Hội LHPN thị xã Chơn Thành đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Xác định nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những mục tiêu trọng tâm, thời gian qua, Hội LHPN thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, đã đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiện thực hóa Đề án 939 về 'Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp'. Qua đó, nhiều hội viên đã được tiếp cận kiến thức, nguồn lực và tự tin khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.
Thời gian qua, Hội đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chủ động lồng ghép với nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ để triển khai các hoạt động Đề án 939 của Chính phủ về "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp".

Hội LHPN thị xã Chơn Thành tích cực triển khai Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”.
Từ năm 2017 đến nay, việc triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án 939 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Đến nay, hơn 85% hội viên phụ nữ đã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp, với tổng số lượt hội viên tiếp cận hơn 9.000 người, trong đó có 7.600 chị em được tham gia các hoạt động truyền thông, tập huấn về khởi sự kinh doanh.
Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ 15 dự án tham gia cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp", kết quả có 8 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh. Trong số đó, có 1 dự án vinh dự đạt giải nhất cấp tỉnh, giải nhì khu vực và giải khuyến khích cấp Trung ương; 1 dự án khác cũng đạt giải "Vì cộng đồng" cấp toàn quốc. Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ ra mắt 48 gian hàng kết nối, tiêu thụ sản phẩm bình ổn giá do chính các chị em phụ nữ sản xuất, giúp hội viên có thêm cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tự tin khẳng định bản thân, đồng thời góp phần tích cực vào công tác bình đẳng giới tại địa phương.

Nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến khởi nghiệp được triển khai.
Về phương thức triển khai, Hội đã tổ chức 8 lớp tập huấn chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hội viên; đồng thời tham gia 5 buổi tập huấn do Hội cấp trên tổ chức. Song song đó, Hội cũng tổ chức các lớp chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho chị em ở các xã, phường, với sự tham gia chia sẻ trực tiếp từ các gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương.
Một trong những chủ dự án phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu của địa phương như chị Ngô Thị Bắc, chủ dự khởi nghiệp Spa đông y An Nhiên. Ý tưởng Spa đông y An Nhiên của chị đã được chọn tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2021 sau khi vượt qua vòng sơ khảo cấp tỉnh.
Cuối năm 2018, chị Ngô Thị Bắc mở spa đông y Tâm Bắc tại Chơn Thành, ban đầu chỉ có 2 giường bệnh chuyên trị liệu xương khớp, trị liệu đau vai gáy, xương khớp, làm đẹp... Khi khách hàng ngày càng đông, đến cuối 2019, chị mở rộng cơ sở và chuyển về trung tâm huyện và đổi tên thành Spa đông y An Nhiên.
Nhờ sự hỗ trợ động viên, tiếp sức từ Hội LHPN địa phương cùng sự phấn đấu của bản thân, giờ đây, Spa của chị đã có 9 giường, đầu tư máy móc và đào tạo nhân viên chuyên nghiệp. Spa cung cấp nhiều dịch vụ trị liệu đông y kết hợp hiện đại, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện.

Bà Mạc Thị Thanh Bình (bên phải), Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành (Bình Phước) luôn quan tâm các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Thấu hiểu khó khăn lớn nhất của chị em khi bắt đầu khởi sự kinh doanh chính là thiếu vốn, Hội LHPN thị xã Chơn Thành đã huy động mọi nguồn lực nhằm giúp chị em tiếp cận các kênh vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ Hội. Nhờ đó, đã có 182 chị em được tiếp cận nguồn vốn với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng, phần lớn là các khoản vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp, tạo điều kiện thuận lợi để các chị phát triển sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực đa dạng như: Chăn nuôi gà, dê, bò; trồng và chăm sóc cao su, dưa lưới; mở tiệm tạp hóa, quán ăn sáng, quán nước, kinh doanh online, shop hoa, vựa cây giống, buôn bán mủ cao su, cây giống...
Bên cạnh đó, hàng năm, Hội LHPN thị xã còn tích cực hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, sáng lập tham gia các sự kiện triển lãm, hội chợ lớn trong và ngoài tỉnh, giúp quảng bá rộng rãi những sản phẩm tiêu biểu của địa phương do chính bàn tay khéo léo, sáng tạo của chị em làm ra. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm động lực để chị em vươn lên làm chủ kinh tế gia đình và tự tin khẳng định vị thế trong cộng đồng.

Một gian hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm của hội viên phụ nữ
Bà Mạc Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Chơn Thành đánh giá: "Từ khi đề án 939 được triển khai thực hiện trong các cấp Hội, phụ nữ không chỉ tham gia với tư cách là lực lượng lao động mà còn ngày càng thể hiện rõ vai trò là người sáng lập, điều hành và quản lý doanh nghiệp. Nhiều phụ nữ đã khởi nghiệp thành công, tạo ra việc làm không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng; Nhiều mô hình kinh doanh do phụ nữ dẫn dắt mang tính sáng tạo, gắn với văn hóa địa phương và phát triển bền vững; nhiều phụ nữ khởi nghiệp từ quy mô nhỏ đã nâng cao thu nhập cho cả gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đồng thời chị em phụ nữ đã tham gia vào kinh tế một cách chủ động, nâng cao tiếng nói và vị thế trong xã hội".
Có thể khẳng định, bằng những nỗ lực không ngừng, Hội LHPN thị xã Chơn Thành đã trở thành "bệ phóng" vững chắc cho nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công. Qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.