Gạo 'tuột giá', thương nhân bán tháo: Cấp thiết xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho hạt gạo

Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện nhiều điểm bán gạo 'xả hàng' với giá giảm mạnh tới 200.000 đồng/bao. Lo ngại giá gạo rớt thảm và khó tăng trở lại, nên thương nhân vội vã bán xả hàng, vì... càng trữ càng lỗ. Chưa bao giờ câu chuyện xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho hạt gạo lại trở nên cấp thiết như giai đoạn này.

Theo chia sẻ của nhiều trang thông tin, cho thấy gần một tuần qua trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xuất hiện khá nhiều điểm bán gạo “xả hàng”, như thị xã Cai Lậy (huyện Cai Lậy), huyện Cái Bè,...

Trên tỉnh lộ 868 - đoạn qua khu vực tập trung nhiều nhà máy xay xát ở phường 3, thị xã Cai Lậy, nhộn nhịp cảnh người dân đến mua gạo giá rẻ. Hai bên đường, hàng chục điểm tập kết gạo của thương lái treo biển bán gạo sa mơ, gạo thơm giá 600.000-700.000 đồng một bao loại 50 kg, rẻ hơn 200.000-400.000 đồng so với giá thị trường.

Mỗi bao gạo trước đây bán giá sỉ hơn 800.000 đồng, hiện DN phải bán "xả hàng" với giá 600.000 đồng...

Mỗi bao gạo trước đây bán giá sỉ hơn 800.000 đồng, hiện DN phải bán "xả hàng" với giá 600.000 đồng...

Doanh nghiệp 'xả hàng', thua lỗ nặng

Ông Phạm Văn Thuần – một người mua gạo trên địa bàn chia sẻ: Dù nhà cách điểm bán khoảng 10 km, nhưng do giá gạo quá rẻ nên chúng tôi cùng thuê xe ba gác chở 20 bao về chia nhau, tính ra rẻ hơn bình thường đến 4 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Công (huyện Cai Lậy), cho hay hơn 10 năm làm thương lái cung cấp lúa gạo ở nhiều tỉnh miền Tây nhưng chưa có năm nào giá gạo thấp như thời gian qua.

Theo anh Công, nếu như năm trước thời điểm này đã bán xong gạo trong kho để ăn Tết thì năm nay gạo rớt giá, các vựa mua nhỏ giọt, hiện anh tồn khoảng 30 tấn gạo các loại.

Lo ngại gạo tồn kho, rớt giá, gần một tuần nay anh Công treo biển bán gạo lẻ cho người dân. Những ngày đầu người dân mua nhiều, có hôm anh bán khoảng hơn 10 tấn gạo, nhưng những ngày gần đây mỗi hôm cửa hàng chỉ bán được vài tấn.

"Thời điểm lúa có giá, mỗi bao gạo nở bán giá sỉ khoảng hơn 800.000 đồng, hiện phải bán lẻ với giá 600.000 đồng/bao", anh Công nói.

Tương tự, bà T, chủ doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tại xã An Cư, huyện Cái Bè chia sẻ: “Giá gạo sụt quá, ế quá thì phải bán xả hàng để nhập lúa mới vô vì lúa đang có giá thấp, rẻ hơn năm vừa rồi khá nhiều. Tôi bán ra cũng nhiều, thị trường mua nhiều, đợt trước lúa giá cao, gạo lên giá đột ngột luôn. Bây giờ gạo tuột giá mình bán ra chấp nhận lỗ vì càng trữ càng lỗ”.

Tiền Giang là địa phương có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn nhất ở khu vực ĐBSCL. Như thông lệ, cuối năm ngoái, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đều tăng cường tích trữ lúa gạo để phục vụ thị trường Tết cổ truyền. Nay, giá lúa gạo thị trường giảm sâu buộc doanh nghiệp phải bán xả hàng để thu mua hàng mới vào.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 500 doanh nghiệp chuyên kinh doanh xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu, trong đó khoảng 20 doanh nghiệp có quy mô lớn chế biến gạo xuất khẩu. Việc giá lúa gạo giảm sâu, đột biến đã làm cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này bị thua lỗ nặng. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn tiếp tục hoạt động dù thị trường lúa gạo còn khó khăn.

Xây dựng chuỗi giá trị bền vững, chậm nhưng chưa muộn?

Từ tháng 12/2024, giá gạo xuất khẩu bắt đầu đà giảm. Từ một nước tự tin với giá gạo đắt đỏ nhất thế giới vào tháng 11/2024, đến nay giá gạo của Việt Nam đã giảm xuống thấp nhất so với các nước xuất khẩu gạo mạnh trong khu vực.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 19/1, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 419 USD/tấn, xuống thấp hơn gạo của nhiều nước trong khu vực (Thái Lan: 460 USD/tấn; Ấn Độ: 433 USD/tấn; Pakistan: 477 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 395 USD/tấn và 326 USD/tấn.

“Giá gạo lao dốc là do Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm còn là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới” - Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA nói.

Để giải quyết tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ nhất đó là xây dựng cơ chế, tổ chức thể chế, làm thế nào để xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.

Theo chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, chỉ có cách duy nhất để hàng triệu nông dân kết nối với hàng vạn, hàng nghìn doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi ích đó là xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để làm được điều đó, việc đầu tiên là nông dân cần tổ chức lại với nhau, kết nối với nhau trong các hợp tác xã, trong các hội nông dân. Tiếp theo là các doanh nghiệp phải liên kết với nhau, từ doanh nghiệp chế biến đến doanh nghiệp xuất khẩu, đến doanh nghiệp đầu vào vật tư.

Cuối cùng là xây dựng nên đại diện ngành hàng, trong đó có đại diện của nhà nước, đại diện của nông dân, người sản xuất, người chế biến, người kinh doanh. Để từ đó cùng ra quyết định sản xuất bao nhiêu, nhắm vào thị trường nào, xuất khẩu với giá như thế nào. Tất cả phải được điều hành hướng đến lợi ích chung.

"Bây giờ mới tiến hành là quá chậm, nhưng chúng ta phải tổ chức lại hội đồng ngành hàng, xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo, cùng nhau kết bè vượt qua bão giá, vượt qua khó khăn", ông Sơn nhấn mạnh.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gao-tuot-gia-thuong-nhan-ban-thao-cap-thiet-xay-dung-chuoi-gia-tri-ben-vung-cho-hat-gao-1104695.html
Zalo