Hồi ức của vợ chồng nhà sử học Đức về những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam

Số 95 của tạp chí Thế giới trẻ (Junge Welt - Đức) xuất bản ngày 23/4 đã đăng bút ký của nhà báo, nhà sử học người Đức, Gerhard Feldbauer, cùng vợ, phóng viên ảnh Irene Feldbauer, về hồi ức những năm tháng chiến tranh ở Việt Nam mà hai người đã cùng trải qua. Dưới tiêu đề 'Một đất nước bất khuất', tác giả đã hồi tưởng lại những ký ức sống động về miền Bắc Việt Nam bất khuất dưới làn mưa bom đạn Mỹ.

Nhà báo Gerhard Feldbauer trong một cuộc phỏng vấn với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Nhà báo Gerhard Feldbauer trong một cuộc phỏng vấn với nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Sau đây Báo Tin tức và Dân tộc xin giới thiệu nội dung bài viết:

Tối ngày 31/7/1967, chúng tôi bay đến Hà Nội, nơi tôi và Irene bắt đầu nhiệm vụ đầu tiên với tư cách là phóng viên của hãng thông tấn ADN và Neues Deutschland. Khi chúng tôi vượt qua biên giới, đèn trên chiếc máy bay Il-14 của Hãng hàng không Trung Quốc tắt ngúm. Đèn pha phòng không quét dọc ngang bầu trời và máy bay chiến đấu MIG hộ tống chuyến bay.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, bóng tối của các tòa nhà trong sân bay nhắc nhở rằng chúng tôi đang đến một đất nước bị chiến tranh tàn phá, một miền Bắc Việt Nam đang chịu mưa bom của Mỹ.

Chúng tôi đã vô số lần chứng kiến những cuộc không kích man rợ, phá hủy các khu dân cư, bệnh viện, trường học và doanh nghiệp, nhà thờ và chùa chiền, đường sá và cầu cống, hệ thống thủy lợi. Chúng tôi nhìn thấy quần áo đẫm máu, sách vở bị rách nát, giường bệnh nhô ra từ đống đổ nát, người bị thương, tay chân bị đứt lìa, rất nhiều người chết, nạn nhân là dân thường, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người già. Một nỗi đau khổ khó có thể diễn tả được.

Gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chúng tôi cũng thấy được ý chí bất khuất của người dân Việt Nam bảo vệ tự do, độc lập, giành được bằng những hy sinh không kể xiết, chứng kiến thất bại của cuộc không kích của Mỹ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và bước ngoặt chiến lược của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân mùa Xuân năm 1968.

Chúng tôi rất may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vài lần, không chỉ là những cuộc gặp gỡ chung mà còn được tiếp xúc trực tiếp với ông và trải nghiệm theo cách khó quên sức hút gần như có một không hai của nhân vật hấp dẫn này.

Chúng tôi cũng được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 19/12/1967. Khi Irene đang chụp ảnh ông trên sân khấu, ông đã gọi cô lại và trò chuyện về công việc đưa tin của cô.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiện diện trong nhiều cuộc gặp gỡ của chúng tôi với người dân Việt Nam, và ngay cả sau khi mất, ông vẫn sống mãi trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Di chúc của ông viết vào tháng 5/1969 thấm đẫm tình yêu thương dành cho đồng bào và niềm tin chắc chắn rằng Việt Nam sẽ giành được chiến thắng.

Người ta cũng có thể nói rằng tố chất lãnh đạo xuất chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được bộc lộ rõ nét sau khi ông qua đời. Khi ông mất vào tháng 9/1969 trong cuộc chiến tranh giải phóng đầy gian khổ chống lại quân xâm lược Mỹ và chế độ bù nhìn Nam Việt Nam, ông không để lại một khoảng trống như kẻ thù của ông đã suy đoán, mà thay vào đó là một đảng dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, với một tập thể lãnh đạo mạnh mẽ, một dân tộc được truyền cảm hứng từ ý chí giành độc lập của đảng, những người tiếp nối sự nghiệp của ông.

Việt Nam đã chiến thắng sức mạnh quân sự của Mỹ, quốc gia mạnh nhất ở phương Tây, nước đã thế chân thực dân Pháp tiến hành một cuộc chiến tranh hủy diệt tàn bạo ở Việt Nam từ năm 1955.

Sự hỗ trợ đáng kể của các nước xã hội chủ nghĩa, bao gồm vũ khí thông thường hiện đại từ Liên Xô cũ và nhu yếu phẩm từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cùng sự đoàn kết của nhân dân và lực lượng gìn giữ hòa bình toàn thế giới, kể cả ở Mỹ, là nền tảng quan trọng cho chiến thắng của Việt Nam.

Mặc dù vậy, điều kiện quyết định cuối cùng để những yếu tố này phát huy hiệu quả chính là ý chí phản kháng không gì lay chuyển được của nhân dân Việt Nam, bắt nguồn từ truyền thống kháng chiến chống thực dân mà Đảng Cộng sản, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã xây dựng và củng cố.

Chúng tôi có ấn tượng đầu tiên về điều này ngay sau khi đến Việt Nam vào giữa tháng 8 trong đợt tấn công dữ dội vào Hà Nội kéo dài gần ba tuần. Vào khoảng 12 giờ trưa, khi chúng tôi còn cách cầu Long Biên vài trăm mét thì máy bay chiến đấu F-105 Thunderchief tấn công cầu bảy đợt.

Chúng tôi tận mắt chứng kiến hỏa lực phòng không cực kỳ dữ dội từ súng phòng không và tên lửa đất đối không. Máy bay F-105 thả bom từ độ cao vài nghìn mét. Lúc đó, chúng tôi đang đứng cùng bốn, năm người Việt Nam, họ ra hiệu cho chúng tôi tìm nơi ẩn nấp. Đối với họ, đây là cuộc sống thường ngày trong thời chiến, và ở họ toát lên sự bình tĩnh lạ thường giúp chúng tôi, lúc đó cũng như sau này, đối phó với những tình huống hiểm nghèo tương tự.

Chúng tôi nấp sau một kè đất cao khoảng một mét rưỡi, được dựng lên trước các ngôi nhà để tạo thành một bức tường bảo vệ chống lại mảnh bom.

Một người đàn ông Việt Nam lớn tuổi đặt tay lên vai tôi một cách thân thiện, nụ cười của ông như muốn nói: "Đừng lo, chúng tôi sẽ trụ vững". Mỗi khi một đợt máy bay F-105 mới tiến đến và ném bom xuống phía trước, chúng tôi lại chúi xuống tránh. Cầu Long Biên không bị trúng bom ngày hôm đó. Hệ thống phòng không đã ngăn chặn được các đợt tấn công.

Vào giữa tháng 10, chúng tôi lại trải qua các cuộc tấn công cả ngày lẫn đêm trong suốt một tuần tại thành phố cảng Hải Phòng bởi các tàu sân bay di chuyển trên Vịnh Bắc Bộ. Tại khu dân cư Đông Hải, 55 tòa nhà dân đã bị phá hủy, toàn bộ các dãy nhà chỉ còn là đống đổ nát. Tại quận Hồng Bàng, bệnh viện bị hư hại nghiêm trọng, trong đó có cả Khoa Nghiên cứu Dược lý và Khoa Nhi. Tính đến tháng 10/1967, tổng cộng có 74 bệnh viện đã bị phá hủy trên khắp miền Bắc Việt Nam.

