Hội thảo toàn quốc về Đề án 'Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế'
Chiều 22/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tổ chức Hội thảo toàn quốc về Đề án “Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL chủ trì hội thảo.

Đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nam Định.
Dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Nam Định có đồng chí: Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các sở, ngành của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc nâng cao vị thế đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào phát triển văn hóa nhân loại và công cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam hóa văn hóa quốc tế góp phần tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo môi trường hòa bình và tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế. Mục tiêu của Đề án nhằm chiếm lĩnh đỉnh cao mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các tác phẩm đẳng cấp thế giới; hình thành các sản phẩm, thương hiệu văn hóa chất lượng, có năng lực cạnh tranh toàn cầu, tiếp cận thị trường quốc tế, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ văn hóa ra nước ngoài; xây dựng Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tầm cỡ quốc tế; xây dựng văn hóa số phù hợp với kinh tế số, xã hội số và công dân số. Đề án đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm, sáng kiến đột phá theo hai cấp độ: lý luận và triển khai thực hiện trên 12 lĩnh vực: điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; nghệ thuật biểu diễn; di sản; du lịch; quyền tác giả, quyền liên quan; đào tạo văn hóa, nghệ thuật; thể thao; thư viện; thời trang; ẩm thực; văn học. Đề án đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đầu tư và huy động nguồn lực; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đổi mới nội dung, hình thức; mở rộng hợp tác quốc tế.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhằm đánh giá thực trạng và nhận diện cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa Việt Nam hiện nay; làm sâu sắc thêm nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn hóa Việt Nam đối với nền văn minh của nhân loại - vừa là cầu nối hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Đồng thời khẳng định giá trị quan trọng của quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế luôn song hành, bổ trợ tích cực cho nhau, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường sức mạnh mềm, vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hiện thực hóa khát vọng vươn mình của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.