Hội thảo khoa học 'Một số trận đánh điển hình của quân và dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1945 - 1975'

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 10/4, Bộ CHQS tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học 'Một số trận đánh điển hình của quân và dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1945 - 1975' .

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tham gia hội thảo có lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Bảo tàng tỉnh; các đồng chí nguyên Thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan và Chỉ huy các đơn vị. Đại tá Đinh Công Thanh, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.

Căn cứ Chỉ thị số 05 của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 về việc triển khai công tác khoa học quân sự năm 2024, thực hiện kế hoạch của Bộ CHQS tỉnh về việc thực hiện Đề tài nghiên cứu tổng kết các trận đánh điển hình của quân và dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1945-1975, Ban biên soạn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đề tài. Đến nay, Ban biên soạn đã hoàn thành bản thảo Đề tài nghiên cứu tổng kết các trận đánh điển hình của quân và dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 1945-1975.

Ban biên soạn đã sàng lọc, lựa chọn 27 trận đánh, chiến dịch điển hình, trong đó tính về thời gian: có 1 trận đánh quân Nhật, 1 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền; 15 trận đánh và 2 chiến dịch kháng chiến chống thực dân Pháp; 9 trận đánh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tính về không gian: có 26 trận đánh, chiến dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh, 1 trận do lực lượng du kích của tỉnh chiến đấu chi viện cho Miền Nam tại mặt trận Quảng Trị. Các trận đánh của quân và dân tỉnh Ninh Bình được tổng hợp dựa trên luận cứ khoa học, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu mưu trí sáng tạo của quân và dân tỉnh Ninh Bình.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận làm sáng tỏ bối cảnh diễn ra từng trận đánh về lực lượng, phương tiện; về địch, về ta và ý nghĩa của từng trận đánh; đồng thời cho ý kiến đảm bảo tính khoa học để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu bổ sung, chỉnh sửa, hoàn chỉnh báo cáo, làm cơ sở nghiệm thu và bàn giao đề tài. Trong quá trình sưu tầm, biên soạn, Ban biên soạn đã được các nhân chứng, các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện, giúp đỡ, kiểm định đánh giá chất lượng thông tin, cứ liệu lịch sử, đảm bảo tính khách quan, phù hợp với tiến trình lịch sử.

Kết quả của đề tài là tài liệu giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân và LLVT tỉnh, đồng thời là tài liệu học tập, rút kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện của LLVT tỉnh; làm cơ sở cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững mạnh.

Tin, ảnh: Hồng Nam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/de-tai-nghien-cuu-tong-ket-cac-tran-danh-dien-hinh-cua-quan-718082.htm
Zalo