Hội thảo phát triển bền vững Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Chiều 26/12, tại thành phố Gia Nghĩa, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh với chủ đề: Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững.
Hội thảo đặt ra ba mục tiêu chính là: thảo luận mối quan hệ giữa công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và các mục tiêu phát triển bền vững; đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng và mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của Công viên địa chất như một lớp học ngoài trời, phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO (2004-2024), đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Công viên địa chất trong thúc đẩy sự phát triển bền vững
Đến nay, Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã có 213 công viên ở 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một hành trình đầy tự hào, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản địa chất, giáo dục cộng đồng và phát triển bền vững. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tự hào là một trong những thành viên của mạng lưới với những giá trị độc đáo về địa chất, văn hóa và hệ sinh thái. Việc UNESCO tái công nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông" giai đoạn 2024-2027 là sự ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của tỉnh, là động lực để địa phương tiếp tục hành trình phát triển bền vững, gắn kết các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên với sự bền vững của cộng đồng.
Hội thảo sẽ là một diễn đàn quý giá để chia sẻ tri thức, sáng kiến và tầm nhìn. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng cùng nhau xây dựng công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trở thành một mô hình tiêu biểu trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước.
Thảo luận tại hội thảo, Vụ trưởng Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao) Lê Thị Hồng Vân đánh giá cao việc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức hội thảo khoa học về công viên địa chất toàn cầu. Đặc biệt, đây là dịp để mở rộng kết nối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, nhất là các trường đại học, các viện nghiên cứu nhằm khai thác tối đa tiềm năng của công viên địa chất, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục, hướng tới xây dựng một cộng đồng trẻ có trách nhiệm và ý thức sâu sắc về vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản một cách bền vững.
Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Đỗ Thị Yến Ngọc đã trình bày tham luận với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO với các mục tiêu phát triển bền vững”. Nội dung bài tham luận nhấn mạnh vai trò quan trọng của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO trong việc bảo tồn di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Tập trung làm rõ sự gắn kết giữa các công viên địa chất với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, đặc biệt ở các lĩnh vực như giáo dục cộng đồng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.
Bà Đỗ Thị Yến Ngọc nhấn mạnh, Công viên địa chất toàn cầu là biểu tượng của sự bảo tồn, là động lực thúc đẩy các địa phương phát triển toàn diện, cân bằng giữa thiên nhiên và con người, từ đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới di sản toàn cầu.
Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Thùy cho rằng, công viên địa chất UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản thiên nhiên quý báu mà còn là một "phòng thí nghiệm tự nhiên khổng lồ", chứa đựng những giá trị khoa học, giáo dục và tiềm năng phát triển to lớn. Đây là môi trường lý tưởng để thế hệ trẻ học hỏi, nghiên cứu và tham gia vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản địa phương. Từng có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu, ông Thùy sẵn sàng đóng góp tích cực thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, đánh giá đa dạng sinh học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức các khóa tập huấn thực tiễn cho cán bộ và cộng đồng địa phương. Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác quốc tế và học hỏi từ các mô hình bảo tồn thành công ở nước ngoài cũng là trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn.
Cũng theo ông Thùy, vai trò của việc xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn, như câu lạc bộ bảo vệ môi trường hay các tổ hợp tác sản xuất bền vững. Ông cũng kêu gọi sự liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư để triển khai những dự án bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái. Theo ông, với sự chung tay của các bên liên quan, công viên địa chất UNESCO Đắk Nông sẽ không chỉ bảo vệ được các giá trị di sản mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương.