Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3

Sáng 28/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3.

Nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các bộ: Lao động và Thương binh - xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; Lãnh đạo các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương, Xây dựng... và các Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy của 26 tỉnh, thành phố.

Hội nghị nhằm sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời đề ra giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với tinh thần làm việc cả ngày Thứ Bảy vì đồng bào bão lũ, thiên tai, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3; trên cơ sở đó thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Trình bày Báo cáo trung tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ. "Nếu không có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, thiệt hại về người, tài sản do bão số 3 và mưa lũ sẽ còn lớn hơn nữa. Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã đóng góp nguồn lực hỗ trợ người dân từng bước ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

12 tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật trong triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa lũ sau bão, thiệt hại do bão, lũ quét, sạt lở đất vẫn còn rất lớn với những khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thiệt hại về người vẫn còn lớn (344 người chết và mất tích), số người chết do sạt lở đất, lũ quét (264 người chết và mất tích) chiếm tỷ lệ cao.

Các kịch bản, phương án với những tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng, khu vực vùng sâu, vùng xa khi bị chia cắt,... còn hạn chế, chưa bài bản, chưa phù hợp thực tế. Việc cảnh báo tác động, nguy cơ thiệt hại do bão, mưa lũ còn chưa cụ thể, người dân chưa hình dung được những thiệt hại to lớn khi bão đổ bộ cũng như tác động sau khi bão đã đổ bộ, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tư tưởng chủ quan trong ứng phó.

Vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống bão dẫn đến thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản như ở lại trên tàu thuyền khi neo đậu và tham gia giao thông khi có gió bão. Chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công tác cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,… dẫn đến bị tốc mái, gẫy đổ rất nhiều.

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là khi xảy ra tình huống vùng sâu, vùng xa, trong điều kiện thời tiết phức tạp như gió bão, mưa lũ lớn, sạt lở chia cắt.

Khả năng chống chịu cơ sở hạ tầng nói chung, nhất là nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai, cơ sở hạ tầng còn thấp trước sức tàn phá của bão, lũ; hệ thống giao thông thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu, chia cắt,.. (Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5% nhưng đã chịu tác động của bão cấp 11-12, giật cấp 14 vượt mức thiết kế; hệ thống điện, viễn thống bị thiệt hại nặng nề do gió bão).

Công tác dự báo, cảnh báo sớm, chính xác, phạm vi hẹp nhất là về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong chỉ đạo điều hành, ứng phó với thiên tai. Dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ vượt lịch sử; dự báo mưa lũ phục vụ vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (nhất là hồ Thác Bà) chưa kịp thời, tin cậy, chưa bám sát thực tế và yêu cầu của công tác chỉ đạo điều hành.

Chưa có bản đồ nguy cơ sạt lở đất lũ quét tới từng thôn, bản để người dân biết cũng như phục vụ công tác di dời, sắp xếp dân cư, công tác chỉ đạo ứng phó.

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng còn một số tồn tại, bất cập như: Quy định về thời gian mùa lũ không phù hợp, quy định về tích nước sớm, vì nhiều trận lũ lớn đã xảy ra vào thời kỳ lũ muộn như năm 2017, năm 2024 dẫn đến dung tích cắt lũ các hồ chứa không đáp ứng yêu cầu cắt giảm lũ cho hạ du; Quy định về thẩm quyền và quy trình thực hiện trong tình huống khẩn cấp đảm bảo an toàn hồ chứa chưa cụ thể, dẫn đến lúng túng, thời gian kéo dài trong phối hợp xử lý (như quy định về tình huống khẩn cấp hồ Thác Bà).

Ngập lụt diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, trên diện rộng tại nhiều địa phương, kể cả đô thị miền núi do quá trình đô thị hóa, xây dựng công trình, lấn chiếm làm giảm khả năng thoát lũ các tuyến sông, suối gây ngập úng kéo dài.

Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra trên toàn bộ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, tuy nhiên công tác tuần tra canh gác đê, hộ đê tại một số địa phương chưa nghiêm túc, còn chủ quan, lơ là; có nơi chưa xây dựng lực lượng quản lý đê chuyên trách theo quy định của Luật Đê điều; tình trạng khai thác cát trái phép còn diễn biến phức tạp trên các tuyến sông, nhất là sông Lô uy hiếp đến an toàn đê điều, đã gây sạt trượt thân đê hữu Lô thuộc xã Hùng Long, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ khi nước rút.

Quy định về hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp từ trung ương đến địa phương hiện nay không còn sau khi Luật phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, tuy nhiên đến nay Nghị định hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự chưa được ban hành do có nhiều điểm chồng chéo với Luật Phòng, chống thiên tai, dẫn đến việc thực hiện quy định của pháp luật còn lúng túng, bất cập.

Bài học kinh nghiệm

Mặc dù bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào nước ta, xong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, mưa lũ được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ sớm từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở,... nên đã phần nào giảm thiểu được thiệt hại.

Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để chủ động trong chỉ đạo điều hành, đồng thời công tác thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo phải được đưa ra bằng những hình ảnh minh họa dễ hiểu, thể hiện tác động cho từng đối tương (nhà ở, cây xanh, tàu thuyền,…) để nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền, hiểu biết về mức độ tàn phá của bão lũ, nhằm khắc phục tư tưởng chủ quan trong ứng phó. Đồng thời đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai đến được người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Việc vận dụng linh hoạt phương châm "4 tại chỗ" phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở là hết sức cần thiết, cùng với vai trò, kinh nghiệm, sự hiểu biết về thiên tai của người đứng đầu thôn bản có ý nghĩa quyết định trong giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, nhất là đối với khu vực miền núi có địa hình dễ bị chia cắt.

Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người (điển hình như Anh Ma Seo Chứ - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã phát hiện và vận động cả thôn 115 người sơ tán đến nơi an toàn, tránh được thiệt hại do sạt lở đất; 142 giáo viên và học sinh trường Mường Hum, huyện Bát Xát đã sơ tán đến nơi an toàn trước khi cả quả đồi sạt xuống).

Công tác phối hợp chỉ đạo, điều phối liên ngành là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, trong đó cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình thực hiện trong tổ chức chỉ đạo, nhất là tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay, nếu không kịp thời có thể gây thảm họa về người.

Lũ lớn, đặc biệt lớn làm nhiều tuyến đê bị tràn, sự cố. Tuy nhiên với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý đê chuyên trách và sự chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương án xử lý trọng điểm được xây dựng trước mùa mưa bão nên đã đảm bảo an toàn cho các tuyến đê, nhất là các tuyến đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt bảo vệ khu vực đông dân cư, công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có thủ đô Hà Nội.

Các địa phương đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực trong ứng phó; huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp ngân sách, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.

Hướng dẫn kịp thời các giải pháp cụ thể, phù hợp trước mắt và lâu dài đối với từng khu vực, từng đối tượng thiệt hại để khắc phục nhanh, trong đó ưu tiên phục hồi sản xuất nông nghiệp và công trình phòng, chống thiên tai theo hướng xây dựng lại tốt hơn để phát triển bền vững.

Bão số 3 đi qua đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng về người và tài sản, những cũng để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan đến thể chế, hạ tầng, nhân lực,… Vì vậy, cần rà soát, điều chỉnh thể chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Minh Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-so-ket-danh-gia-rut-kinh-nghiem-ve-cong-tac-phong-chong-va-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-348912.html
Zalo