Chủ tịch UBND tỉnh bị kiện nhưng không đến tòa, khắc phục ra sao?

Bất cập được đại biểu Quốc hội chỉ ra rằng, trước đây, chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho trưởng hoặc phó phòng, nhưng theo điều 60 của Luật Tố tụng hành chính, chỉ được phép ủy quyền cho phó chủ tịch UBND. Trong khi đó, phó chủ tịch khó tham gia đầy đủ các phiên tòa dẫn đến án không giải quyết được.

Sáng nay (26/5), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tại tờ trình trước đó, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, trên cơ sở mô hình tổ chức tòa án nhân dân 3 cấp, dự thảo luật sửa 5 luật này điều chỉnh tăng thẩm quyền của tòa án nhân dân khu vực.

Hôm nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về dự án 1 luật sửa 5 luật. Ảnh: Như Ý.

Hôm nay, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về dự án 1 luật sửa 5 luật. Ảnh: Như Ý.

Cụ thể, tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định.

Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.

Lần sửa đổi này cũng bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh…

Trước đó, dự án luật sửa đổi này cũng đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 12/5.

Tại phiên thảo luận ở tổ Hà Nội, nguyên Chánh án TAND thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính, nêu số liệu tổng kết năm 2024 của Tòa án nhân dân Tối cao, cho thấy cả nước thụ lý hơn 13.000 vụ án hành chính, trong đó hơn 11.000 vụ kiện chủ tịch UBND tỉnh và quận, huyện, nhưng chỉ giải quyết được hơn 8.000 vụ.

Theo ông Chính, thực tế chỉ có hơn 1.000 trường hợp người bị kiện tham gia phiên tòa, hơn 900 vụ không có sự tham gia của người bị kiện mà phần lớn người bị kiện là chủ tịch UBND.

Nguyên Chánh án TAND thành phố Hà Nội nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như việc cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, khiến tòa án chậm giải quyết hoặc không thể giải quyết vụ án.

Đáng lưu ý, điều 60 của Luật Tố tụng hành chính cũng còn bất cập. Trước đây, chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho trưởng hoặc phó phòng, nhưng theo điều 60 thì chỉ được phép ủy quyền cho phó chủ tịch UBND. Trong khi đó, phó chủ tịch khó tham gia đầy đủ các phiên tòa dẫn đến án không giải quyết được.

Theo ông Chính, đây là điểm bất cập rất lớn, cần phải sửa đổi luật để khắc phục. Ông Chính đề nghị sửa đổi thêm một số điều trong Luật Tố tụng hành chính, để bảo đảm hoạt động tố tụng hiệu quả, khắc phục các khó khăn, bảo vệ đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người dân.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-ubnd-tinh-bi-kien-nhung-khong-den-toa-khac-phuc-ra-sao-post1745432.tpo
Zalo