Hội thảo lấy ý kiến dự thảo nghị định về bảo vệ công trình điện lực
Hội thảo góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Chiều 30/12, tại Hà Nội, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) tổ chức Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Sự kiện diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, đồng thời kết nối trực tuyến với các công ty điện lực tỉnh và các tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Tham dự trực tiếp hội thảo có Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định cùng đại diện các bộ, ngành, tổ chức liên quan và các chuyên gia trong lĩnh vực điện lực. Đại diện Sở Công Thương các tỉnh cũng tham gia tại các điểm cầu trực tuyến.
Trước đó, ngày 19/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1610/QĐ-TTg, giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng 7 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực, trong đó, có Nghị định về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực. Việc xây dựng và ban hành nghị định này được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhằm đảm bảo nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý.
Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định được thành lập theo Quyết định số 3286/QĐ-BCT ngày 13/12/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, với 30 thành viên đến từ các Bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, cùng các tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các tổng công ty điện lực.
Ngày 16/12/2024, Bộ Công Thương đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện lực.
Quá trình soạn thảo Dự thảo Nghị định được thực hiện theo quy định pháp luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bảo đảm nội dung đúng theo quan điểm xây dựng Nghị định.
Theo Bộ Công Thương, việc bảo vệ công trình điện lực và đảm bảo an toàn điện đang được điều chỉnh bởi Luật Điện lực năm 2004, Luật Điện lực sửa đổi năm 2012 và các nghị định chi tiết như Nghị định 14/2014/NĐ-CP và Nghị định 51/2020/NĐ-CP. Thực tiễn triển khai cho thấy, hệ thống điện quốc gia đã đạt nhiều tiến bộ, song vẫn tồn tại những bất cập về thể chế và chính sách cần được giải quyết. Các vấn đề liên quan đến an toàn công trình nguồn điện nhất là điện gió, điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực; an toàn sử dụng điện; quản lý an toàn đối với công trình thủy điện.
Theo Bộ Công Thương, triển khai nhiệm vụ trên, Bộ nhất quán quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định phải bám sát quan điểm, nguyên tắc trong Luật Điện lực và nội dung các điều, khoản Luật giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành, bảo đảm phù hợp với quy định của luật và pháp luật khác có liên quan.
Kế thừa các quy định của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP còn phù hợp với thực tiễn.
Những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục bảo đảm nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chặt chẽ, công khai, minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số, Chính phủ điện tử.
Các quy định của dự thảo Nghị định phải cụ thể, chi tiết, khả thi thống nhất, tránh tình trạng phải có nhiều văn bản hướng dẫn và phải bảo đảm hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật Điện lực.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật…