Hơn 56% doanh nghiệp FDI báo lỗ
Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết số doanh nghiệp FDI báo lỗ chiếm hơn 56%.
Cụ thể, tính đến cuối 2023 có khoảng 29.000 doanh nghiệp FDI, trong đó 16.292 công ty báo lỗ, chiếm hơn 56%. Số đơn vị kinh doanh sa sút tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước đó. Tức là, cứ hai doanh nghiệp FDI thì khoảng một công ty báo lỗ.
Năm 2023, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp FDI giảm 14,2% so với năm 2022, xuống đạt hơn 411.742 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt khoảng 377.027 tỷ đồng, giảm 15,7% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu tiếp tục gia tăng, cả về số lượng và giá trị.
Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2023, có tới 16.292 đơn vị báo lỗ, tăng 21,2%; 18.140 đơn vị lỗ lũy kế, tăng 15%; 5.091 đơn vị lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15,2%.
Với 56% doanh nghiệp báo lỗ, năm 2023, tổng số lỗ của khối FDI lên 217.464 tỷ đồng, tăng 32%. Trị giá lỗ lũy kế tăng 20%, lên tới 908.211 tỷ đồng. Trị giá âm vốn chủ sở hữu ghi nhận ở mức 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.
Cùng với kết quả kinh doanh này, tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp cũng giảm 2%, về 193.240 tỷ đồng năm 2023. Tổng tài sản khối doanh nghiệp FDI chi phối là 9,95 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4,19 triệu tỷ đồng.
Xét theo lĩnh vực, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp nhiều nhất vào nguồn thu ngân sách Nhà nước với 124.528 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 64,4%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đã đánh mất vai trò động lực tăng trưởng.

Trong gần 29.000 doanh nghiệp FDI được thống kê tính tới cuối năm 2023, số đơn vị báo lỗ chiếm hơn 56%
Theo Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng có mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước ở mức khiêm tốn so với các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư và kết quả kinh doanh thấp hơn.
Cũng theo Bộ này, chính sách ưu đãi đầu tư còn có nhiều khác biệt giữa các ngành, lĩnh vực, vùng miền địa phương là nguyên nhân dẫn đến đến mức độ đóng góp vào ngân sách Nhà nước của các doanh nghiệp khác nhau.
Trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp FDI năm 2023, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hoặc trình Quốc hội ban hành các chính sách về đầu tư, doanh nghiệp… có liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là ban hành nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.
Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư để kiến nghị Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả.
Cơ quan này cũng đề xuất các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin để chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI, chống xói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất thanh, kiểm tra các dự án đầu tư đang hoạt động, tăng biện pháp quản lý với những doanh nghiệp FDI hoạt động kém hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội.