Hội nghị mùa Thu IMF-WB: WB kêu gọi hạ nhiệt xung đột Israel - Hamas
Ngày 9/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi nhanh chóng giảm leo thang cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza của Palestine trong bối cảnh bạo lực tại Trung Đông đang phủ bóng lên Hội nghị mùa Thu thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Maroc.
Trong bản ghi nhớ nội bộ được hãng tin Reuters đăng tải, WB bày tỏ quan ngại về thương vong và thiệt hại do xung đột Israel - Hamas gây ra đối với dân thường ở cả 2 phía. Bản ghi nhớ nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng xung đột sẽ nhanh chóng giảm leo thang và tiến tới chấm dứt bạo lực. WB và các đối tác phát triển của chúng tôi lâu nay vẫn làm việc để hỗ trợ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất ở Bờ Tây và Gaza. Chúng tôi vẫn cam kết xây dựng nền tảng cho tương lai ổn định và bền vững hơn”.
Hội nghị mùa Thu IMF-WB năm nay diễn ra tại thành phố Marrakech, miền Nam Maroc, từ ngày 9-15/10. Hội nghị dự kiến sẽ tập trung thảo luận việc tăng cường nguồn lực cho IMF và WB. Các cuộc tranh luận về những vấn đề gai góc dự kiến sẽ diễn ra, trong đó vấn đề xóa nợ cho các quốc gia nghèo, đề xuất những khoản đóng góp mới từ các nước giàu, cải cách ngân hàng...
Cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã khiến giá dầu mỏ tăng vọt và giới đầu tư đổ xô chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn như vàng, có thể gây tác động đến các nền kinh tế đang phát triển.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB, ông Indermit Gill, nhận định bạo lực có thể phủ bóng đen lên các cuộc thảo luận quan trọng tại các cuộc họp của IMF-WB về vấn đề nợ, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và gây trở ngại lớn cho sự phục hồi kinh tế sau giai đoạn đại dịch COVID-19. Ông cho rằng xung đột Israel - Hamas có thể làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, trong đó có rủi ro về sự phân mảnh của hoạt động thương mại, đặc biệt nếu chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa leo thang như giai đoạn đại dịch.
Cũng theo chuyên gia trên, cuộc xung đột có thể khiến lạm phát toàn phần gia tăng, gây ra những tác động dây chuyền đối với chính sách tiền tệ ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến các nước đang phát triển.