Hội thảo làm sáng tỏ hơn thân thế, cuộc đời, sự nghiệp Thái phó Tô Hiến Thành
Hội thảo 'Bảo tồn, phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa quê hương Đan Phượng và danh nhân Tô Hiến Thành' sẽ diễn ra vào ngày 19/2 tại Hà Nội.

Theo Ban tổ chức, hội thảo nhằm bổ sung, làm rõ về vùng cửa sông Nhuệ cổ; phân tích, đánh giá vị trí, quy mô, vai trò của thành cổ Ô Diên trong quá trình tồn tại ở thế kỷ thứ 6; tiếp tục bổ sung, làm rõ, sáng tỏ hơn thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Tô Hiến Thành.
Hội thảo cũng hướng tới đề xuất giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến Thành cổ Ô Diên, Nhà nước Vạn Xuân, danh nhân Tô Hiến Thành ở vùng đất Đan Phượng (Hà Nội). Cùng với đó là công tác tu bổ, tôn tạo di tích và định hướng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích; công tác lập và quy hoạch cụm di tích.

Tượng Thái phó Tô Hiến Thành tại đền Văn Hiến - nơi thờ danh nhân Tô Hiến Thành ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng.
Hội thảo được tổ chức làm cơ sở khoa học để huyện thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, quy hoạch và phát huy giá trị cụm di tích gắn với phát triển du lịch của huyện, để nơi đây thực sự trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Hà Nội.
Theo các nguồn sử liệu, Tô Hiến Thành sinh tại xóm Lẻ, hương Ô Diên (nay là Hạ Mỗ). Truyền thuyết kể rằng, đời vua Lý Thần Tông, vùng Hạ Mỗ là một làng đông dân, chia ra nhiều xóm. Ở nơi đây có vợ chồng Phủ doãn Tràng An là Tô Trung - Nguyễn Thị Đoan đến sống ở xóm Lẻ. Ông bà là người hiền lành, được bà con yêu mến, năm Nhâm Ngọ sinh được một bé trai đĩnh độ khác thường, đặt tên là Hiến Thành.

Đền Văn Hiến được lập trên vùng đất cố đô, bên hữu ngạn sông Nhuệ xưa.
Từ thuở nhỏ, Tô Hiến Thành được dạy dỗ, học văn học võ. Khi trưởng thành, ông hội đủ tài thao lược, nức tiếng gần xa. Tài đức của ông được vua Lý Anh Tông nghe biết, vời vào cung. Năm Mậu Ngọ 1138, nhân có khoa thi, ông xin ứng thí và đỗ cao, được nhà vua trọng dụng và giao cho những việc quan trọng
Do văn võ song toàn nên ông sớm được phong thái phó. Khi vua Lý Anh Tông sắp mất đã giao thái tử Long Cán cho ông phù trợ, ông được phong là Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, tước Thái úy. Ông được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính sự.
Tô Hiến Thành mất ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179), triều vua Lý Cao Tông. Khi nghe tin ông mất, vua bãi chầu bảy ngày, ăn chay ba ngày để tang ông và tỏ rõ niềm kính trọng đặc biệt đối với ông.
Công lao của Tô Hiến Thành không chỉ ở việc đánh dẹp phản giặc, đem lại bình yên cho đất nước, mà còn ở chỗ giỏi chính sự, trọng hiền tài. Sự cải cách về thi cử của ông đã tạo đà cho nhiều người lập thân.