Hơn 23 triệu học sinh tưng bừng khai giảng năm học mới
Sáng 5-9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước chính thức khai giảng năm học mới 2024-2025, một năm học với nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề là “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”. Năm học này là năm đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.
Chia sẻ về năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, đây là năm học “có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn”. Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT lấy làm trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Năm học này, ngành giáo dục tập trung tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu nhà giáo. Năm học 2023-2024, toàn ngành tuyển dụng được 19.474 giáo viên, tuy nhiên số học sinh không ngừng tăng dẫn đến số lớp tăng.
Năm học 2023-2024 số lớp của cấp THCS tăng 7.198 lớp (tương đương số giáo viên tăng 13.676), số lớp cấp THPT tăng 1.213 lớp (tương đương số giáo viên tăng 2.729) so với năm học 2022-2023, dẫn đến số giáo viên còn thiếu vẫn nhiều và ở hầu hết địa phương.
Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2024-2025 số giáo viên còn thiếu so với năm học 2023-2024 tăng 19.856 người (giáo viên mầm non còn thiếu tăng 6.000 người, giáo viên phổ thông còn thiếu tăng 13.856 người).
Nguyên nhân chính do số học sinh tiếp tục tăng dẫn đến số lớp tăng như với mầm non tăng 2.327 nhóm lớp, phổ thông tăng 7.150 lớp.