Hồi sinh sông Tô Lịch: Từ dòng sông chết đến mạch sống mới của Thủ đô

Giữa lòng Thủ đô rực rỡ cờ hoa, sông Tô Lịch lặng lẽ 'chờ đợi' một cuộc hồi sinh. Không chỉ là làm sạch dòng nước ô nhiễm, Hà Nội đang ấp ủ khát vọng khôi phục 'phần hồn' của đô thị, nơi quá khứ, hiện tại và tương lai giao thoa bên dòng chảy lịch sử.

Công tác nạo vét bùn trên sông Tô Lịch đang được thực hiện khẩn trương.

Công tác nạo vét bùn trên sông Tô Lịch đang được thực hiện khẩn trương.

Sông Tô Lịch, chứng nhân lịch sử thăng trầm của Hà Nội, từng là dòng sông thơ mộng, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa và kinh tế của người dân. Thế nhưng, quá trình đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số đã biến dòng sông này thành một "kênh nước đen" giữa lòng Thủ đô. Mùi hôi thối, rác thải tràn lan, nước thải sinh hoạt xả thẳng ra sông đã khiến Tô Lịch mang tiếng xấu, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Liệu dòng sông mang nặng ký ức của Hà Nội có còn cơ hội hồi sinh? Câu hỏi ấy luôn khơi dậy trong lòng mỗi người con Hà Nội sự trăn trở và mong chờ.

Giấc mơ đang được ‘đánh thức’

Giờ đây, giấc mơ hồi sinh sông Tô Lịch không còn là ý tưởng mơ hồ. Hà Nội đang quyết liệt thúc đẩy việc lập quy hoạch phân khu sông Tô Lịch, trọng tâm là cải tạo, nạo vét, xử lý ô nhiễm và kiến tạo không gian đô thị hiện đại dọc hai bên bờ sông. UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng tốc tiến độ, không để lỡ nhịp cơ hội hồi sinh dòng sông lịch sử.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch phân khu sông Tô Lịch đang được triển khai theo hướng đồng bộ, từ xử lý nguồn nước, di dời hệ thống xả thải đến việc tạo dựng không gian công cộng ven sông và phát triển các tuyến giao thông kết nối đường thủy và bộ. Tô Lịch không chỉ là vấn đề về môi trường mà còn là một bài toán tổng thể về đô thị, mà Hà Nội phải giải. Và khi bài toán được đặt đúng, hy vọng lời giải sẽ xuất hiện.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, Hà Nội đã chính thức khởi động kế hoạch hồi sinh sông Tô Lịch bằng các giải pháp căn cơ, nổi bật là nạo vét bùn, thu gom nước thải và bổ cập nước sạch. Giai đoạn một của dự án tập trung vào đoạn sông dài 5km, từ đường Hoàng Quốc Việt đến ngã tư Sở. Khoảng 40.000 tấn bùn đất sẽ được nạo vét tại khu vực này. UBND TP đã giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hết tháng 4/2025 phải hoàn thành giai đoạn một. Hiện tại, đơn vị đã huy động tối đa nhân lực và máy móc thiết bị để kịp tiến độ và chất lượng của công trình.

Song song với nạo vét, việc thu gom triệt để nước thải từ 26 họng xả còn sót lại cũng được đẩy mạnh. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống cải tạo, nhằm đảm bảo khi bổ cập nước sạch thì không còn nguồn ô nhiễm trực tiếp đổ ra sông. TP Hà Nội đã công bố phương án bổ cập nước từ Hồ Tây và sông Hồng.

Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ lấy nước từ Hồ Tây thông qua cửa điều tiết Hồ Tây A và cống đõ mương Thụy Khuê, dự kiến hoàn thành trong tháng 8 năm nay. Đồng thời, Sở cũng đang nghiên cứu đề xuất dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, nhằm đảm bảo nguồn nước bổ sung ổn định và lâu dài.

