện với lòng thành kính và cẩn trọng. Các món ăn được xem là phù hợp với truyền thống là mâm ngũ quả, xôi gấc, chè đậu xanh, gà luộc, giò chả, nem rán... Đồ cúng cần đảm bảo sự thanh tịnh, đồ đựng không được sứt mẻ.
Kiêng đặt mâm lễ tùy tiện
Việc đặt mâm lễ một cách tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của nghi lễ này. Nếu gia đình có ban thờ Táo quân ở bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, nếu không có ban thờ Táo quân trong bếp thì có thể đặt mâm lễ ở ban thờ chính.
Không cúng tiền âm phủ
Theo thói quen mua vàng mã cho mọi lễ cúng, nhiều người cúng cả tiền âm phủ cho Táo quân. Hành động này được cho là hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa và bản chất của lễ cúng vì ông Công ông Táo vì các ngài là thần tiên, không phải là vong hồn người âm.
Ném cá chép từ trên cao xuống
Khi phóng sinh, có một số người ném cá chép từ trên cao xuống sông, hồ, khiến cá có thể bị thương, choáng hoặc chết do lực va đập với mặt nước. Nếu ném cá chép từ trên cao xuống một cách thô bạo như vậy, nghi thức phóng sinh này sẽ không còn ý nghĩa, thậm chí còn là tội lỗi.
Để phóng sinh cá chép một cách đúng đắn và có ý nghĩa, cần nhẹ nhàng đặt cá xuống nước thay vì ném từ trên cao. Khi phóng sinh, nên thực hiện ở những nơi có dòng nước sạch, an toàn cho cá và không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái hiện tại.
(*) Thông tin chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo