'Hồi sinh': Bước thử nghiệm của nghệ thuật cộng hưởng
Không gian nghệ thuật đô thị của Hà Nội vừa chào đón thêm một tác phẩm mới, một điểm nhấn giàu cảm xúc và ý nghĩa tại vườn hoa Cổ Tân. Đó là 'Hồi sinh', tác phẩm điêu khắc - sắp đặt quy mô lớn của họa sĩ, nhà thiết kế Tia - Thủy Nguyễn, được hình thành từ thân của một cây xà cừ cổ thụ đã ngã đổ sau cơn bão Yagi.
Điều đáng chú ý, đây là lần đầu tiên một dự án nghệ thuật công cộng tại Thủ đô được khởi xướng bởi một nghệ sĩ với sự đồng hành của chính quyền các cấp và một số nhà hảo tâm.
“Hồi sinh” không chỉ đánh dấu sự hiện diện của một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mà còn mở ra một mô hình cộng hưởng mới giữa nghệ sĩ, cộng đồng và không gian đô thị - nơi cái đẹp được tạo dựng từ sự sẻ chia và niềm tin vào giá trị lâu dài của nghệ thuật.

Tia-Thủy Nguyễn bên tác phẩm điêu khắc “Hồi sinh” tại vườn hoa Cổ Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Triệu Chiến
Hồi sinh thân cây sau bão
Trận bão lịch sử Yagi hồi tháng 9 năm ngoái đã quật ngã khoảng 25.000 cây xanh tại thành phố Hà Nội. Nhà thiết kế Tia-Thủy Nguyễn khi đó đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh vội bay ra Hà Nội, nơi chị sinh ra và lớn lên, để thăm gia đình. Chứng kiến khung cảnh tan hoang sau bão, chị xúc động và nảy ra ý định lưu giữ ký ức, linh hồn của những cây cổ thụ đã ngã xuống.
Tia-Thủy Nguyễn vẫn nhớ như in buổi sáng đạp xe qua vườn hoa Cổ Tân và bắt gặp cây xà cừ gần 100 tuổi đã bị bão quật đổ rồi bị cưa chặt ra từng khúc. Ý tưởng dựng lại cây xà cừ ấy ngay giữa vườn hoa, để trả lại cho nó một đời sống mới gắn liền với đời sống của người dân, đã thôi thúc chị thực hiện một sắp đặt địa hình mang tên “Hồi sinh”.
Chị chia sẻ: “Trong tâm tưởng người Việt, luôn có niềm tin về một cuộc sống vĩnh hằng sau cái chết. Từ niềm tin ấy, chúng tôi níu giữ, chuyển hóa và trao cho cây xà cừ trăm năm tuổi một đời sống mới, với sự chung tay của rất nhiều người”.
Tuy nhiên, một tác phẩm đương đại mang tính biểu tượng, hồi sinh một cây cổ thụ là điều chưa từng có tiền lệ ở Hà Nội. Chính vì vậy, nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã chủ động đề xuất ý tưởng của mình lên các cấp chính quyền, đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị kỹ thuật, nhân lực và thời gian thi công tác phẩm.
“Quy trình thực hiện tác phẩm này chưa từng có tiền lệ, nên tôi phải xử lý từng việc một. Tuy vậy, tất cả mọi người đều rất đồng lòng” - chị nhấn mạnh. Buổi họp cuối cùng trước khi khởi công được tổ chức tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường Tràng Tiền, với sự tham dự của những bậc cao niên, những người đã sinh sống lâu năm trong khu vực. “Các bác đã đặt ra cho tôi nhiều câu hỏi, kể những câu chuyện lịch sử và truyền cảm hứng, giúp tôi hình dung rõ hơn và hoàn thiện tác phẩm” - chị Tia-Thủy Nguyễn nói thêm.
Để tạo nên tác phẩm “Hồi sinh”, họa sĩ Tia-Thủy Nguyễn đã nương theo hình dáng nguyên bản của thân cây xà cừ để định hình cấu trúc, sau đó hàn liên kết hàng nghìn lá thép theo lối khảm họa tiết. Mở đầu quy trình, các tấm thép không gỉ dày 5mm được gò thủ công, ôm sát theo thân cây. Tiếp theo, những người thợ sẽ hàn kín, đồng thời tạo ra những nốt và rãnh xù xì bám vào lớp vỏ cây gồ ghề để tạo nên một lớp vỏ bọc ánh kim ngũ sắc, phản chiếu ánh sáng. Các cành cây được tạo hình mô phỏng sự khúc khuỷu tự nhiên cùng với hàng nghìn chiếc lá bằng thép óng ánh. Từng chiếc lá thép, từng bông “hoa” thạch anh lấp lánh mỗi khi có tia nắng chạm tới, tạo nên cuộc chơi với ánh sáng ngày này qua ngày khác, nhưng không hề lặp lại. Dường như sự sống và năng lượng của tác phẩm sắp đặt này không chỉ nằm ở chính nó, mà còn ở sự tiếp xúc với thế giới xung quanh.

Ban đầu, người dân quanh khu vực không khỏi ngạc nhiên khi một “cái cây lạ” bỗng mọc lên giữa vườn hoa. Người đến ngắm, người chạm tay vào, người chụp ảnh... Và tự nhiên, mỗi người lại mang về một câu chuyện riêng, một góc nhìn riêng về tác phẩm. Năng lượng của cây xà cừ ấy dường như không tan biến mà tiếp tục lan tỏa - như thể “đời sống” của nó chưa bao giờ khép lại, mà đang tiếp diễn mỗi ngày giữa lòng thành phố.
Anh Trần Trung Hiếu, người đồng hành cùng họa sĩ Tia-Thủy Nguyễn trong quá trình thực hiện tác phẩm, chia sẻ: “Nét độc đáo của “Hồi sinh” không nằm ở sự choáng ngợp về kích thước, mà ở những chi tiết tinh tế tạo nên sức sống cho vật thể. Tác phẩm gợi lên sự tò mò về hình dạng (form), nguồn gốc (origin), và mở ra nhiều cách tiếp cận khác nhau cho mỗi người xem. Ở “Hồi sinh”, cái cây đã chết không phải là kết thúc, mà là khởi đầu cho một hình hài mới - thanh thoát hơn khi vượt qua gánh nặng của tồn tại. Và có lẽ quan trọng nhất, là sự hé lộ vẻ đẹp ngay cả giữa cơn bão”.
Một điều đặc biệt thú vị là “Hồi sinh” không chỉ là tác phẩm của riêng một nghệ sĩ, mà là kết quả của sự chung tay từ cả cộng đồng. “Ban đầu, tôi thực sự không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi tôi nghĩ, có lẽ nên bắt đầu từ trái tim sẽ khiến mọi người cảm nhận được và ủng hộ. Và đúng như vậy, mọi người đã cảm nhận được tinh thần của tác phẩm và tham gia rất nhiệt tình, từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, đến người dân, các công nhân môi trường đô thị...” - họa sĩ Tia-Thủy Nguyễn chia sẻ.
Khi nghệ thuật được nuôi dưỡng từ cộng đồng
Những tác phẩm điêu khắc, sắp đặt đương đại thường được kiến tạo với mong muốn mang đến một tiếng nói mới cho cộng đồng - một nghệ thuật có sự tương tác, gắn bó với người dân, góp phần làm đẹp đường phố và cảnh quan đô thị. Trong những năm gần đây, một loạt không gian nghệ thuật công cộng đã ra đời tại phố Phùng Hưng, phố đi bộ Trần Nhật Duật, vườn hoa Cửa Nam, bãi Phúc Tân... với sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm. Những địa điểm này không chỉ trở thành điểm đến hấp dẫn mà còn là nơi kết nối giữa người dân và nghệ thuật, giữa đời sống thường nhật và cảm hứng sáng tạo.
Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, nghệ thuật công cộng không chỉ dừng lại ở yếu tố thẩm mỹ hay tương tác, mà còn góp phần định hình bản sắc đô thị, trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng của thành phố. Dẫu vậy, không phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội hay đủ khả năng để thể hiện mình trong những không gian công cộng rộng lớn. “Với các không gian có quy mô lớn, đòi hỏi phải có những nghệ sĩ đủ tầm mới có thể khiến nơi đó trở nên tốt đẹp hơn. Nếu làm không khéo, tác phẩm sẽ phản tác dụng” - kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh nhận định.
Rõ ràng, các không gian công cộng luôn cần thiết trong bất kỳ đô thị hiện đại nào. Tuy nhiên, khi nhìn lại các hình thức biểu đạt nghệ thuật như vườn tượng, tượng đường phố, tượng trang trí kiến trúc, tranh tường hay quảng trường... hiện diện tại một số đô thị, trong đó có Thủ đô Hà Nội, có thể thấy rằng nghệ thuật công cộng vẫn còn khá nghèo nàn cả về số lượng lẫn chất lượng. Sự hiện diện của các công trình này còn mờ nhạt và chưa tạo được nhiều ảnh hưởng tới diện mạo thẩm mỹ của môi trường đô thị.
Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ thêm: “Hiện chúng ta đang thiếu diện tích, thiếu không gian, thiếu cả chất lượng và tiện nghi của những không gian công cộng. Đồng thời, một số công trình cũng đang thiếu hàm lượng nghệ thuật thực sự. Với những không gian rộng lớn, cần những tác phẩm quy mô lớn có khả năng tạo sức hút, gắn kết cộng đồng. Số lượng tác phẩm nên được quyết định bởi hoàn cảnh và nhu cầu thực tế chứ không nên theo chỉ tiêu”.
Có lẽ vì thế, bên cạnh cảm hứng và đam mê, nghệ thuật công cộng còn đòi hỏi sự sáng tạo liên tục, thay vì chỉ lặp lại những “chuyện cũ tích xưa”. Điều quan trọng không kém là cần một tầm nhìn quy hoạch tổng thể, nơi những người có chuyên môn cùng chung tay kiến tạo không gian - để nghệ thuật không chỉ hiện diện, mà thực sự hòa vào đời sống, nuôi dưỡng bản sắc và cộng hưởng cùng cộng đồng.