Hồi sinh sông Tô Lịch - cần giải pháp tổng thể và lâu dài

Là chứng nhân lịch sử đồng hành với Thủ đô Hà Nội đi qua biết bao thăng trầm trong quá trình xây dựng và phát triển, sông Tô Lịch có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như kinh tế-xã hội của thành phố. Vì vậy, việc cải thiện chất lượng nước, hồi sinh dòng sông Tô Lịch là vấn đề nhận được sự quan tâm, trăn trở của chính quyền thành phố và là điều mong mỏi của người dân Thủ đô nhiều năm qua.

Có phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch

Trò chuyện với ông Nguyễn Ngọc Quân-người dân sinh sống đã nhiều năm tại phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, tôi nhận thấy những thông tin về các phương án cải thiện chất lượng nước, chống ô nhiễm dòng sông Tô Lịch là mối quan tâm chung của người dân Thủ đô, đặc biệt là những người sống gần sông. “Tôi thường xuyên đi bộ dọc theo sông Tô Lịch để ra ga tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông. Sông Tô Lịch bây giờ mà sạch nữa thì con đường tôi đi bộ hằng ngày sẽ đẹp lắm...”, ông Quân nói.

Mong muốn dòng sông Tô Lịch được trong xanh, sạch, đẹp không chỉ là ước mơ của ông Quân mà còn là điều chờ đợi chung của người dân Hà Nội. Với chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận một số quận, huyện của TP Hà Nội, nếu dòng sông Tô Lịch được làm sạch thì chất lượng cuộc sống của người dân ở dọc hai bên bờ sông nói riêng, người dân Thủ đô nói chung sẽ được cải thiện và nâng cao, cảnh quan của thành phố cũng trở nên đẹp hơn.

Với quyết tâm làm sạch dòng sông để cải thiện cảnh quan môi trường, mới đây, UBND TP Hà Nội đã có các phương án bổ cập nguồn nước tự nhiên vào sông Tô Lịch để khơi thông dòng chảy, giảm bớt nồng độ ô nhiễm của sông, đặc biệt là vào thời điểm mùa khô.

 Hoạt động nạo vét, làm sạch sông Tô Lịch gần đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Hoạt động nạo vét, làm sạch sông Tô Lịch gần đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Trước mắt, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, nghiên cứu, đề xuất phương án lấy nước từ hồ Tây qua cửa điều tiết A của hồ Tây-cống Đõ-mương Thụy Khuê để bổ cập cho sông Tô Lịch trong trường hợp cần thiết nhằm bảo đảm mực nước sông Tô Lịch, hoàn thành trong tháng 8-2025. Để bảo đảm mực nước của hồ Tây không bị ảnh hưởng khi làm nhiệm vụ bổ cập nước cho sông Tô Lịch, quận Tây Hồ đang lên phương án lấy nước từ sông Hồng để bổ sung cho hồ Tây. Theo đó, nước từ sông Hồng sẽ được xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải hồ Tây, sau đó được trữ tại hồ Sen với vai trò trung gian trước khi đưa vào hồ Tây để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ.

Về lâu dài, Sở Xây dựng TP Hà Nội chủ trì, phối hợp rà soát các quy hoạch có liên quan, nghiên cứu kỹ và đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công, bảo đảm các phương án phải có tính liên kết với nhau để vừa có thể bổ sung nước cho sông Tô Lịch, vừa điều tiết mực nước hồ Tây được ổn định.

Đồng tình và ủng hộ các chủ trương của thành phố, tuy nhiên, theo GS, TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi lấy nước từ sông Hồng để bổ cập cho sông Tô Lịch vì hiện nay, mực nước ở sông Hồng đang xuống thấp do ảnh hưởng bởi những tác động của quá trình đô thị hóa. Điều này dễ gây sạt lở hai bên bờ sông, chưa kể cần tính toán đến hiệu suất làm việc của máy bơm trong điều kiện liên tục. “Muốn lấy nước từ sông Hồng thì cũng cần quan tâm, bảo vệ sức sống của con sông này. Bên cạnh đó, có thể tham khảo việc tận dụng các hồ chứa trên thượng nguồn để lưu trữ nước khi mùa mưa, đến mùa khô thì xả dần xuống. Hà Nội có nhiều hồ trên thượng nguồn, nếu có phương án liên kết các hồ này lại thì sẽ có một lượng nước rất lớn để bổ sung cho sông Tô Lịch”, GS, TS Vũ Trọng Hồng gợi ý.

Cần xử lý triệt để vấn đề nước thải

Việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch để khơi thông dòng chảy là việc làm cấp thiết, nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia, cần có những giải pháp tổng thể, bài bản mang tính dài hơi để có thể làm sạch sông Tô Lịch.

Thực tế cho thấy, nguồn nước thải rất lớn từ các khu dân cư và cơ sở sản xuất liên tục xả thẳng ra sông Tô Lịch khiến nỗ lực làm sạch dòng sông của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai các giải pháp, đầu tư các tuyến cống gom nước thải để xử lý nhưng hiện vẫn còn nhiều cửa xả chưa được gom triệt để. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Hà Nội, thành phố còn hơn 80 cống xả thẳng nước thải vào sông Tô Lịch, trong đó 26 cống nằm trong phạm vi dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá và 55 cống thuộc lưu vực thoát nước S3 để đưa nước thải về Nhà máy Xử lý nước thải Phú Đô. Theo các chuyên gia, nếu không thể khắc phục được triệt để nguồn chất thải thì sông Tô Lịch khó mà hồi sinh được.

Về vấn đề này, mới đây, UBND TP Hà Nội đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát toàn bộ cửa xả nước thải dọc sông Tô Lịch để bổ sung hệ thống cống thu gom triệt để nước thải rồi đưa về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, đồng thời nghiên cứu xây dựng các đập dâng trên sông Tô Lịch, bao gồm đập chữ T tại ngã ba sông Tô Lịch gần chùa Long Quang (huyện Thanh Trì) và các đập cao su để giữ mực nước trên sông; rà soát lại các cửa xả nước mưa đã thực hiện dọc sông Tô Lịch để chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan đô thị.

Bên cạnh kiểm soát nguồn nước thải sinh hoạt chảy dưới cống ngầm, theo GS, TS Vũ Trọng Hồng, cần có phương án để quản lý nguồn rác thải từ trên mặt đường đổ xuống sông Tô Lịch. Với chiều dài 14km và chảy qua nhiều khu dân cư, hoạt động buôn bán tự phát vẫn diễn ra tại nhiều nơi dọc hai bên bờ khiến dòng sông Tô Lịch thường xuyên phải hứng chịu rác thải từ những hành động vô ý thức. Vì vậy, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cần phải có chế tài xử phạt mang tính răn đe.

Có thể nói, những kế hoạch mới đây của TP Hà Nội là rất đáng kỳ vọng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn thì không thể chỉ coi đây là công việc của chính quyền mà còn là trách nhiệm của tất cả người dân thành phố, từ đó tạo sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô trong nhiệm vụ hồi sinh dòng sông Tô Lịch.

Bài và ảnh: HOÀNG CHUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/hoi-sinh-song-to-lich-can-giai-phap-tong-the-va-lau-dai-816790
Zalo