Hơn 90% nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp vẫn chưa chứng minh được tính bền vững

Nhiều doanh nghiệp Việt đặt mục tiêu phát triển bền vững, song, việc thực hành đang có nhiều thách thức bởi nguồn vốn đầu tư, tiêu chuẩn của thị trường và khả năng thực hiện.

Chuyển đổi xanh còn hạn chế

Ngày 19/9, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã tổ chức sự kiện Phát triển bền vững 2024 với chủ đề “Tăng tốc cho nền kinh tế Net Zero” thuộc chuỗi Diễn đàn Kinh tế Xanh tại TP.HCM.

Được triển khai tại Việt Nam từ nhiều năm nay, hoạt động tăng trưởng xanh đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đem đến nhiều thách thức trong thực tiễn. Đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu đi EU với hàng loạt chính sách xanh tạo rào cản hạn chế xuất sang thị trường này.

Cụ thể, đó là Chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan); Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 (EU Biodiversity Strategy for 2030), và đáng chú ý gần đây là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách Hà Nội chia sẻ tại sự kiện.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách Hà Nội chia sẻ tại sự kiện.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách Hà Nội thông tin, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang rất cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và được sở hữu “chứng chỉ xanh”, chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh thực hành đầy đủ các yếu tố ESG bao gồm cả trách nhiệm xã hội và các hành động bảo vệ môi trường.

“Thế nhưng mức độ thực hành ESG với doanh nghiệp trong nước hiện nay còn khá thấp. Dẫn báo cáo của PwC về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022-2023, dù có đến 80% doanh nghiệp đã cam kết hoặc có kế hoạch cam kết ESG trong 2-4 năm tới nhưng số lượng báo cáo ESG được công bố vào năm ngoái cho thấy còn rất hạn chế. Nguyên nhân là lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp chưa tham gia thúc đẩy thực hành các cam kết ESG”, ông Việt chia sẻ.

Báo cáo phát triển bền vững 2023 của KPMG cũng chỉ ra rằng thực hành ESG tại doanh nghiệp ở Việt Nam có thay đổi nhưng vẫn chưa hiệu quả. Cụ thể hơn 90% nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp vẫn chưa minh chứng được tính bền vững và cũng không được phân loại theo các yêu cầu của ESG. Hay mục tiêu cắt giảm lượng carbon của Việt Nam chỉ đạt 10%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia cùng khu vực.

Theo ông Việt, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do doanh nghiệp chưa hiểu rõ về khái niệm Net Zero; thiếu hệ thống và công cụ phân tích dữ liệu; không có một bộ các tiêu chuẩn xanh chung; không có lộ trình chuyển đổi xanh thống nhất cho tất cả các loại hàng hóa xuất khẩu… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho rằng, chi phí đầu tư lớn cho việc chuyển đổi xanh là quá lớn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng tình với ý kiến, theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối Ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam, là một nhà cung cấp dịch vụ tài chính, chúng tôi tiến hành nghiên cứu hàng năm để hiểu những thách thức đang phải đối mặt và nhu cầu của các doanh nghiệp. Theo Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp năm 2024 của UOB, 50% các công ty Việt Nam cho biết việc thiếu các giải pháp tài chính bền vững là rào cản lớn trong hành trình chuyển đổi xanh của họ.

Cần nguồn tài chính hỗ trợ Việt Nam “xanh hóa”

Trong hành trình chuyển đổi sang phát triển xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế quy mô đầu tư cần thiết để hiện thực hóa hoàn toàn quá trình chuyển đổi sang năng lượng ít carbon của Việt Nam là rất lớn.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.

Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện.

Theo Kế hoạch phát triển điện VIII, chỉ riêng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ cần khoảng 650 tỷ USD đầu tư từ năm 2021-2050. Nguồn tài trợ này sẽ rất quan trọng để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền tải năng lượng, hỗ trợ đầu tư R&D vào các công nghệ xanh mới như: Hydro, thu giữ carbon và pin hiệu quả hơn…

Ông Lim Dyi Chang nhận định, số tiền đầu tư xanh hóa không thể chỉ được tài trợ bởi chính phủ. Mức độ tham gia đáng kể của khu vực tư nhân là rất quan trọng.

“Tại Việt Nam, UOB đã hỗ trợ 17 dự án năng lượng tái tạo cho đến nay. Gần đây, chúng tôi cũng đã cấp một số khoản tài trợ thương mại xanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững tại nhà sản xuất sản phẩm dừa bền vững Betrimex. Chúng tôi cũng thiết lập khuôn khổ tài chính xanh toàn diện và một hệ sinh thái các đối tác trên khắp khu vực để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận”, ông Lim Dyi Chang thông tin.

Còn theo ước tính của World Bank trước đó, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD vào năm 2040 để tài trợ cho cơ sở hạ tầng, công nghệ mới và các chương trình xã hội cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam.

Trong vòng 10 năm tới, theo ông Darryl James Dong, Đại diện cấp cao Phụ trách Văn phòng TP.HCM, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Việt Nam sẽ cần huy động hàng trăm tỉ đô la, trong đó khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò dẫn đầu.

“Hiện nay, tín dụng xanh của các ngân hàng nội địa mới chỉ chiếm tỷ trọng 4,5%, trong khi lẽ ra ngân hàng phải là nơi cấp vốn chủ lực. Sự thật đáng buồn là mặc dù nhu cầu nguồn vốn là một bức tường khổng lồ, cánh cửa cho tài chính khí hậu ở Việt Nam chỉ mới hé mở một chút”, ông Darryl chia sẻ.

Do đó, về phía IFC, cuối tháng 6 vừa qua, tổ chức quốc tế này công bố gói tài chính 150 triệu USD cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank). Gói tài trợ bao gồm khoản đầu tư vào trái phiếu xanh lam đầu tiên ở Việt Nam và trái phiếu xanh lá đầu tiên do một ngân hàng thương mại tư nhân trong nước phát hành.

Trong gói tài trợ này, IFC đăng ký mua 25 triệu USD trái phiếu xanh lam để giúp SeABank huy động thêm vốn cho các hoạt động kinh tế bền vững gắn với đại dương và nước (như nuôi trồng và khai thác thủy sản, cấp nước sạch...)

IFC cũng đăng ký mua trái phiếu xanh lá trị giá 50 triệu USD nhằm giúp SeABank mở rộng cho vay trong các lĩnh vực như tòa nhà xanh, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.

“Chúng tôi sẽ cung cấp khoản vay trị giá 75 triệu USD để SeABank tăng cường cho vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”, ông Darryl coho hay.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-90-nguyen-lieu-dau-vao-cua-doanh-nghiep-van-chua-chung-minh-duoc-tinh-ben-vung-d225325.html
Zalo