Hơn 40 năm sau cuộc di dân lịch sử - giải pháp nào xóa ' vùng lõm' hồ Hòa Bình: Bài 3 - 'Trả nợ' người dân vùng hồ Hòa Bình
Nhằm hỗ trợ đồng bào vùng chuyển dân sông Đà phục vụ xây dựng Thủy điện Hòa Bình sản xuất, nâng cao đời sống, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nguồn sinh kế. Các chương trình, dự án được triển khai từ năm 1994 đến nay góp phần cải thiện sinh kế, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước đổi thay, đời sống người dân dần được cải thiện.
Nhằm hỗ trợ đồng bào vùng chuyển dân sông Đà phục vụ xây dựng Thủy điện Hòa Bình sản xuất, nâng cao đời sống, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo nguồn sinh kế. Các chương trình, dự án được triển khai từ năm 1994 đến nay góp phần cải thiện sinh kế, bộ mặt nông thôn miền núi từng bước đổi thay, đời sống người dân dần được cải thiện.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 dự án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình tại Quyết định số 747/QĐ-TTg, ngày 7/12/1994 và Quyết định số 472/QĐ-TTg, ngày 19/3/2002. Năm 2009, Chính phủ ban hành Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2009 - 2015 (theo Quyết định số 1588/QĐ-TTg, ngày 9/10/2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh đề án tại Quyết định số 84/QĐ-TTg, ngày 19/1/ 2015). Mục tiêu nhằm đảm bảo ổn định nơi ở của Nhân dân, nâng cao đời sống, thu nhập, không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH vùng theo tiêu chí nông thôn mới; nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phạm vi thực hiện gồm 40 xã, phường của các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình. Trong đó, các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình đã duyệt trước đó; 3 huyện bổ sung năm 2015 khi xây dựng điểm tái định cư tập trung để tiếp nhận dân cư vùng lòng hồ bị ảnh hưởng thiên tai là Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn; bố trí tập trung, xen ghép tại 40 xã, phường với 38.605 hộ, 162.605 nhân khẩu.
Tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai dự án, đề án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi, trạm y tế, trường học, phát triển KT-XH vùng hồ; chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, phát triển kinh tế rừng, trồng các loại cây ăn quả; hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai hoang, phục hóa. Bên cạnh tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, tỉnh Hòa Bình đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển KT-XH vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà.
Qua 3 giai đoạn đầu tư các chương trình, dự án, đời sống người dân vùng hồ Hòa Bình có những bước tiến đáng kể. Vùng hồ từng bước thoát khỏi vùng trắng về hạ tầng đường, trường, điện, trạm; sản xuất được cải thiện, đời sống người dân từng bước ổn định. Đến năm 2020, vùng đã xóa hết hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 24%. Khoảng 30% hộ dân vùng hồ đã làm được nhà ở, mua sắm phương tiện đi lại, máy móc phục vụ sản xuất… Phần lớn diện tích đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh bằng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Toàn vùng hồ có trên 30.000 ha rừng trồng mang lại thu nhập cho người dân, góp phần nâng độ che phủ rừng đạt 57%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ, tạo nguồn sinh thủy cho hồ thủy điện Hòa Bình.
Tuy nhiên, các mục tiêu của đề án chưa được như mong đợi, nguồn lực đầu tư đòi hỏi lớn nhưng khả năng đáp ứng còn thấp. Trên 80% dân số sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; thu nhập từ lâm nghiệp chiếm hơn 50% tổng thu nhập của các hộ dân. Địa hình chia cắt, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, phát triển KT-XH. Mức thu nhập bình quân, chất lượng cuộc sống người dân còn thấp, mới đạt khoảng 70% so với mặt bằng chung của toàn tỉnh Hòa Bình (khoảng 37 triệu đồng/người/năm).
Đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho cho biết: Để giải quyết khó khăn trong cuộc sống của người dân vùng hồ Sông Đà, tỉnh đã kiến nghị Trung ương bố trí nguồn lực và xem xét cho áp dụng một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân. Nhờ đó đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, mang lại hiệu quả xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở đề xuất của tỉnh và các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình tại Quyết định số 1554/QĐ-TTg, ngày 21/9/2021. Theo đó, kéo dài đề án đến hết năm 2025. Phạm vi thực hiện tại 34 đơn vị hành chính cấp xã vùng chuyển dân sông Đà: Huyện Đà Bắc có 12 xã, thị trấn (Nánh Nghê, Tiền Phong, Vầy Nưa, Hiền Lương, Đồng Chum, Toàn Sơn, Đồng Ruộng, Yên Hòa, Mường Chiềng, Cao Sơn, Tú Lý và thị trấn Đà Bắc). Huyện Cao Phong có 2 xã (Bình Thanh, Thung Nai). Huyện Tân Lạc có 4 xã (Suối Hoa, Tử Nê, Mỹ Hòa, Phú Vinh). Huyện Mai Châu có 4 xã (Sơn Thủy, Tân Thành, Tòng Đậu, Vạn Mai). Huyện Kim Bôi có 2 xã (Tú Sơn, Mỵ Hòa). Thành phố Hòa Bình có 2 xã (Hòa Bình, Yên Mông) và 5 phường (Thịnh Lang, Hữu Nghị, Tân Hòa, Thái Bình, Thống Nhất). Các huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn mỗi huyện 1 xã (Bảo Hiệu, Đồng Tâm, Yên Nghiệp). Tổng nguồn vốn đầu tư trên 4.053 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.776 tỷ đồng). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo huy động, khai thác tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt chú trọng nguồn lực tại chỗ của tỉnh và các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để hỗ trợ thực hiện đề án.
Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Năm 2024, huyện được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng từ các nguồn vốn tỉnh cấp bổ sung có mục tiêu cho huyện, nguồn vốn ngân sách Trung ương, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn Đề án ổn định dân cư phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà… với tổng kế hoạch vốn trên 450 tỷ đồng. Các nguồn lực đầu tư đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng; nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được cứng hóa, cải thiện giao thương, phát triển sản xuất của Nhân dân các dân tộc. Qua đó, tác động tích cực đến phát triển KT-XH, góp phần quan trọng thay đổi diện mạo của huyện.
Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, các địa phương vùng hồ thủy điện Hòa Bình từng bước giải quyết những khó khăn, đẩy mạnh phát triển KT-XH. Những "nút thắt” phát triển vùng hồ, nhất là giao thông đang từng bước được giải quyết. Hàng nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực hồ Hòa Bình. Các điểm tái định cư xã Sơn Thủy (Mai Châu); các xã Vầy Nưa, Tiền Phong, Nánh Nghê, Đồng Ruộng (Đà Bắc) hoàn thành giúp người dân yên tâm hơn trong sản xuất, đời sống. Nhiều khu vực trước đây xa xôi giờ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, như xóm Ké (xã Hiền Lương), xóm Sưng (xã Cao Sơn), xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong (xã Tiền Phong)…
Vùng hồ cũng hình thành nhiều mô hình liên kết phát triển nguồn lợi thủy sản, mang lại thu nhập khá cho người dân. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng thương hiệu cá sông Đà có uy tín trên thị trường. Khu vực hồ Hòa Bình đã thu hút 16 dự án đầu tư về du lịch, dịch vụ với tổng nguồn vốn khoảng 3.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khu vực này đã có hệ thống khách sạn, resort, nhà nghỉ cộng đồng... Các tour, tuyến tại khu vực hồ Hòa Bình được xây dựng, kết nối với nhiều địa phương trong nước, tạo nên hệ sinh thái du lịch đa dạng. Khu du lịch đã có 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 4 sao, 1 điểm du lịch cộng đồng đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Khu vực hồ Hòa Bình có một số bản du lịch độc đáo thu hút khách du lịch như: Bản Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc); bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc)…