Hơn 20 hãng Trung Quốc đua nhau tích hợp AI DeepSeek vào ô tô điện thông minh vì sợ mất thị phần

Hơn 20 nhà sản xuất ô tô đã công bố kế hoạch trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty khởi nghiệp DeepSeek (Trung Quốc) phát triển cho các mẫu xe của họ.

Nhiều hãng sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang đổ xô tích hợp AI DeepSeek vào xe của họ để bổ sung các tính năng kỹ thuật số trong một thị trường đầy cạnh tranh.

Hơn 20 hãng sản xuất ô tô, từ hãng dẫn đầu về xe điện BYD đến công ty khởi nghiệp Leapmotor được Stellantis hậu thuẫn, đã công bố kế hoạch phát triển ô tô được trang bị các tính năng AI của DeepSeek trong hai tuần qua.

"Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự cạnh tranh đang chuyển sang một mặt trận mới, thu hút tài xế và hành khách bằng các chatbot tiên tiến hơn. Những chiếc ô tô không có DeepSeek sẽ mất thị phần hoặc bị loại khỏi thị trường", Phate Zhang, người sáng lập CnEVPost (hãng cung cấp dữ liệu ô tô điện có trụ sở tại Thượng Hải), nhận định.

DeepSeek, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố Hàng Châu, đã thu hút sự chú ý của thế giới vài tuần qua sau khi phát hành hai mô hình AI nguồn mở tiên tiến V3 và R1, với chi phí đào tạo chỉ bằng một phần nhỏ so với các hãng công nghệ lớn thường cần cho các dự án mô hình ngôn ngữ lớn.

Mô hình ngôn ngữ lớn là công nghệ làm nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI và chatbot cùng tên DeepSeek.

AI có thể giúp ô tô an toàn hơn và thông minh hơn thông qua các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS), cải thiện hệ thống thông tin giải trí trên ô tô và trải nghiệm lái xe tổng thể.

Tuần trước, BYD cho biết sẽ tích hợp DeepSeek vào kiến trúc xe thông minh Xuanji của mình để nâng cao khả năng AI cho ô tô. BYD có kế hoạch cung cấp các tính năng lái xe tự động tiên tiến trên hầu hết ô tô điện của mình, giúp xe thông minh trở nên phù hợp với túi tiền của khách hàng Trung Quốc đại lục, khi hãng tìm kiếm lợi thế cạnh tranh trong cuộc chiến giá cả đang leo thang.

Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này có kế hoạch trang bị hệ thống ADAS tự phát triển cho ít nhất 21 mẫu xe, gồm cả hatchback Seagull có giá khởi điểm từ 69.800 nhân dân tệ (9.575 USD), hỗ trợ di chuyển trên đường cao tốc và tự đỗ xe.

Các đối thủ của BYD như Geely, Great Wall Motor, Chery Automobile và SAIC Motor cũng công bố kế hoạch sử dụng DeepSeek trong buồng lái kỹ thuật số để thu hút tài xế Trung Quốc đại lục.

"Mô hình nguồn mở của DeepSeek đã thu hút các nhà phát triển toàn cầu tham gia vào quá trình tối ưu hóa và kiểm tra bảo mật thông qua nhiều nền tảng như GitHub, tạo thành một hệ sinh thái đổi mới hợp tác sôi động. Với người dùng cuối, mong muốn và khả năng triển khai, đào tạo và sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn của họ cũng sẽ được cải thiện đáng kể", hãng nghiên cứu IDC cho biết trong một báo cáo.

"DeepSeek đã trở thành niềm tự hào mới của quốc gia và sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước thúc đẩy doanh số bán hàng. Việc vội vã đưa DeepSeek vào các loại ô tô điện mới cũng cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường này đã trở nên khốc liệt hơn", Zhao Zhen, Giám đốc bán hàng tại đại lý ô tô Wan Zhuo Auto ở Thượng Hải, cho hay.

AI của DeepSeek trở thành tính năng bắt buộc phải có trong ô tô điện thông minh Trung Quốc - Ảnh: Internet

AI của DeepSeek trở thành tính năng bắt buộc phải có trong ô tô điện thông minh Trung Quốc - Ảnh: Internet

Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc với xe thông minh đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô điện lớn cải thiện công nghệ lái xe tự động và buồng lái kỹ thuật số những năm gần đây.

Zhang Yongwei, Tổng thư ký China EV100 (tổ chức phi chính phủ có giám đốc điều hành hầu hết hãng ô tô điện hàng đầu Trung Quốc là thành viên), nói rằng 15 triệu ô tô (hoặc 2/3 doanh số bán hàng toàn quốc vào năm 2025) sẽ được trang bị hệ thống lái tự động sơ bộ. Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô điện liên tục nâng cấp sản phẩm để thu hút khách hàng và chính phủ Trung Quốc gia hạn chương trình trợ giá nhằm thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng đắt tiền.

