Hội nghị bồi dưỡng 'kỹ năng tham mưu, phục vụ hoạt động xem xét dự án Luật của cán bộ Văn phòng'

Ngày 21/11, tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Công tác đại biểu và Tổ chức Hanns Seidel Foudation tổ chức hội nghị bồi dưỡng 'kỹ năng tham mưu, phục vụ hoạt động xem xét dự án Luật của cán bộ Văn phòng'. Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Đại Thắng chủ trì hội nghị.

Cùng tham dự có: Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà; Trưởng ban Pháp chế HĐND TP. Đà Nẵng Lương Công Tuấn; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Ngô Tự Nam; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cùng lãnh đạo Văn phòng, cán bộ, chuyên viên của Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh của 13 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Đại Thắng phát biểu tại hội nghị.

Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Đại Thắng phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị triển khai nhằm thực hiện Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bồi dưỡng ĐBQH, đại biểu HĐND năm 2024, căn cứ theo bản ghi nhớ Hợp tác giữa Văn phòng Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel Foudation của CHLB Đức về Dự án “Tăng cường năng lực của Văn phòng Quốc hội và năng lực lập pháp của các ĐBQH vì mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững tại Việt Nam”.

Thông tin tại hội nghị, các báo cáo viên cho biết, chỉ 9 tháng đầu năm 2024, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng các đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh thành đã tham mưu, phục vụ 5 kỳ họp Quốc hội, 24 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét thông qua 13 Luật, 4 Nghị quyết quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho hay, công tác tham mưu có vị trí đặc biệt quan trọng trong lãnh đạo quản lý và điều hành công việc của tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước. Chức năng tham mưu của văn phòng được khẳng định trong hoạt động thực tế và được quy chế hóa, thể chế hóa trong các văn bản quan trọng của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

“Với tinh thần ‘tham mưu là để phục vụ, trong phục vụ có tham mưu’, trong những năm qua, trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng về năng lực tham mưu của đội ngũ công chức, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã thường xuyên quan tâm, sát sao chỉ đạo để nâng cao năng lực tham mưu của đội ngũ công chức với nhiều chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, linh hoạt”, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Đại Thắng khẳng định.

Với mục tiêu tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức Văn phòng, tại hội nghị, các đại biểu được bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng tham mưu, phục vụ hoạt động xem xét dự án luật; tham mưu xác định các văn bản quy phạm pháp luật.

Từ đó, có những trao đổi, bổ sung kỹ năng, phương pháp công tác và kinh nghiệm trong công tác tham mưu phục vụ; nâng cao hiệu quả công tác thu thập thông tin, soạn thảo văn bản và thực hiện các nhiệm vụ tham mưu.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà báo cáo tại hội nghị.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà báo cáo tại hội nghị.

Hội nghị đã nghe Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà chia sẻ báo cáo chuyên đề: “khái quát về hoạt động thẩm tra Chương trình xây dựng luật, dự án luật”; nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng báo cáo chuyên đề: “vai trò của cán bộ văn phòng trong tham mưu, phục vụ hoạt động thẩm tra, xem xét dự án luật”; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Ngô Tự Nam với báo cáo chuyên đề: “Kỹ năng thu thập, tổng hợp và xử lý thông tin trong tham mưu, phục vụ hoạt động thẩm tra, xem xét Chương trình xây dựng luật, dự án luật”; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha báo cáo chuyên đề: “kỹ năng tham mưu tổ chức các hoạt động giám sát, hội thảo chuyên gia phục vụ đại biểu Quốc hội thẩm tra, xem xét dự án luật”.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày 21 và 22/11.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?itemid=91125
Zalo