Hồi sinh làng dệt
Nghề dệt là di sản quý giá, niềm tự hào, biểu tượng cho bản sắc văn hóa, truyền thống lâu đời đối với đồng bào Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn. Thế nhưng 'báu vật' này đang đối diện với nguy cơ thất truyền...
Kỳ I: “Nước mắt” thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm ở xóm Chiềng đang mai một! Hiện thực buồn, đáng lo ngại này đã và đang diễn ra, đến mức ngay cả chính những người gắn bó, tâm huyết nhất với nghề cũng hoài nghi về số phận của những tấm thổ cẩm kết tinh từ công sức, tình cảm sâu nặng với sản phẩm truyền thống trao truyền của tổ tiên...
Nghệ nhân... không khung cửi
Hơn một năm trước, trong chuyến công tác tại xã miền núi Kim Thượng, chúng tôi may mắn gặp gỡ và quen biết với bà Sa Thị Tâm - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian xã Kim Thượng. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, bà Tâm là người có uy tín của xã và cũng là một trong số những nghệ nhân tâm huyết có đóng góp quan trọng trong xây dựng tài liệu phục dựng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Kim Thượng, đưa nghề dệt xóm Chiềng đến với đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tại các sự kiện, ngày hội văn hóa lớn.
Trong câu chuyện về những nét đẹp của văn hóa Mường, bà luôn đau đáu nỗi niềm với nghề dệt thổ cẩm. Bà Tâm kể cho chúng tôi nghe về thời điểm nghề dệt mới được phục dựng, bà con trong xóm ai nấy đều vui mừng, phấn khởi. Khi ấy ngôi nhà nhỏ của bà còn có chiếc khung cửi gắn bó từ thuở thiếu nữ, từng là lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho biết bao phụ nữ trong xóm. Từ sự khéo léo, tinh tế của các phụ nữ Mường, nhiều sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu với những hoa văn tinh xảo đã được tạo ra trên khung cửi này...
Thế nhưng giờ đây trong căn nhà của người nghệ nhân đã không còn chiếc khung cửi quen thuộc, những ứu bông, con thoi, la kéo sợi, guồng se chỉ,... còn sót lại được xếp gọn trong nhà kho phủ bụi. Bà Tâm giãi bày: “Cách đây 2 năm, tôi cả tin cho một người quen trong xã mượn khung cửi để trưng bày trong một sự kiện văn hóa. Sau này mới biết chiếc khung cửi ấy đã bị bán đi, không thể lấy lại. Hiện nay công đóng lại một chiếc khung cửi không quá cao nhưng tìm được thợ lành nghề lại không dễ. Không còn khung cửi, tôi rất day dứt. Những lúc nhớ nghề, tôi lại mang những tấm thổ cẩm và vật dụng cũ ra sắp xếp lại, biết đâu có ngày sẽ cần tới. Ngày trước nhà nào cũng có khung cửi, nhưng giờ nghề dệt mai một, số lượng khung cửi trong xã cũng ít dần, số khung cửi còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do không sử dụng nữa nên nhiều hộ đã đem bán, cho đi khung cửi, hoặc tháo rời để cất giữ, không ít khung cửi xuống cấp, gãy, hỏng bị đem đi... làm củi đốt...”.
Chiếc khung cửi từng là vật dụng quý giá trong mỗi gia đình, giờ đây lại bị chính gia chủ từ bỏ...
Chúng tôi theo chân bà Tâm đi tìm kiếm những chiếc khung cửi còn lại trong xóm. Trong căn nhà của bà Hà Thị Oản (khu Xuân 2), tàn tích của chiếc khung cửi đã từng gắn bó với gia đình bà qua nhiều thế hệ nay chỉ còn là đám tàn tro đang âm ỉ cháy. Từng là thành viên của làng nghề, nhưng bà cũng đành ngậm ngùi buông tay với chiếc khung cửi. “Trước đây trong nhà vẫn để khung cửi, tôi chỉ tranh thủ sử dụng những lúc nhàn rỗi hoặc khi trời mưa gió không đi làm đồng, làm rừng được thì mới ngồi dệt, còn bình thường thì cũng không có thời gian dệt vải. Thổ cẩm làm ra chỉ để phục vụ gia đình hoặc để làm quà cho con, cháu khi lấy chồng. Nghề dệt thổ cẩm vốn được truyền tay cho nữ giới, ngay từ khi còn nhỏ tôi được mẹ dạy cho dệt vải, đến khi lấy chồng, được thừa hưởng chiếc khung cửi của mẹ chồng để lại. Sau này tôi có 4 người con gái, các con tôi đã gả chồng từ lâu, chúng cũng không biết nghề vì mải đi học, đi làm xa kiếm sống. Thời gian trước, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng khung cửi để dệt vải hoặc cho bà con trong thôn mượn dùng khi có việc cần, nhưng mấy năm ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 thì nhu cầu sử dụng cũng ít hẳn, khung cửi để không bị mối mọt, nhiều chỗ mục ruỗng nên dù không nỡ nhưng gia đình tôi đành phải tháo dỡ tận dụng để... làm củi đốt”- Bà Oản chua xót.
D i sản “phai màu”
Nhớ lại thời “vàng son” đã qua đi của nghề dệt thổ cẩm, sâu trong đáy mắt bà Tâm như chứa đựng đầy ắp nỗi day dứt, khắc khoải. Trong ký ức của bà, vào mỗi độ Xuân về, khắp xứ Mường Kim Thượng lách cách tiếng thoi đưa, tiếng khung cửi dệt vải. Bên cạch sắc xanh của những nương ngô, khoai, sắn là bạt ngàn những nương bông trắng. Bà Tâm kể: “Ở xứ Mường tằn này, nghề dệt làm quanh năm, tháng Giêng (âm lịch) gieo hạt trồng bông, tháng 5 thu hoạch. Từ thuở tấm bé, tôi đã theo chân bà, mẹ đi trồng bông, hái bông trong rừng, đến mùa thu hoạch những nương bông trắng trải khắp sườn núi. Bông sau khi thu hoạch, chờ ngày nắng đẹp được đem phơi khô, dùng cung bật cho tơi mịn, ép thành con để kéo sợi. Tiếp đến là công đoạn hồ sợi, se sợi, mắc sợi và dệt vải...
Ngày trước, con gái Mường lên bảy, tám tuổi đã được bà và mẹ dạy cách trồng bông, quay tơ, kéo sợi. Mười ba, mười bốn tuổi đã biết ngồi khung cửi, dệt nên những tấm thổ cẩm sặc sỡ sắc màu để may chăn đệm chuẩn bị lấy chồng. Người Mường quan niệm thổ cẩm còn là thước đo sự giàu có, ấm no, sung túc của các gia đình, hễ nhà nào có càng nhiều vải dệt, chăn đệm, túi, áo làm từ thổ cẩm thì nhà đó càng khá giả. Phong tục này vẫn còn giữ đến ngày nay, nhưng giờ con gái khi về nhà chồng có thể sử dụng vải mua từ chợ. Xóm này giờ ít người dệt rồi, thổ cẩm phần lớn đi mua ở các tỉnh khác về. Bởi thế mà nghề dệt mai một đi nhiều...”.
Tiếp tục chuyến hành trình, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được những chiếc khung cửi xóm Chiềng còn tương đối nguyên vẹn tại căn nhà trống của ông Hà Văn Dẻ (khu Xuân 2). Để bảo vệ số khung cửi còn lại, các bậc cao niên trong xóm đã vận động các gia đình chuyển khung cửi đến đây để tập trung lưu giữ. Trong khoảng sân rộng, ngôi nhà sàn cũ đầy dấu tích phong hóa luôn cửa đóng then cài, dường như rất lâu mới đón những vị khách ghé qua. Bên trong, 3 chiếc khung cửi cũ được đặt ở những vị trí “chắc chắn nhất” bởi những chỗ còn lại xuống cấp khá nhiều. Những lớp bụi dày đã phủ lên từ lâu, mạng nhện kéo đầy trên khung gỗ. Đưa tay khẽ phủi lớp bụi bẩn bám trên mảnh thổ cẩm đang dệt dang dở đã mắc vào khung từ lâu, bà Tâm nói: “Đây là 3 chiếc khung cửi còn lại của cả xã, trong đó có 2 chiếc hư hỏng nhẹ, vẫn hoạt động được, 1 chiếc thì bị hỏng hoàn toàn không thể sử dụng. Chúng tôi bảo nhau đưa về tập trung ở đây để lưu giữ, quản lý, bảo vệ, chủ yếu để phục vụ vào dịp lễ hội hoặc cho mượn đem đi trưng bày trong một vài chương trình hội chợ, triển lãm...”.
Trước sự phát triển xã hội, ngày càng nhiều các sản phẩm dệt may công nghiệp với mẫu mã đa dạng, kiểu dáng, màu sắc bắt mắt đã dần thay thế những sản phẩm dệt thủ công truyền thống trong đời sống sinh hoạt người dân. Ở xứ Mường giờ đây người biết nghề dệt thổ cẩm đã ít dần, người còn giữ được những vật dụng để dệt thổ cẩm còn ít hơn. Trong guồng quay cơ chế thị trường khó cưỡng cầu, những tấm thổ cẩm dần rơi vào lãng quên, những nghệ nhân tâm huyết như bà Tâm luôn thao thức, trăn trở giữ nghề nhưng cũng đành “lực bất tòng tâm” - “Nghề dệt sắp thất truyền, nghề không tạo được thu nhập, thanh niên trong xóm chẳng mặn mà nữa. Chúng tôi rất lo lắng một ngày nào đó, xóm Chiềng thực sự vắng bóng khung cửi, nghề dệt chỉ còn trong hồi ức, đó thực sự là một mất mát lớn với người Mường, với văn hóa truyền thống của dân tộc tôi.” - bà Tâm thở dài...
Nhìn xấp thổ cẩm trên tay người nghệ nhân già, vài tấm thổ cẩm còn tươi sắc được xếp gọn, ngậm ngùi nằm im lặng trong hộp gỗ chờ cơ hội được đem ra trưng bày vào một vài dịp trong năm. Số còn lại không ít món đã sờn vải, bạc màu, cũ kỹ, bám bụi... những màu sắc rực rỡ, tươi vui nay đã hóa nhạt nhòa, ủ ê... Nỗi buồn tê tái như thể từ lòng người thấm cả vào những vật vô tri...
Kỳ II: Vực dậy nghề dệt