Hương vị tết xưa trong lòng người trẻ

Cứ đến các sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là dịp Tết Nguyên đán của dân tộc, một số phần tử cơ hội lại đánh lái dư luận rằng những người trẻ chủ nhân tương lai của đất nước phải là chủ lực kinh tế, tìm kiếm những màu sắc hiện đại, tết phương Tây mang đến văn minh và đủ đầy, nên không nhất thiết phải trải qua tết cổ truyền, tết nguyên đán để gây tốn kém, lãng phí tiền bạc và thời gian. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong mắt giới trẻ tết cổ truyền vẫn là phong tục thiêng liêng dù thế giới hiện đại đến đâu.

HÀNH ĐỘNG CỦA NGƯỜI TRẺ

Thuộc lứa 9X, 4 năm nay, cứ trước tết Nguyên đán 1 tháng, chủ quán cà phê Hoài Phố (TP. Đồng Xoài) Đoàn Thị Hồng Linh đều chọn trang trí quán theo phong cách tết xưa tạo nhiều điểm nhấn thu hút khách tham quan. Chị Linh tô điểm cho quán nhiều chiếc lồng đèn phố cổ Hội An xinh xắn. Không gian tết xưa cũng được tái hiện với bánh chưng xanh, mâm ngũ quả hay câu đối rất đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán về. Chị Hồng Linh chia sẻ: Mặc dù mình còn nhỏ tuổi nhưng từng trải qua tuổi thơ với nhiều nét đẹp của tết cổ truyền, do đó thấy tết xưa rất đẹp, với những truyền thống mang đậm dấu ấn ông cha mình. Vì thế, tôi luôn muốn chia sẻ, lan tỏa đến bạn trẻ hiện nay để biết, lưu giữ, lưu truyền và quảng bá. Dù hiện nay văn hóa phương Tây du nhập vào nhiều lễ hội, kể cả tết dương lịch đang thịnh hành nhưng giữ tết cổ truyền vẫn là điều gì đó thiêng liêng và cần thiết. Tôi thấy, tết cổ truyền không phải rườm rà, tốn kém mà đơn giản, mộc mạc nếu chúng ta biết tận dụng mọi thứ sẵn có và sắp xếp, gói ghém lại.

Các bạn trẻ thích thú lưu lại khoảnh khắc tết xưa trong trang phục áo dài truyền thống

Các bạn trẻ thích thú lưu lại khoảnh khắc tết xưa trong trang phục áo dài truyền thống

Một góc bài trí phong cách truyền thống của dân tộc Việt Nam khi tết đến của cô chủ trẻ Đoàn Thị Hồng Linh

Một góc bài trí phong cách truyền thống của dân tộc Việt Nam khi tết đến của cô chủ trẻ Đoàn Thị Hồng Linh

Không gian tết xưa quen mà lạ, lạ mà thân thương đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Để phù hợp với không gian, các bạn trẻ chọn trang phục áo dài tết đến tham quan, trải nghiệm và lưu giữ những khoảnh khắc rất xưa của dân tộc qua khung ảnh hiện đại. Chị Bùi Thị Bích Ngọc, ngoài 30 tuổi ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) dẫn theo con trai nhỏ và một tốp bạn trong trang phục áo dài truyền thống lựa chọn những không gian tết cổ truyền để làm bộ sưu tập. Chị Ngọc chia sẻ: Trong cuộc sống hiện đại, mọi người chạy theo vòng quay của thời gian, công việc và bộn bề lo âu khác, khi đến những không gian phong cách cổ xưa sẽ giúp bản thân yên tĩnh, nhìn nhận lại chính mình và thêm yêu tết cổ truyền xưa. Đối với tôi, tết truyền thống là dịp con cháu, những người đi làm xa có cơ hội đoàn viên với gia đình, có thời gian quây quần xây gia đình ấm êm.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Nhi, phường Tân Bình, thành phố Đồng Xoài, cho biết: Vẻ đẹp truyền thống của tết Nguyên đán thu hút tôi và nhiều bạn trẻ. Với lợi thế thông thạo công nghệ hiện đại nên chúng tôi sẽ lan tỏa, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đi xa.

GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG CHO THẾ HỆ TRẺ

Phản biện sâu sắc quan điểm, luận điệu xuyên tạc về giá trị, không gian văn hóa tết cổ truyền Việt Nam bằng hành động thực tiễn. Đó là cách mà nhiều trường học hiện nay từ cấp mầm non đến THPT đang thực hiện. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, tết cổ truyền ngày càng được lan tỏa sâu rộng, giáo dục học sinh hiểu về cội nguồn, trân trọng giá trị truyền thống, văn hóa dân tộc trong xu thế mới.

