Các địa phương phía bắc của tỉnh: Hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển

Công nghiệp phát triển góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội các địa phương phía bắc của tỉnh. Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng di dời công nghiệp từ các địa phương phía nam lên phía bắc của tỉnh, mở rộng không gian phát triển, xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu phát triển tỉnh nhà trong giai đoạn mới.

Tăng sức hút mới

Trong số các huyện phía bắc của tỉnh, Bàu Bàng được cho là địa phương có nhiều thuận lợi nhất để phát triển công nghiệp, bởi nằm ở vị trí gần như chính giữa và là cửa ngõ phía bắc của tỉnh. Đây cũng là địa phương được duyệt quy hoạch diện tích khu công nghiệp (KCN) tăng 6,2 lần so với diện tích KCN đang hoạt động. Ngoài KCN Bàu Bàng, KCN Bàu Bàng mở rộng, huyện còn có KCN Tân Bình, KCN Lai Hưng và KCN Cây Trường đang được đầu tư hạ tầng, sẵn sàng đón các nhà đầu tư. Cùng với đó, dự án KCN khoa học - công nghệ đang mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho địa phương.

Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển nhanh lĩnh vực công nghiệp. Trong ảnh: Hạ tầng đô thị, công nghiệp huyện Bàu Bàng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ảnh: NGỌC THANH

Với vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, thông thoáng, cùng những cơ chế, chính sách ưu đãi, các KCN tại huyện Bàu Bàng vẫn đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Hiện nhiều nhà đầu tư tiếp tục đầu tư dây chuyền máy móc mới, hiện đại hơn, mở rộng nhà xưởng sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, điển hình như Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, Tập đoàn Kolon, Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam), Công ty TNHH Giant Manufacturing Việt Nam…

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực phía bắc của tỉnh (Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên) hình thành các KCN thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mạng lưới dịch vụ hoàn thiện, hấp dẫn đầu tư, bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.

Ông Võ Thành Giàu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết địa phương tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại gắn với phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Huyện Bàu Bàng đã và đang triển khai phát triển thêm KCN Bàu Bàng mở rộng 1.000 ha (phần thuộc địa bàn huyện là 892,2 ha), KCN Tân Bình 352,5 ha (phần thuộc địa bàn huyện là 95,18 ha), KCN Cây Trường (700 ha), KCN Lai Hưng (600 ha). Tổng diện tích đất công nghiệp phát triển thêm là 1.687,38 ha.

Đáng chú ý, theo quy hoạch KCN Cây Trường là KCN đa ngành, thu hút đầu tư theo định hướng phát triển của tỉnh. KCN Cây Trường có tổng vốn đầu tư hơn 5.459 tỷ đồng do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư. KCN này hứa hẹn tạo thêm động lực để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại huyện Bàu Bàng trong giai đoạn tới.

Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc của tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Tam Lập 1 (huyện Phú Giáo). Ảnh: TIẾN HẠNH

Mở rộng không gian phát triển

Với định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) đến năm 2030, huyện Phú Giáo đã được phê duyệt quy hoạch 5 CCN gồm Tam Lập 1, Tam Lập 2, Tam Lập 3, Tam Lập 4 và Phước Hòa với tổng diện tích hơn 307 ha. Đến nay, CCN Tam Lập 1 với diện tích hơn 68 ha được triển khai xây dựng và đã có nhà đầu tư thực hiện dự án. Các KCN, CCN trên địa bàn huyện đều tập trung trên trục đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, Phú Giáo - Đồng Phú, rất thuận lợi cho các nhà đầu tư, qua đó vừa góp phần giải quyết việc làm, vừa nâng cao mức sống của người dân địa phương.

Tại huyện Dầu Tiếng, trong giai đoạn 2021-2030 dự kiến quy hoạch thêm 12 CCN. Ngoài CCN Thanh An với tổng diện tích 47,56 ha đang hoạt động hiệu quả, thời gian tới huyện sẽ quy hoạch tăng thêm 864 ha đất cao su làm CCN. Ông Mai Bá Trước, Bí thư Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết địa phương đang đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, tạo nền tảng thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, góp phần giảm tải cho các KCN, CCN phía nam của tỉnh. Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để sớm đưa vào thi công các tuyến đường kết nối với Bến Cát, Bàu Bàng, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh. Những tuyến đường này sau khi hoàn thiện sẽ là cầu nối quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với Dầu Tiếng.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH KyungBang Việt Nam (KCN Bàu Bàng)

Sau 3 năm triển khai thi công, tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đi lại, tiết giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu giao thương và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; tạo động lực và không gian phát triển mới. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hoàn thành không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa mà còn mở ra không gian phát triển mới cho các huyện phía bắc và cả tỉnh Bình Dương. Dự án là mắt xích quan trọng trong việc hoàn thiện trục mạng lưới giao thông của tỉnh Bình Dương và các địa phương lân cận…

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/cac-dia-phuong-phia-bac-cua-tinh-hoan-thien-ha-tang-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-a334028.html
Zalo