Hơn 1 triệu vật thể ngoại lai trong Hệ Mặt trời: Liệu chúng có nguy hiểm?
Các nhà khoa học vừa tiết lộ một phát hiện đáng kinh ngạc: hơn 1 triệu vật thể giữa các vì sao, mỗi vật thể có kích thước tương đương hoặc lớn hơn tượng Nữ thần tự do,
Theo Live Science, những vật thể này có thể đang trôi dạt trong đám mây Oort - khu vực xa xôi của Hệ Mặt trời. Đây có thể là những "kẻ xâm nhập vũ trụ" đến từ hệ sao Alpha Centauri, cụm sao gần Trái đất nhất.
Các nhà nghiên cứu mới đây đã mô phỏng lượng vật chất liên sao bị đẩy ra không gian khỏi Alpha Centauri trong 100 triệu năm qua, và một phần không nhỏ trong số đó có thể đã bị lực hấp dẫn của Mặt trời giữ lại, trở thành cư dân vĩnh viễn của Hệ Mặt trời.
Đến nay, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện hai vật thể liên sao từng đi qua hệ mặt trời gồm Oumuamua (vào năm 2017) - một vật thể hình chữ nhật kỳ lạ, từng gây tranh cãi về việc có thể là tàu thăm dò của người ngoài hành tinh, và sao chổi Borisov (2019) từ không gian liên sao, bay qua hệ mặt trời với tốc độ cao.

Các mô phỏng mới cho thấy hơn 1 triệu vật thể lớn bị đẩy ra từ Alpha Centauri có thể ẩn núp trong Đám mây Oort gần rìa của Hệ Mặt trời - Ảnh: Getty
Cả hai vật thể này đều đã rời khỏi Hệ Mặt trời, nhưng nhiều vật thể khác có thể đã bị giữ lại trong Đám mây Oort. Đám mây này là một kho chứa khổng lồ các sao chổi và tiểu hành tinh, nằm ở vùng rìa Hệ Mặt trời, cách quá xa để có thể quan sát trực tiếp bằng kính thiên văn hiện tại.
Ngoài các vật thể khổng lồ, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng các hạt bụi nhỏ từ Alpha Centauri có thể rơi xuống Trái đất mỗi năm. Các mô phỏng cho thấy khoảng 10 hạt bụi vũ trụ có thể cháy sáng thành thiên thạch trong bầu khí quyển của Trái đất hằng năm. Điều này có nghĩa là mỗi ngày chúng ta có thể đang tiếp xúc với các mảnh vật chất đến từ một hệ sao khác mà không hề hay biết.
Alpha Centauri là hệ sao gần Trái đất nhất, cách chúng ta chỉ 4,25 năm ánh sáng, bao gồm Alpha Centauri A và Alpha Centauri B, hai ngôi sao giống Mặt trời quay quanh nhau, cùng với Proxima Centauri, một ngôi sao lùn đỏ và cũng là ngôi sao gần Trái đất nhất trong hệ này, có hành tinh Proxima Centauri b, nơi được cho là có tiềm năng tồn tại sự sống.
Toàn bộ hệ sao này đang di chuyển về phía chúng ta và dự kiến sẽ đạt khoảng cách gần nhất với Mặt trời trong 28.000 năm nữa. Khi khoảng cách này thu hẹp, số lượng vật thể giữa các vì sao có thể tăng theo cấp số nhân, mở ra nhiều cơ hội nghiên cứu về sự trao đổi vật chất giữa các hệ sao.
Các nhà khoa học tin rằng quá trình vật chất bị đẩy ra khỏi Hệ Mặt trời của chúng ta cũng có thể tương tự như Alpha Centauri. Điều này có nghĩa là không chỉ có vật thể từ Alpha Centauri đến với chúng ta, mà các tiểu hành tinh hoặc sao chổi từ Hệ Mặt trời cũng có thể đang trôi dạt vào hệ sao láng giềng này.
Việc hiểu rõ hơn về quá trình trao đổi vật chất giữa Alpha Centauri và Hệ Mặt trời có thể mở ra một chương mới trong việc nghiên cứu cách các hành tinh, sao chổi và tiểu hành tinh hình thành và phát triển.
Theo các nhà khoa học, dù những vật thể khổng lồ này khó có nguy cơ va vào Trái đất, việc chúng đang tồn tại trong Hệ Mặt trời có thể cung cấp những manh mối quý giá về nguồn gốc và sự phát triển của Hệ Mặt trời, cũng như khả năng vật chất liên sao mang theo dấu vết của sự sống.