Học sinh Trường THCS Tân Xuân trải nghiệm trang trí mâm ngũ quả

Học sinh Trường THCS Tân Xuân trải nghiệm trang trí mâm ngũ quả

Học sinh tự tay lựa chọn và trang trí mâm ngũ quả ngày tết

Học sinh tự tay lựa chọn và trang trí mâm ngũ quả ngày tết

Mâm ngũ quả ngày tết đoạt giải nhất đến từ khối 6

Mâm ngũ quả ngày tết đoạt giải nhất đến từ khối 6

Nhiều năm qua, Trường THCS Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài đã duy trì và thực hiện hiệu quả các hoạt động trải nghiệm thiết thực cho học sinh. Trong dịp tết Nguyên đán về, nhà trường đã tổ chức chuỗi sự kiện mừng Đảng, mừng xuân sôi nổi, hấp dẫn và thiết thực nhằm giáo dục học sinh hướng về cội nguồn của dân tộc. Cô Trịnh Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân cho biết: Nhiều năm qua, nhất là 2 năm gần đây, Trường THCS Tân Xuân thực hiện rất tốt công tác giáo dục truyền thống đối với học sinh, nhất là tết cổ truyền. Mỗi năm một chủ đề, năm 2024, chúng tôi cho học sinh trải nghiệm gói bánh chưng và vui chơi văn hóa thể thao dân gian thì năm nay trường cho các em trải nghiệm làm các món ăn truyền thống của dân tộc trong ngày tết, như dưa hành, củ kiệu, mứt dừa, nấu các món ăn 3 miền trong ngày tết; các em còn được trải nghiệm trang trí mâm ngũ quả dâng lên ông bà tổ tiên trong những ngày tết… Từ các hoạt động sẽ truyền tải và giáo dục các em yêu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Cùng các bạn trải nghiệm làm mứt dừa, dưa hành, củ kiệu và trang trí mâm ngũ quả, em Vũ Cao Ngọc Anh, học sinh lớp 6.1, Trường THCS Tân Xuân chia sẻ: Trong hai ngày trải nghiệm hoạt động tết cổ truyền, dù còn những vụng về nhưng chúng em được tự tay làm những món ăn truyền thống, bài trí những mâm ngũ quả xinh xắn, trọn đầy ý nghĩa ngày tết cổ truyền mang sức mạnh đoàn viên, no đủ. Giúp em hiểu tết cổ truyền quan trọng đối với người dân Việt Nam.

Ngắm nhìn thành quả mâm quả của cả nhóm vừa hoàn thành, em Nguyễn Ngọc Minh Thư, học sinh lớp 8.8, Trường THCS Tân Xuân chia sẻ: Mâm ngũ quả là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc ta ngày xưa, hôm nay làm mâm ngũ quả này giúp con càng yêu quý những nét đẹp ngày tết cổ truyền của dân tộc mình. Và con luôn muốn các bạn quảng bá và duy trì truyền thống tốt đẹp này.

Em Lê Gia Nhi, học sinh lớp 9.1, Liên đội trưởng Trường THCS Tân Xuân cũng chia sẻ: Cứ dịp tết Nguyên đán, chúng con được sum họp với gia đình và trân trọng ông bà tổ tiên. Những hoạt động trải nghiệm của nhà trường về tết cổ truyền rất thiết thực và con mong rằng không chỉ chúng con mà học sinh mai sau có nhiều dịp trải nghiệm để hiểu và gìn giữ tốt hơn truyền thống tốt đẹp này của dân tộc.

Trải nghiệm tết cổ truyền dân tộc trong trường học là một trong những hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm ôn lại truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước và duy trì, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Những luận chứng trên càng khẳng định thế giới dù xoay chuyển theo công nghệ số, công nghiệp hóa nhưng cốt cách, nét đẹp của văn hóa tết cổ truyền dân tộc Việt Nam vẫn được gìn giữ. Và tết vẫn luôn là thời khắc tuyệt vời để mỗi người tự nhìn nhận và ước nguyện một năm mới sung túc, an khang, thịnh vượng. Đây cũng là minh chứng phản bác luận điệu cho rằng “trong giai đoạn hiện đại bây giờ Việt Nam không cần phải duy trì tết Nguyên đán cổ truyền”.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168513/huong-vi-tet-xua-trong-long-nguoi-tre
Zalo