Hơn 1,25 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành

Tính đến cuối tháng 3/2025, toàn thị trường có hơn 1,25 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, giảm nhẹ 0,3% so với cuối tháng 2/2025 và là tháng giảm thứ 4 liên tiếp...

FiinGroup vừa công bố Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3/2025, cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước, đánh dấu tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp.

Điểm sáng trong tháng là hoạt động phát hành mới bắt đầu sôi động trở lại, với khối lượng phát hành đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, trong khi tháng 2 hoàn toàn không có đợt phát hành nào.

Tuy vậy, áp lực đến từ lượng trái phiếu đáo hạn tăng vọt trong tháng 3, gấp đôi tổng giá trị đáo hạn của hai tháng đầu năm cộng lại. Đồng thời, giá trị trái phiếu được mua lại cũng ghi nhận mức tăng mạnh 109%. So với cùng kỳ năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 2,7%.

Về cơ cấu theo nhóm ngành, không có nhiều biến động so với tháng trước. Hai lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm ưu thế, đóng góp gần 74% tổng giá trị thị trường, tăng nhẹ so với mức 70% của cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo loại hình phát hành, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo với 87,9% tổng giá trị đang lưu hành, tương đương gần 1.101 nghìn tỷ đồng – giảm 1,6% so với cuối tháng 2.

Ngược lại, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm 12,1% (khoảng 151,8 nghìn tỷ đồng), nhưng tăng trưởng mạnh mẽ 10,4% so với tháng trước và 21% so với cùng kỳ. Động lực chính đến từ sự sôi động trong hoạt động phát hành công chúng quý 1/2025, khi 10/12 đợt phát hành được thực hiện theo hình thức này.

Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 15/4 trên hệ thống FiinGroup, kể từ đầu năm 2025, các tổ chức phát hành đã chi trả tổng cộng 36,8 nghìn tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp. Riêng trong tháng 3, số tiền đáo hạn được thanh toán đạt 18,7 nghìn tỷ đồng.

Dòng tiền phải trả từ trái phiếu (bao gồm gốc và lãi) tiếp tục dồn dập trong các tháng tới, với ước tính khoảng 10,7 nghìn tỷ đồng trong tháng 4, hơn 17,9 nghìn tỷ đồng trong tháng 5 và lên đến 49,8 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2025.

Tuy nhiên, tháng 3 cũng ghi nhận một số trường hợp tổ chức phát hành không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ đến hạn, trong đó có Tập đoàn Xây dựng Tracodi và Tập đoàn R&H.

Ở nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng, áp lực thanh toán nợ gốc trái phiếu tăng rõ rệt trong tháng 5/2025, với tổng giá trị đến hạn ước khoảng 11,4 nghìn tỷ đồng – gấp đôi so với tháng 4 (5,3 nghìn tỷ đồng), tuy giảm nhẹ so với tháng 3 (13 nghìn tỷ đồng).

Riêng lĩnh vực bất động sản dự kiến có khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 5, chiếm 31% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường tháng này, đồng thời tăng 20,3% so với ước tính của tháng 4. Một số tổ chức phát hành đáng chú ý bao gồm: Địa ốc Phú Long với 1,4 nghìn tỷ đồng, Kinh doanh Nhà Sunshine với 1,1 nghìn tỷ đồng, và Sunbay Ninh Thuận với 855 tỷ đồng.

Lĩnh vực bán lẻ cũng ghi nhận 3 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn trong tháng 5, toàn bộ thuộc về Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Wincommerce. Sau khi hoàn tất tất toán các lô trái phiếu này, Wincommerce sẽ không còn dư nợ trái phiếu trên thị trường.

Tổng giá trị nợ gốc trái phiếu đến hạn thanh toán của nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng trong quý 2/2025 được dự báo đạt khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% so với quý 1. Áp lực đáo hạn dự kiến sẽ đạt đỉnh vào quý 3 năm nay – giai đoạn được đánh giá là cao điểm trong chu kỳ trả nợ trái phiếu.

Đáng chú ý, nhờ xu hướng mua lại trước hạn được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, tổng giá trị gốc trái phiếu dự kiến đáo hạn trong cả năm 2025 của nhóm phi ngân hàng đã giảm nhẹ, từ mức ước tính đầu năm là 171,9 nghìn tỷ đồng xuống còn 159,8 nghìn tỷ đồng.

Về dòng tiền lãi, riêng trong tháng 5/2025, nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng dự kiến chi trả khoảng 5 nghìn tỷ đồng tiền lãi trái phiếu – cao hơn mức bình quân 4 tháng đầu năm (khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng/tháng). Trong đó, bất động sản tiếp tục là ngành dẫn đầu, chiếm 39% tổng giá trị lãi phải trả toàn thị trường.

Một số ngành khác như xây dựng và vật liệu, tiện ích, du lịch và giải trí cũng ghi nhận nghĩa vụ thanh toán lãi đáng kể trong tháng, tuy nhiên vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với bất động sản.

Tổng giá trị lãi trái phiếu đến hạn thanh toán trong quý 2/2025 của nhóm phi ngân hàng dự kiến ở mức 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng so với mức 13,5 nghìn tỷ đồng của quý trước và tập trung chủ yếu trong tháng 6 (khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng). Áp lực trả lãi tiếp tục leo thang trong quý 3/2025, với giá trị dự kiến lên đến 17,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng lớn bao gồm: bất động sản, du lịch và giải trí, dịch vụ tài chính, xây dựng và vật liệu.

Bảo Châu

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/hon-125-trieu-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-dang-luu-hanh-post559431.html
Zalo