Hồi ức tiến về Sài Gòn ngày 30/4/1975 của nhà báo VOV
Cách đây tròn 50 năm, nhà báo Nguyễn Kim Trạch là một trong những thành viên của đoàn công tác Đài Tiếng nói Việt Nam rời Hà Nội vào chiến trường miền Nam, bám sát bước tiến của quân giải phóng và có mặt ở Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975.
Sau khi quân và dân ta giải phóng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định cử gấp một đoàn phóng viên vào chiến trường miền Nam. Nhà báo Nguyễn Kim Trạch là một thành viên trong đoàn, bên cạnh trưởng đoàn Nguyễn Văn Hối, phó đoàn Nguyễn Phương Nam, 1 lái xe và 3 nhân viên kỹ thuật.
“Chúng tôi là đoàn đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam đi vào chiến trường trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và đã vào tới Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch tự hào nhắc lại chuyến công tác cách đây 50 năm.

Nhà báo Nguyễn Kim Trạch
Nhiệm vụ của đoàn là phản ánh việc xây dựng chính quyền cách mạng, đời sống mới của nhân dân và sự đổi thay ở những vùng đất vừa được giải phóng, qua đó góp phần lan tỏa tình cảm và niềm vui của nhân dân cả nước.
“Quân ta giải phóng đến đâu thì mình tiến vào đến đấy, nhưng chúng tôi không tìm đến các đơn vị quân đội mà tìm đến những cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội để ghi nhận không khí sau giải phóng” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch hồi tưởng.
Phương tiện di chuyển của đoàn là chiếc xe tải Zil 130 được bọc sắt hoàn toàn, gọi là xe kỹ thuật. Trên xe có máy ghi âm, máy phát sóng. Tin bài hàng ngày được gửi về Hà Nội vào giờ quy ước, để phát trong chương trình Thời sự hoặc chương trình Thành thị miền Nam.
Chuyến đi mơ ước
Ngày 20/3/1975, nhà báo Nguyễn Kim Trạch và đoàn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam lên đường “đi B” (vào miền Nam công tác). Đó là chuyến đi mà nhà báo Nguyễn Kim Trạch đã ngóng chờ suốt 9 năm, kể từ khi rời ghế nhà trường năm 1966 về nhận công tác tại Ban Biên tập miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
“Tôi vẫn mong muốn đi B thực sự, chứ không chỉ viết bài phục vụ đấu tranh. Thế nên, khi có cơ hội đi B là mình đi ngay với tâm trạng háo hức” – Nhà báo Kim Trạch kể.

Từ trái qua phải: Nhà báo Nguyễn Kim Trạch, chiến sĩ đặc công, nhà báo Nguyễn Phương Nam, nhà báo Nguyễn Văn Hối tại căn cứ Hải quân Cam Ranh tháng 4/1975. (Ảnh: NVCC)
Rời Hà Nội, đoàn phóng viên theo quốc lộ 1 hướng vào miền Nam. Cùng thời điểm, chiến trường liên tiếp báo tin thắng lợi khiến tâm trạng các thành viên trong đoàn thêm phấn chấn.
“Chúng tôi theo sát đà thắng lợi của quân giải phóng, tiến vào các thành phố gần như đồng thời với bước quân đi hoặc chỉ sau vài giờ” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch nhớ lại.
Đoàn phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam lần lượt tiến vào Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang… ghi lại những âm thanh trung thực ở những vùng đất vừa giải phóng, phản ánh công việc ổn định đời sống nhân dân của chính quyền cách mạng, nghe các nhân chứng kể lại sự sụp đổ của chế độ VNCH.
Nhà báo Nguyễn Kim Trạch và các đồng nghiệp đã chứng kiến những căn cứ quân sự khét tiếng một thời của địch trở nên trống trơn, những con đường ngổn ngang quần áo và vũ khí mà lính VNCH vứt lại khi tháo chạy. Đoàn công tác của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng trải qua nguy hiểm cận kề, khi một trái lựu đạn phát nổ sát chiếc xe của đoàn.
Tới Nha Trang, đoàn công tác được Ủy ban quân quản thành phố cho mượn thêm một chiếc ô tô con để tiện di chuyển. Cũng ở thành phố biển này, nhà báo Nguyễn Kim Trạch đã viết một phóng sự đáng nhớ về những công nhân đã bảo vệ nhà máy điện và duy trì nguồn sáng cho Nha Trang trong những ngày đầu giải phóng – tác phẩm được gửi về Hà Nội ngay từ sân nhà máy điện Nha Trang.
Đoàn rời Nha Trang đúng lúc chiến dịch Phan Rang – Xuân Lộc đang diễn ra ác liệt, len qua những con đường chật cứng xe cộ, vừa đi vừa tác nghiệp, tiếp tục hành trình về phía Nam.
Tiến về Sài Gòn
Trưa ngày 30/4/1975, nhà báo Nguyễn Kim Trạch và các đồng nghiệp nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin chiến thắng khi đang ở Phan Thiết. Cả đoàn lập tức bỏ dở những việc đang làm, hối hả lên đường tiến về Sài Gòn giữa cái nắng như đổ lửa.

Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)
Chiếc xe kỹ thuật chở nhà báo Nguyễn Kim Trạch và nhóm kỹ thuật viên đi trước. Chiếc xe ô tô con chở trưởng đoàn Nguyễn Văn Hối và phó đoàn Nguyễn Phương Nam theo sau. Đoàn cứ theo quốc lộ 1 mà đi.
“Đường đi hầu như ách tắc. Dòng người từ miền Trung ùa vào Sài Gòn. Ngược lại, đủ loại phương tiện từ Sài Gòn chạy ra miền Trung” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch kể.
Lực lượng quân giải phóng, du kích, tự vệ địa phương cố gắng giải tỏa ách tắc và duy trì những luồng di chuyển có trật tự, không can thiệp hướng đi của bất kỳ ai.
“Tôi nhớ mãi ấn tượng về dòng người và những luồng xe cộ trên con đường tiến về Sài Gòn hôm ấy” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch cho hay.
Tới thị xã Xuân Lộc, đoàn phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam gặp điểm ùn tắc nghiêm trọng, phải mất rất nhiều thời gian mới vượt qua đoạn đường kẹt cứng xe cộ.
Bảy giờ tối 30/4/1975, nhà báo Nguyễn Kim Trạch và đoàn phóng Đài Tiếng nói Việt Nam tới được Đài Phát thanh Sài Gòn và bắt tay chuẩn bị cho công việc phản ánh không khí Sài Gòn mới giải phóng.
Chiếc xe kỹ thuật được đưa tới gửi tại sân Đài Tiếng nói tự do ở số 7 Hồng Thập Tự (nay là số 7 Nguyễn Thị Minh Khai). Từ nơi được mệnh danh là “cái loa tâm lý chiến” của Mỹ ngụy, đoàn phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã gửi về Hà Nội những tác phẩm phản ánh bầu không khí Sài Gòn trong những ngày đầu giải phóng.
“Hàng ngày, chúng tôi hăm hở đọc các bài viết của mình kèm theo những âm thanh ghi được và gửi về Hà Nội bằng hệ thống trang thiết bị trên xe kỹ thuật. Sau khoảng 1 tuần, chúng tôi được Đài Giải phóng giúp việc phát bài qua làn sóng của Đài” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch nhớ lại guồng quay công việc khi đất nước vừa thống nhất.
Những ký ức không thể quên
Có mặt ở Sài Gòn vào thời điểm lịch sử, nhà báo Kim Trạch và các phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh sự kiện hàng vạn đồng bào tới Dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng vào sáng 1/5/1975 và tường thuật buổi lễ ra mắt của Ủy ban quân quản thành phố ngày 7/5/1975. Sài Gòn và các vùng mới giải phóng không có cuộc “tắm máu” nào như địch từng rêu rao.

Cuộc mít-tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn ngày 7/5/1975. (Ảnh: TTXVN)
Cùng chiếc máy ghi âm cũ, nặng tới 5kg, nhà báo Nguyễn Kim Trạch đã thể hiện hàng loạt đề tài với những phóng sự như: Trí thức Sài Gòn trong bình minh giải phóng, Sức sống mới của Sài Gòn, Sài Gòn bề mặt và bề sâu, Những ngày không thể quên của công nhân hãng Exxon và Shell… Ông cũng chứng kiến cảnh tàu Sông Hương chở gạo từ miền Bắc vào cứu đói cho đồng bào miền Nam, cảnh những chiến sĩ cách mạng từ nhà tù Côn Đảo trở về đất liền, cảnh những cán bộ giải phóng bận rộn giải quyết công ăn việc làm cho công nhân ở trụ sở công đoàn thành phố.
Nhà báo Nguyễn Kim Trạch không thể quên những vấn đề xã hội nhức nhối mà chế độ VNCH để lại ở Sài Gòn, một Sài Gòn với hai bộ mặt đối nghịch nhau: đời sống ngột ngạt trong những khu lao động ẩn sau những dãy phố hào nhoáng.
Ông cho rằng, chỉ nhìn vào những tòa nhà có thang máy và điều hòa thì chưa đủ để phản ánh Sài Gòn, mà người làm báo phải đi vào những con hẻm chật chội và nóng bức, đến thăm các gia đình lao động mới thấy được thực chất cuộc sống của phần đông đồng bào Sài Gòn dưới chế độ cũ.
Ông cho biết, thời gian công tác ở Ban Biên tập miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1966 đến 1975 đã giúp ông có nền tảng để tác nghiệp năng suất và hiệu quả ở Sài Gòn những ngày mới giải phóng.
“Trong 9 năm công tác ở Ban Biên tập miền Nam, tôi đã nắm được những vấn đề của thành thị miền Nam, nhớ tên những nhân vật đáng chú ý, biết những tổ chức cần quan tâm và xác định được những mảng đề tài phù hợp với nhiệm vụ” – Nhà báo Nguyễn Kim Trạch cho biết.
Những hình ảnh, âm thanh sống động về một Sài Gòn giải phóng được nhà báo Nguyễn Kim Trạch gửi về Hà Nội được những biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam ghi lại để phát sóng kịp thời trong các chương trình Thời sự, Thành thị miền Nam cùng nhiều chương trình khác.
Và niềm vui lớn nhất của nhà báo Nguyễn Kim Trạch trong những ngày ở Sài Gòn chính là mở radio lên, nghe được những bài viết mình thực hiện trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyến công tác của nhà báo Kim Trạch và đồng nghiệp khép lại vào cuối tháng 5/1975. Tới tháng 8/1975, ông chuyển từ Ban Biên tập miền Nam sang Ban biên tập Vô tuyến truyền hình (sau này là Đài Truyền hình Việt Nam). Trước khi nghỉ hưu, nhà báo Kim Trạch từng là Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình, Giám đốc Trung tâm Khai thác bản quyền và trao đổi chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam.