Hôm nay, tuyến metro số 1 chính thức vận hành

Sáng nay 22-12, người dân đi metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) miễn phí trong 1 tháng. Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM cho biết, sau khi khánh thành tuyến metro số 1 theo kế hoạch vào 10 giờ ngày 22-12, đơn vị vận hành mở cửa 14 nhà ga đón khách. Từ lúc này, hành khách được miễn phí đi metro số 1 trong 30 ngày (đến 20-1-2025).

Các ngày sau đó, các ga mở cửa từ 5 đến 22 giờ mỗi ngày. Giờ giãn cách chạy tàu là 8-12 phút/chuyến. Có 31 tuyến xe buýt kết nối với metro số 1. Khách cũng có thể dùng xe đạp công cộng ở bãi quanh các nhà ga ngầm metro ở quận 1; xe điện 4 bánh Buggy ở 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố và Ba Son); buýt đường sông… Hành khách có thể gửi xe tại các nhà ga như Công viên 23-9, Công viên Văn Thánh, Thảo Điền, Bến xe Suối Tiên… và sử dụng các cầu đi bộ tại các ga Tân Cảng, Thảo Điền, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao và Đại học Quốc gia TPHCM để tiếp cận an toàn, thuận lợi...

 Cận cảnh quá trình vận hành của tàu khi tiến vào nhà ga Suối Tiên

Cận cảnh quá trình vận hành của tàu khi tiến vào nhà ga Suối Tiên

 Hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1

Hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1

Hôm nay 22-12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án giao thông đô thị trọng điểm của TPHCM, sẽ được đưa vào vận hành chính thức.

Với tổng chiều dài 19,7km, gồm 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao), tuyến metro này được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể hệ thống giao thông công cộng, giảm áp lực ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Trước khi được đưa vào vận hành chính thức, các công đoạn kiểm tra kỹ thuật, chạy thử nghiệm... được thực hiện khẩn trương, bảo đảm mọi khâu đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng. Sự hoàn thiện của tuyến metro này không chỉ giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các khu vực trung tâm với vùng cửa ngõ phía Đông thành phố.

 Nhân viên vận hành tàu trong những ngày chạy thử nghiệm

Nhân viên vận hành tàu trong những ngày chạy thử nghiệm

 Bảng chỉ dẫn đến nhà ga metro tại các giao lộ

Bảng chỉ dẫn đến nhà ga metro tại các giao lộ

 Tuyến metro số 1 rút ngắn thời gian di chuyển của hành khách do đi ngầm và trên cao

Tuyến metro số 1 rút ngắn thời gian di chuyển của hành khách do đi ngầm và trên cao

 Hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1

Hành khách trải nghiệm tuyến metro số 1

 Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM vào trung tâm thành phố

Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM vào trung tâm thành phố

 Thanh toán chi phí đi tàu bằng thẻ tín dụng

Thanh toán chi phí đi tàu bằng thẻ tín dụng

 Bản đồ hướng dẫn rõ ràng

Bản đồ hướng dẫn rõ ràng

 Thang máy phục vụ người lớn tuổi và người khiếm khuyết

Thang máy phục vụ người lớn tuổi và người khiếm khuyết

 Xe buýt điện kết nối 17 tuyến đường đến metro

Xe buýt điện kết nối 17 tuyến đường đến metro

 Ga Suối Tiên

Ga Suối Tiên

 Khu cầu vượt tại các nhà ga nổi sẵn sàng phục vụ hành khách

Khu cầu vượt tại các nhà ga nổi sẵn sàng phục vụ hành khách

NHỮNG CỘT MỐC THỰC HIỆN

Năm 2007 dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2011, tổng mức được điều chỉnh lên hơn 47.000 tỷ đồng, nguyên nhân dự án điều chỉnh do kéo dài tuyến đến Bến xe Miền Đông mới và cập nhật đơn giá xây dựng, giải phóng mặt bằng. Trong đó, vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách thành phố.

Metro số 1 có lộ trình dài 19,7km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, TP Thủ Đức (TPHCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Tuyến này có 2,6km đi ngầm với 3 nhà ga ngầm và hơn 17,1km trên cao gồm 11 nhà ga nổi.

Tháng 2-2008 hạng mục depot rộng 24ha tại phường Long Bình (quận 9, nay là TP Thủ Đức) của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công xây dựng.

Đến năm 2011 dự án được phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức từ 17.387 lên 47.325 tỷ đồng và đồng thời lùi thời gian vận hành sang năm 2018. Đây là lần đầu tiên điều chỉnh lùi thời gian vận hành khai thác của tuyến này.

Ngày 28-8-2012 dự án metro số 1 chính thức được khởi công xây dựng gói thầu số 2 dài 17,1km (đoạn trên cao). Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án.

Tháng 7-2014 khởi công gói thầu 1B, xây dựng ga ngầm của tuyến metro số 1 đoạn từ ga Nhà hát TPHCM đến ga Ba Son. Công trình xây dựng ga Nhà hát TPHCM có chiều dài 190m, rộng 26m gồm 4 tầng (2 tầng chờ khách và 2 tầng ke ga) với chiều sâu 40m, thi công theo phương pháp top-down (thi công tường vây và cọc chống trước, sau đó đào đất và thi công sàn từ trên xuống) để giảm thiểu rủi ro lún sụt.

Năm 2015 dự án tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh lùi thời gian vận hành sang năm 2020, đây cũng là lần thứ 2 dự án xin lùi thời gian khai thác do chậm trễ giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành tích hợp các tuyến metro số: 1, 2, 3a, 4.

Ngày 4-6-2015 đốt dầm đầu tiên của tuyến metro số 1 được lắp đặt bằng công nghệ lắp ghép trên xa lộ Hà Nội (quận 2 - nay là TP Thủ Đức). Đây là loại dầm chữ U, do nhà thầu Systra (Pháp) thiết kế, thi công. Các đốt dầm có mặt cắt hình chữ U đã được đúc sẵn ở bãi đúc quận 9 cũ, vận chuyển ra công trường bằng xe chuyên dụng. 4.536 đốt dầm trên đoạn cầu cạn dài 14,5km qua xa lộ Hà Nội.

Tháng 9-2015 những trụ cầu cạn dọc xa lộ Hà Nội hoàn thành.

Ngày 17-11-2016 Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM khởi công xây dựng gói thầu 1A. Đây là gói thầu cuối cùng của tuyến metro số 1, gồm ga trung tâm Bến Thành và đoạn ngầm ga Nhà hát thành phố dài 515m. Nhà ga Bến Thành có quy mô 4 tầng ngầm, sâu nhất khoảng 30m. Tầng 1 là sảnh thu phí, văn phòng ga, phòng máy nhà ga. Tầng 2 là ke ga của tuyến số 1. Tầng 3 là sảnh thu phí dùng trung chuyển trong tương lai. Tầng còn lại là ke ga của các tuyến kết nối.

Tháng 9-2019 MAUR tiếp tục dời thời gian vận hành, khai thác từ năm 2020 sang quý IV-2021. Đây là lần thứ 3 dự án lùi mốc khai thác vì nhiều vấn đề liên quan thủ tục pháp lý như điều chỉnh tổng mức đầu tư, khả năng cân đối vốn và thay đổi thiết kế…

Tháng 10-2022 UBND TPHCM đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án đến cuối quý IV-2023. Nguyên nhân 3 gói thầu xây lắp chính gồm CP1a, CP1b và CP2 bị chậm tiến độ, gói thầu CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, toa xe, đường ray...) cũng bị chậm theo. Đây là lần thứ 4 kế hoạch hoàn thành và khai thác metro bị lùi lại.

Tháng 8-2023 tàu metro số 1 lần đầu chạy thử nghiệm trên toàn tuyến, dự án đạt 95% tổng khối lượng. Sự kiện đáng mong chờ này đánh dấu mốc đặc biệt sau 11 năm thi công dự án.

TPHCM tiếp tục kiến nghị điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án đến cuối quý 4-2024. Đây là lần thứ 5 kế hoạch hoàn thành và khai thác metro bị lùi lại, nguyên nhân chính được chủ đầu tư đưa ra do việc chậm thi công, nghiệm thu hoàn thành, cấp chứng nhận an toàn, đào tạo vận hành, bàn giao tài sản kết thúc dự án.

Tổng hợp: QUỐC HÙNG

QUỐC HÙNG - HOÀNG HÙNG - CHÍ HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hom-nay-tuyen-metro-so-1-chinh-thuc-van-hanh-post774268.html
Zalo