Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Chú trọng đầu tư các cụm công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội

Với việc làm tốt công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, ngay sau khi đi vào hoạt động, các cụm công nghiệp (CCN) ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã nhanh chóng thu hút hơn 600 nhà đầu tư thứ cấp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

CCN làng nghề Tề Lỗ thu hút hơn 300 hộ gia đình vào sản xuất kinh doanh.

CCN làng nghề Tề Lỗ thu hút hơn 300 hộ gia đình vào sản xuất kinh doanh.

Theo quy hoạch, huyện Yên Lạc sẽ hình thành 10 CCN. Đến nay, huyện Yên Lạc đã hình thành 6 CCN, với tổng diện tích hơn 110,7ha, trong đó có 5 CCN đã đi vào hoạt đồng gồm: CCN Yên Đồng, CCN làng nghề thị trấn Yên Lạc, CCN làng nghề Tề Lỗ; CCN Đồng Văn; CCN Minh Phương. Ngay sau khi đưa vào hoạt động, các CCN ở huyện Yên Lạc đã nhanh chóng thu hút được các doanh nghiệp, hộ gia đình vào sản xuất, kinh doanh. Trong số 5 CCN đã đi vào hoạt động thì có 3 CCN đạt tỷ lệ lấp đầy 100% gồm: CCN Yên Đồng, CCN làng nghề thị trấn Yên Lạc, CCN làng nghề Tề Lỗ.

CCN làng nghề Tề Lỗ được thành lập từ năm 2009, với tổng diện tích hơn 26ha. Đến nay, CCN đã hoàn thành hạ tầng, thu hút hơn 300 hộ gia đình vào kinh doanh sản xuất với nhiều ngành nghề đa dạng như máy xúc, ô tô, sản xuất nhựa, sản xuất lưới B40… Với vai trò quản lý, Ban Quản lý CCN làng nghề Tề Lỗ luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ kinh doanh trong công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy thông qua các buổi tập huấn của các cơ quan chức năng.

Là một hộ sản xuất kinh doanh trong CCN làng nghề Tề Lỗ, anh Nguyễn Hữu Kiên, chủ cơ sở sản xuất lưới Kiên Lý chia sẻ: Xưởng sản xuất lưới B40 của gia đình đã hoạt động được khoảng 8 năm, tạo việc làm ổn định cho 5 công nhân, với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/tháng. Trong quá trình sản xuất, xưởng luôn thực hiện tốt các quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường. Toàn bộ phế liệu trong quá trình sản xuất lưới sẽ được thu gom lại để bán sắt vụn, không có chất thải ra môi trường.

CCN làng nghề Đồng Văn với tổng diện tích hơn 26,5ha và CCN làng nghề Minh Phương với tổng diện tích 33,54ha đang dần hoàn thiện hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp, hộ gia đình vào kinh doanh sản xuất.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các CCN luôn thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các CCN luôn thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Dương Quang Dũng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc cho biết: Luôn xác định phát triển CCN là giải pháp hữu hiệu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, các CCN trên địa bàn huyện đã thu hút hơn 600 doanh nghiệp thứ cấp và hộ gia đình đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động với mức lương 6,5 - 8,5 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, gia tăng số lượng đơn hàng, đa dang mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần giải quyết lao động việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, huyện Yên Lạc tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp với Ban Quản lý dự án xây dựng và phát triển CCN huyện, chủ đầu tư phối hợp với các địa phương tập trung triển khai giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng CCN làng nghề Đồng Văn, CCN làng nghề Trung Nguyên.

Đồng thời, mở rộng quy mô CCN làng nghề Minh Phương, thành lập mới các CCN theo quy hoạch đã được phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 10 CCN với tổng diện tích hơn 332,1ha. Cùng với đó, huyện tiếp tục rà soát quỹ đất phát triển khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch gồm KCN Yên Lạc 183ha; mở rộng KCN Đồng Sóc 115ha (tại xã Yên Đồng); KCN Bình Xuyên - Yên Lạc với tổng diện tích 477ha (địa phận xã Văn Tiến là 175ha).

Để tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ, huyện Yên Lạc tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng CCN; rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, CCN; triển khai thi công 1 số dự án đường giao thông như: Đường trục chính huyện Yên Lạc, đoạn nối từ Quốc lộ 2A tránh thành phố Vĩnh Yên đi ĐT.303 (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc); đường trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc; đường Vành đai 3, đoạn từ Mả Lọ đi ĐT.303 (đền Gia Loan)…

Bích Huệ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/yen-lac-vinh-phuc-chu-trong-dau-tu-cac-cum-cong-nghiep-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-388667.html
Zalo