Zhang Yongwei cho biết 15 triệu chiếc xe thông minh này sẽ có ít nhất khả năng tự lái cấp độ 2 (L2). Điều này gồm các chức năng như tự động đánh lái, tăng tốc và phanh, nhưng vẫn yêu cầu tài xế giám sát và có thể can thiệp bất cứ lúc nào.

Các nhà sản xuất ô tô đã liên tục giảm giá mạnh trong hai năm qua. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô chở khách Trung Quốc, các hãng ô tô đã giảm giá 195 mẫu xe, gồm xe chạy bằng xăng, xe chạy hoàn toàn bằng điện và xe xăng lai điện, từ tháng 1 đến tháng 11.2024, tăng từ 150 mẫu vào năm 2023.

"Khi ngày càng có nhiều người sử dụng tính năng lái xe thông minh, điều này sẽ tạo ra 'hiệu ứng bánh đà' cho công nghệ này của Trung Quốc, giúp tốc độ thu thập và cải tiến dữ liệu tăng nhanh hơn. Tôi tin rằng lái xe thông minh sẽ trở thành một biểu tượng mới của ô tô Trung Quốc", Wang Chuanfu nhận xét.

Hiệu ứng bánh đà (flywheel effect) là một khái niệm mô tả cách một hệ thống hoặc quá trình có thể đạt được đà phát triển liên tục, tương tự một bánh đà trong cơ khí – ban đầu cần nhiều lực để quay, nhưng một khi đã quay, nó duy trì động lượng và tiếp tục quay dễ dàng hơn.

Ứng dụng của hiệu ứng bánh đà trong công nghệ và kinh doanh

Trong công nghệ thông minh (như xe tự lái của BYD):

Khi càng nhiều người sử dụng tính năng lái xe thông minh, hệ thống sẽ thu thập được nhiều dữ liệu hơn.

Dữ liệu này giúp AI cải thiện khả năng xử lý, làm hệ thống thông minh hơn.

Hệ thống càng thông minh, càng có nhiều người sử dụng, tạo ra một chu trình tăng trưởng liên tục.

Trong kinh doanh và chiến lược phát triển (ví dụ như Amazon, Tesla)

Amazon: Ban đầu tập trung vào dịch vụ khách hàng tốt, điều này thu hút nhiều người mua hơn, giúp công ty có thể giảm chi phí nhờ quy mô lớn, từ đó lại có giá rẻ hơn, thu hút nhiều khách hàng hơn.

Tesla: Ban đầu phát triển ô tô điện đắt tiền, nhưng doanh số cao giúp họ có vốn để đầu tư vào sản xuất rẻ hơn, từ đó có thể bán xe giá thấp hơn và tiếp cận nhiều người dùng hơn.

Hiệu ứng bánh đà trong chiến lược của BYD

BYD tin rằng khi càng nhiều người sử dụng xe thông minh, dữ liệu thu thập được sẽ giúp AI lái xe trở nên tốt hơn, từ đó tăng cường trải nghiệm người dùng và thu hút thêm nhiều khách hàng. Quá trình này sẽ liên tục gia tăng, đẩy mạnh sự phát triển của xe điện thông minh Trung Quốc.

5 cấp độ lái xe tự động

Lái xe tự động được phân thành 5 cấp độ theo mức độ tinh vi. Tại Trung Quốc, hầu hết các mẫu xe thông minh hiện nay đều thuộc cấp độ L2 hoặc L2+, theo tiêu chuẩn của tổ chức SAE International (Mỹ). Các cấp độ này yêu cầu tài xế phải luôn tỉnh táo và sẵn sàng kiểm soát xe bất cứ lúc nào.

Chi phí trang bị hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến đã giảm đáng kể trong hai năm qua nhờ quy mô sản xuất lớn và doanh số xe thông minh tăng mạnh tại Trung Quốc.

Hiện tại, chi phí này vào khoảng 10.000 nhân dân tệ, theo Chen Jinzhu, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Shanghai Mingliang Auto Service. Cách đây ba năm, con số này gần như gấp đôi.

Xpeng và Aito (do Huawei hậu thuẫn) hiện là những đơn vị dẫn đầu thị trường Trung Quốc về công nghệ tự lái.

Tesla dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm hệ thống Full Self-Driving (FSD) tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Công ty của Elon Musk đang tính phí 8.000 USD để cài đặt hệ thống này tại Mỹ, chưa kể phí đăng ký hàng tháng 99 USD.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/hon-20-hang-trung-quoc-dua-nhau-tich-hop-ai-deepseek-vao-o-to-dien-thong-minh-vi-so-mat-thi-phan-229352.html
Zalo