Một hạng mục quan trọng khác là việc xây dựng đập dâng tại khu vực gần Cầu Quang, Thanh Trì. Theo các chuyên gia, khi nước thải đã được dẫn về nhà máy xử lý, nguồn ô nhiễm còn lại trên sông sẽ rất ít. Đập dâng có tác dụng giữ nước, duy trì mực nước sông vào mùa khô, đồng thời phối hợp với đập Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở để phục vụ thoát nước cho thành phố, đặc biệt là công tác thoát lũ cho sông Nhuệ.

Hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là tái tạo môi trường sống mà còn là khôi phục một mạch văn hóa của Hà Nội.

Hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là tái tạo môi trường sống mà còn là khôi phục một mạch văn hóa của Hà Nội.

Hồi sinh ký ức, kiến tạo không gian sống

GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định: “Hà Nội đã có rất nhiều giải pháp cải tạo sông Tô Lịch. Nhưng song song với dẫn nước vào, vẫn phải thu gom triệt để nguồn nước thải ra sông thì mới đảm bảo được chất lượng của nước sông”.

Theo các chuyên gia, việc hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là tái tạo môi trường sống mà còn là khôi phục một mạch văn hóa của Hà Nội. Dòng sông này gắn liền với lịch sử định đô của Thăng Long, với truyền thuyết, thơ ca và cả niềm tự hào lẫn xót xa của người Hà Nội xưa. Câu chuyện hôm nay không chỉ là nạo vét, xây kè mà là làm sống lại một phần ký ức đô thị, trao lại cho người dân một không gian sống đáng nhớ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xác định rõ rằng, việc cải tạo sông Tô Lịch không phải chuyện một sớm một chiều. Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm từ các TP trên thế giới đã thành công trong việc hồi sinh những dòng sông ô nhiễm. Sông Thames ở London (Anh), từng bị coi là "dòng sông chết", đã được hồi sinh nhờ đầu tư mạnh vào hệ thống xử lý nước thải và kiểm soát chặt chẽ nguồn thải. Sông Cheonggyecheon ở Seoul (Hàn Quốc) là một ví dụ điển hình về việc kết hợp cải tạo môi trường với quy hoạch đô thị, tạo ra không gian xanh giữa lòng thành phố.

Con đường phía trước còn nhiều thách thức. Bên cạnh khó khăn về kinh phí, kỹ thuật, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân cũng là một trở ngại lớn. “Chúng tôi rất mong sông Tô Lịch sạch sẽ trở lại” - bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân sống gần sông, chia sẻ. “Nhưng chỉ nạo vét, bổ cập nước thôi chưa đủ. Quan trọng là phải ngăn chặn việc xả rác, xả nước thải. Chính quyền cần mạnh tay hơn nữa”.

Hồi sinh sông Tô Lịch là một khát vọng lớn, một hành trình dài hơi, đòi hỏi nỗ lực không ngừng của chính quyền, các nhà khoa học và toàn thể cộng đồng. Hà Nội đã từng biến bãi rác Nam Sơn thành công viên, vậy tại sao sông Tô Lịch không thể trở thành một công viên sinh thái ven sông, nơi người dân có thể dạo bộ, đạp xe và tận hưởng không gian xanh trong lành?

Hy vọng rằng, một ngày không xa, khi đi dọc bờ Tô Lịch, chúng ta sẽ không còn phải đưa tay che mũi mà có thể dừng lại, vươn vai hít thở không khí trong lành và mỉm cười tự hào vì Hà Nội đã làm được điều kỳ diệu ấy, sao bao nhiêu năm trăn trở. Thành công của dự án này không chỉ mang lại một dòng sông sạch mà còn khôi phục một phần ký ức, một phần hồn của Hà Nội, góp phần xây dựng một TP đáng sống và phát triển bền vững.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoi-sinh-song-to-lich-tu-dong-song-chet-den-mach-song-moi-cua-thu-do.679135.html
Zalo