Phòng không thành công

Nhà báo Gerhard Feldbauer và vợ, phóng viên ảnh Irene Feldbauer, đưa tin tại Việt Nam. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Nhà báo Gerhard Feldbauer và vợ, phóng viên ảnh Irene Feldbauer, đưa tin tại Việt Nam. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp

Trở lại Hà Nội, chúng tôi được biết rằng 15 phi công Mỹ đã bị bắt trong những ngày trước đó, sau khi máy bay của họ bị bắn hạ, bao gồm cả phi công hải quân John Sidney McCain vào ngày 26/10. Sĩ quan nổi tiếng và sau này là Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, đã qua đời năm 2018 - người có ông nội từng chỉ huy các tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai, và cha cũng là chỉ huy hạm đội Mỹ ở châu Âu – đã thừa nhận rằng hỏa lực phòng không Việt Nam "rất dày đặc và rất chính xác", đặc biệt là trên bầu trời Hà Nội.

Lúc đó, Không quân Mỹ đã mất trên 10% số máy bay. Đại tá Robinson Risner, một phi công chiến đấu xuất sắc trong Chiến tranh Triều Tiên, bị bắt sau khi bị bắn rơi vào ngày 16/9/1965, tuyên bố rằng Bắc Việt đã bắn hạ 5 trong số 18 chiếc Thunderchief của phi đội ông trong một cuộc tấn công. Lãnh sự Anh cũng từng nói với tôi rằng, so với số lượng máy bay bị Không quân Hoàng gia Anh tiêu diệt trong Trận chiến nước Anh, thì đây là những kết quả ấn tượng.

Vào mùa Xuân năm 1968, trên đường đi về phía Nam, chúng tôi đến sông Lam gần thành phố Vinh vào ban đêm và phải đợi người ta mở một cây cầu tạm. Vì có nhiều xe bồn ở phía trước nên chúng tôi quyết định quay lại. Mới đi được chưa đầy 1 km thì đường bị đánh bom. Chúng tôi nhìn thấy một biển lửa khổng lồ và biết rằng có rất nhiều người đã chết ở đó.

Chúng tôi nghỉ đêm bên Quốc lộ 1, trong một ngôi làng nhỏ, nơi người dân đã dựng một số túp lều tre đơn sơ thay thế cho những ngôi nhà kiên cố phần lớn đã bị phá hủy. Vào cuối buổi chiều, khi chúng tôi đang chất số hành lý ít ỏi của mình lên chiếc xe jeep thì ngôi làng bị tấn công. Máy bay bay thấp đến mức chúng tôi có thể nhìn thấy đầu phi công trong buồng lái.

Bom nổ và tên lửa bắn khắp nơi xung quanh chúng tôi. Chúng tôi chỉ có một ý định duy nhất: Ghi lại cảnh phạm tội này bằng máy ảnh nhưng những người bạn đồng hành người Việt của chúng tôi, như thường lệ, đã trở thành cứu tinh. Họ lôi chúng tôi lên xe và phóng đi, bỏ lại ngôi làng phía sau trong một trận mưa bom.

Vì không thể buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu hàng, đặc biệt là nhờ sự hỗ trợ quân sự của Liên Xô cũ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, rồi lại đối mặt với làn sóng phản đối trong nước, Washington đã phải tuyên bố ngừng không kích vô điều kiện vào ngày 1/11/1968. Đến thời điểm đó, lực lượng phòng không miền Bắc Việt Nam đã bắn hạ 3.243 máy bay và trực thăng của Mỹ.

Ông Gerhard Feldbauer và vợ, phóng viên ảnh Irene Feldbauer, từng làm phóng viên thường trú của hãng thông tấn CHDC Đức ADN và Neues Deutschland tại Việt Nam từ năm 1967 đến năm 1970. Ông có bằng Tiến sĩ Lịch sử Việt Nam và đã xuất bản cuốn sách "Sieg in Saigon. Erinnerungen an Vietnam" (Chiến thắng ở Sài Gòn. Ký ức về Việt Nam) cùng tác giả Pahl-Rugenstein, năm 2006.

Thu Hằng (P/v TTXVN tại Đức)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hoi-uc-cua-vo-chong-nha-su-hoc-duc-ve-nhung-nam-thang-chien-tranh-o-viet-nam-20250425094054896.htm
Zalo