Hôm nay 26/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)
Ngày 26/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Quốc hội đã lựa chọn 2 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 9 thuộc 2 lĩnh vực là lĩnh vực tài chính và lĩnh vực giáo dục và đào tạo. (Nguồn: Quốc hội)
Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
* Trước đó, sáng 24/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Chia sẻ những tâm tư của người lao động, gửi gắm đến Quốc hội, dại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nói: “Chúng tôi, những người lao động với những suy nghĩ rất đơn giản, sống, làm việc, có gia đình và có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Dù chỉ đơn giản như thế nhưng là cả một ước mơ của chúng tôi.
Bởi, tiền lương thì không tăng nhưng giá nhà và giá tiêu dùng thì cứ tăng liên tục nên dù nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai nhưng với mức thu nhập chỉ trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, việc được tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội là điều ngoài tầm với”.
Cũng theo đại biểu, niềm hi vọng lớn nhất mà người lao động trông chờ là nghị quyết này được xây dựng thực chất, khả thi để họ có một nơi ở tươm tất với giá cả hợp lý.
Người lao động tha thiết kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung các cơ chế hỗ trợ như trợ giá, bù giá từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ nhà ở quốc gia đảm bảo giá nhà, giá thuê tương xứng với thu nhập thực tế của người lao động, đồng thời cần bảo đảm công khai, minh bạch trong phân bổ, xét duyệt để người lao động có cơ hội công bằng tiếp cận nhà ở xã hội.
Dẫn số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh) cho biết, có hơn 1,2 triệu công nhân làm việc xa quê không có nơi ở ổn định do vướng quy định về hộ khẩu.
Trong khi đó, nhiều địa phương lại chỉ ưu tiên công nhân khu công nghiệp mà bỏ sót giáo viên, y, bác sĩ làm việc ở vùng sâu, vùng xa.
Từ đó, đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được thuê nhà ở xã hội bao gồm đội ngũ giáo viên mới ra trường, bác sĩ trẻ, cán bộ công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
* Quốc hội đã lựa chọn 2 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 9 thuộc 2 lĩnh vực là lĩnh vực tài chính và lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Theo chương trình, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 1,5 ngày (từ ngày 19/6 đến hết buổi sáng ngày 20/6). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ chủ trì, điều hành phiên chất vấn.
