Hơn 1 tỷ người đang mắc căn bệnh này
Các chuyên gia đều đồng ý đây là hiện tượng đáng báo động xảy ra trên khắp thế giới, thay vì ở các nước giàu có nhưng trước đây.
Theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 29/2 của tạp chí The Lancet, năm 2022, toàn cầu có hơn một tỷ người phải sống chung với bệnh béo phì, trong đó có 880 triệu người lớn và 159 triệu trẻ em.
Theo tiến sĩ Majid Ezzati, tác giả chính của nghiên cứu, trước đây, Liên đoàn Béo phì Thế giới ước tính toàn cầu sẽ có một tỷ người mắc bệnh béo phì vào năm 2030. Tuy nhiên, thế giới đã đạt tỷ lệ này sớm hơn 8 năm.
"Chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước tốc độ này", ông cho biết.
Kể từ năm 1990, tình trạng thừa cân đã tăng gấp đôi ở người lớn và gấp 4 lần ở trẻ em 5-19 tuổi. Trong vòng 32 năm, tỷ lệ béo phí tăng 5,2% đối với các trẻ em gái và 7,2% đối với các trẻ em trai. Ở phụ nữ và cả nam giới, tỷ lệ này tăng lên gần 10% cùng kỳ.
Tonga, Samoa thuộc Mỹ và Nauru là những quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất với hơn 60%.
“Trước đây, chúng ta từng nghĩ béo phì là vấn đề của người giàu. Giờ đây, nó lại là một vấn đề của thế giới”, tiến sĩ Francesco Branca, Giám đốc Ban Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhận định.
Theo tiến sĩ Ezzati, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra không có quốc gia công nghiệp lớn nào, trừ Mỹ, nằm trong danh sách đứng đầu các quốc gia có tỷ lệ béo phì cao nhất năm 2022.
Với ông, đây là một sự thay đổi lớn so với lần nghiên cứu gần nhất hồi 2017. Tại thời điểm đó, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand và Anh nằm trong nhóm hàng đầu về tỷ lệ béo phì.
Trước tình trạng đáng báo động này, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết nghiên cứu mới này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa và kiểm soát bệnh béo phì, từ độ tuổi trẻ em đến giai đoạn trưởng thành. Trong đó, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và chăm sóc đầy đủ khi cần thiết đóng vai trò quan trọng.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi các chính phủ hành động để đạt được các mục tiêu toàn cầu về hoạn chế béo phì dưới sự tham mưu của WHO và cơ quan y tế công cộng từng nước.
Thừa cân và béo phì được WHO định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 được coi là thừa cân và trên 30 là béo phì. Hiện nay, béo phì đã phát triển thành "đại dịch" với hơn 4 triệu người chết mỗi năm vào năm 2017, kéo theo gánh nặng bệnh tật toàn cầu.