Hội thảo bàn giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), Câu lạc bộ Trẻ em Việt Nam trên không gian mạng thuộc Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) vừa phối hợp tổ chức Hội thảo 'Đẩy mạnh hợp tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng'. Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2024. Tại Hội thảo, các chuyên gia về an toàn thông tin đã chỉ ra các mối nguy hại tác động tới trẻ từ internet trong bối cảnh hiện nay.
Hai hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhắm vào trẻ em
Cụ thể, khi trẻ tiếp cận thông tin không phù hợp như truy cập web “đen” có nội dung xấu, hay bị bạo lực mạng mà không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến tâm, sinh lý, sức khỏe thể chất và hành vi.
Còn có mối nguy hại bị phát tán rò rỉ, thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ; trẻ bị nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện internet... Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.
Nguy hại nữa mà các chuyên gia chỉ ra, đó là bị bắt nạt trực tuyến. Theo nghiên cứu của Microsoft, khoảng 51% người dùng mạng, trong đó 48% người trưởng thành và 54% thanh, thiếu niên cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt” trực tuyến; 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.
Theo các chuyên gia, những trẻ trong độ tuổi từ 10 - 14 sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất. Ngoài ra, trẻ còn bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo... ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã nhấn mạnh hai hình thức lừa đảo trực tuyến nhắm vào trẻ em phổ biến hiện nay.
Thứ nhất, các đối tượng lừa đảo tình cảm. Lợi dụng tình trạng nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ ngây thơ của trẻ, đặc biệt là trẻ đang tuổi lớn, trẻ thiếu tình thương của cha mẹ, kẻ lừa đảo tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa.
Trong các vụ lừa đảo này, trẻ không chỉ bị lừa, cướp tiền mà nhiều trường hợp còn bị xâm hại. Nhiều trẻ trải qua việc bị lừa đã bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý, mất niềm tin, sợ hãi người lớn... ảnh hưởng lâu dài cho tương lai các em.
Thứ hai, lừa đảo tài chính. Các đối tượng lừa đảo những người tìm việc “nhẹ dạ cả tin”, vẽ ra “một công việc như mơ”; lừa đảo nhận quà, nhận tiền từ nước ngoài (thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam); lừa đảo thông báo trúng thưởng một phần quà có giá trị lớn; lừa đảo vật phẩm hấp dẫn trong game (đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em truy cập link chứa thông tin độc hại để nhận được vật phẩm quý, hiếm trong game)…
Năm nhóm biện pháp
Các chuyên gia nhấn mạnh, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề cấp thiết hiện nay. Theo đó, có 5 nhóm biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà các chuyên gia đề xuất.
Đó là, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý; giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng; triển khai các biện pháp, giải pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP ngày 9/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin. Trong đó, có quy định trách nhiệm của DN trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, bao gồm cả thông tin xâm hại trẻ em; quy định về việc lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam, đặc biệt là thông tin của trẻ em.
Nghị định cũng quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, DN triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, DN cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước triển khai giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Nghị định cũng yêu cầu DN cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến phải có biện pháp bảo vệ trẻ em, như phân loại trò chơi theo độ tuổi, giới hạn thời gian chơi và cung cấp các công cụ kiểm soát của phụ huynh.
Chuyên gia Phan Thị Kim Liên (Tổ chức Tầm nhìn quốc tế tại Việt Nam - World Vision International Việt Nam) cho biết, trên internet, trẻ em là người dùng, đồng thời cũng là người tạo ra nội dung. Trẻ em có thể là người bị hại và cũng có thể là đối tượng gây hại, là đối tác của các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để các em nhận thức được những ảnh hưởng xấu trên mạng và có những hành động tự bảo vệ bản thân trên mạng.