Hội LHPN các tỉnh, thành phía Nam cần sâu sát và có trách nhiệm hơn nữa với công tác cán bộ nữ
Hội LHPN các tỉnh, thành khu vực miền Nam cần thường xuyên, sâu sát tình hình và có trách nhiệm với công tác cán bộ nữ. Đồng thời, tích cực, chủ động phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp.
Đây là đề nghị của Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang tại Hội thảo "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" khu vực miền Nam diễn ra ngày 23/8 tại tỉnh Sóc Trăng.
Hội thảo do Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Đoàn TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức. Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn... tham dự, chủ trì Hội thảo.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang cho biết, thời gian qua, các tỉnh,thành khu vực miền Nam đã triển khai nhiều giải pháp và rất nỗ lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị số 21 gắn với thực hiện Nghị quyết số 25 như ban hành đề án về phát triển, tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số; có các chính sách hỗ trợ cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ dân tộc thiểu số…
Công tác phụ nữ đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là trong việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và trong công tác cán bộ nữ. Tỷ lệ nữ cấp ủy 3 cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu, cao hơn tỷ lệ trung bình của toàn quốc, trong đó, cấp cơ sở cao nhất trong 3 khu vực và cao gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra theo Chỉ thị 35-CT/TW; 50% nữ phó bí thư tỉnh/thành ủy của toàn quốc thuộc khu vực miền Nam - cao nhất trong 3 khu vực.
Theo Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang, kết quả có được trước hết từ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đối với công tác phụ nữ; đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo và bắt nhịp nhanh với yêu cầu thực tiễn của các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam trong thời gian qua.
"Tổ chức Hội ngày càng khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em bằng những hoạt động rất cụ thể nhưng có sức ảnh hưởng và tạo sự lan tỏa rất tốt. Những thành công trong công tác vận động phụ nữ của cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể với vai trò tham mưu nòng cốt của các cấp Hội phụ nữ đã góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội", ông Bùi Tuấn Quang nói.
Sau khi chỉ ra những vấn đề đặt ra cho công tác phụ nữ trong khu vực miền Nam hiện nay như tình trạng ly hôn cao, mức sinh thấp, tình trạng di cư lao động, tỷ lệ hộ có nhà tạm và nhà thiếu kiên cố còn cao… Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nhấn mạnh các chỉ số này thể hiện rõ về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; vừa là hệ quả của các điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa, và có cả từ sự tác động chính sách nhưng cũng sẽ là nguyên nhân của nhiều vấn đề khác trong xã hội tương lai với sự tác động, ảnh hưởng toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước nếu không có giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Bùi Tuấn Quang, công tác cán bộ nữ cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, nhiều địa phương có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy; lãnh đạo chủ chốt, nhất là ở cấp huyện, cấp cơ sở thấp và có khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu đề ra; nữ lãnh đạo chủ chốt khối chính quyền thấp, chủ yếu ở vị trí cấp phó…
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành khu vực miền Nam nắm chắc tình hình phụ nữ và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới trên địa bàn để từ đó đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với yêu cầu thực tiễn; tham mưu giải quyết đúng, trúng những vấn đề liên quan. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội nhằm thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ.
Bên cạnh đó, thường xuyên, sâu sát tình hình và có trách nhiệm với công tác cán bộ nữ; tích cực, chủ động phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và ứng cử vào cơ quan dân cử các cấp. Chủ động tham mưu cấp ủy các cấp, nhất là người đứng đầu, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và xây dựng nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cũng đề nghị lãnh đạo cấp ủy các tỉnh, thành tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 21/CT-TW của Ban Bí thư; nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.
"Thường trực tỉnh/thành ủy phải thực sự quyết tâm chính trị cao, có cam kết mạnh mẽ, có các giải pháp khả thi đảm bảo đạt được chỉ tiêu về cán bộ nữ theo tinh thần các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng. Cần chú ý tạo nguồn ngay từ lúc tuyển dụng, có chính sách thu hút đối với những nữ sinh viên xuất sắc vì đây là cách khai thác nguồn hiệu quả nhất", Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Tuấn Quang nhấn mạnh.