Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương với nhiều mối quan tâm
Ngày 26.8, Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương đã khai mạc tại Thủ đô Nuku'alofa của Tonga với chương trình nghị sự kéo dài 4 ngày tập trung vào những thách thức về khí hậu và an ninh của khu vực.
Tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Phát biểu khai mạc, Thư ký diễn đàn, cựu Tổng thống Nauru Baron Waqa, nhấn mạnh: "Chúng ta tụ họp tại thời điểm quan trọng trong lịch sử khu vực. Chúng ta đang ở trung tâm của lợi ích địa chính trị toàn cầu. Chúng ta đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu".
Các nhà lãnh đạo khu vực cũng kêu gọi các nước gây ô nhiễm có trách nhiệm đối với những tổn thất không tương xứng về khí hậu mà các nước quần đảo phải đối mặt. Phát biểu với AFP bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khí hậu Tuvalu Maina Talia lưu ý: "Các nước quần đảo sẽ tiếp tục yêu cầu các quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất phải hành động. Nước gây ô nhiễm phải trả tiền bồi thường cho những nước chịu hậu quả nặng nề nhất”.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thừa nhận những ảnh hưởng to lớn của biến đổi khí hậu đối với khu vực Thái Bình Dương. Ông nêu rõ: "Những quyết định mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra trong những năm sắp tới sẽ quyết định số phận, trước hết là của người dân trên các quốc đảo Thái Bình Dương, sau đó là người dân ở những nơi khác”. Ông Antonio Guterres nhấn mạnh: "Nếu chúng ta cứu được Thái Bình Dương, chúng ta sẽ cứu được thế giới".
Tại hội nghị này, lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thành lập quỹ thích ứng với Biến đổi Khí hậu của khu vực - ý tưởng đã gặp trở ngại do các khoản đóng góp từ nước ngoài được cho là rất cần thiết bị cạn kiệt.
Ngoài ra, họ cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi dầu mỏ, khí đốt và các nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm cao khác. Bộ trưởng Tuvalu Talia cho biết: "Thế giới không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nếu không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ là ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch". "Thảm họa nối tiếp thảm họa, và chúng ta không có khả năng tái thiết, khả năng chống chọi với bão lũ và nhiều thảm họa thiên nhiên khác”.
Các nhà lãnh đạo cũng sẽ xem xét đề xuất của Australia đăng cai Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) vào năm 2026.
Vấn đề khai thác khoáng sản dưới biển sâu không nằm trong bất kỳ chương trình nghị sự chính thức nào của hội nghị này, nhưng có thể sẽ là một chủ đề được thảo luận sôi nổi bên lề hội nghị. Nước chủ nhà Tonga là quốc gia tiên phong trong việc mở rộng ngành công nghiệp mới nổi này, cùng với các thành viên khác của diễn đàn là Nauru và Quần đảo Cook. Nhưng những nước khác như Samoa, Palau và Fiji lại coi đây là một thảm họa môi trường và ủng hộ mạnh mẽ lệnh tạm dừng khai thác của quốc tế.
Ảnh hưởng địa chính trị
Bên cạnh vấn đề khí hậu, việc đoàn kết các nước quần đảo cũng được đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn có khả năng gây ra tình trạng chia rẽ giữa các quốc gia.
Phát biểu khai mạc, ông Baron Waqa lưu ý: “Chúng ta tụ họp tại thời điểm quan trọng trong lịch sử khu vực. Chúng ta đang ở trung tâm của lợi ích địa chính trị toàn cầu”. Ông Waqa cảnh báo: "Các nước quần đảo cần phải cảnh giác về các vấn đề an ninh khu vực", ám chỉ tình trạng cạnh tranh ngày càng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.
Reuters dẫn Báo cáo của Viện Lowy, Australia nhận định, những cú sốc địa chính trị có thể phá vỡ bối cảnh chính trị và an ninh của quần đảo Thái Bình Dương, đồng thời làm tổn hại đến sự đoàn kết của khu vực này.
Theo báo cáo của Viện Lowy, nhờ vị trí chiến lược, các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong kế hoạch phòng thủ của các cường quốc thế giới, bao gồm cả việc giám sát và kiểm soát các hoạt động hải quân trên khắp Thái Bình Dương.
Lưu ý sự cạnh tranh gay gắt giành ảnh hưởng trong khu vực giữa các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh Australia và Nhật Bản, báo cáo cảnh báo, lợi ích cạnh tranh giữa các quốc gia tài trợ đang đẩy quần đảo Thái Bình Dương đi theo các hướng khác nhau và có nguy cơ làm xao lãng các ưu tiên của khu vực.
Các tác giả của báo cáo nhấn mạnh: “Đối mặt với ván cờ lớn mới này, các quốc gia quần đảo Thái Bình Dương đã trở thành những nước ra giá ngoại giao và đang tận dụng sự cạnh tranh ngày càng tăng (giữa các cường quốc) để tối đa hóa lợi ích phát triển của mình”.
Cuộc khủng hoảng ở New Caledonia
Thách thức an ninh cấp bách khác mà các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương phải đối mặt là cuộc khủng hoảng chưa được giải quyết tại vùng lãnh thổ New Caledonia thuộc Pháp.
Mới đây, các cuộc bạo loạn đã nổ ra tại New Caledonia sau khi Quốc hội Pháp thông qua một dự luật cho phép những công dân Pháp sống trên đảo trên 10 năm được quyền bỏ phiếu. Những người bản địa ở New Caledonia lo ngại sửa đổi này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền tự quyết của vùng lãnh thổ.
Sự kiện ở New Caledonia đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ các nước láng giềng ở Thái Bình Dương, nơi có nhiều quốc gia là cựu thuộc địa và họ vô cùng tự hào về quyền tự quyết khó khăn mới giành được của mình.
"Chúng ta phải đạt được sự đồng thuận về tầm nhìn về một khu vực hòa bình và an ninh", Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni phát biểu tại Hội nghị. "Chúng ta phải tôn vinh thành quả của tổ tiên về quyền tự quyết, kể cả ở New Caledonia”.