Hối hả trên những cánh đồng vụ xuân

Trong tiết trời mùa xuân, trên khắp những cánh đồng trong tỉnh, những người nông dân tất bật ra đồng tranh thủ thu hoạch hoa màu vụ đông và gieo cấy lúa xuân, chăm sóc các loại cây trồng. Không khí lao động vui tươi phấn khởi. Mọi người đều kỳ vọng vào một năm mưa thuận gió hòa, sản xuất an toàn và mùa màng bội thu, nông sản dồi dào, chất lượng cao.


Nông dân gieo sạ lúa.
Vụ xuân được xác định là một trong ba vụ chính của người dân huyện Nam Trực. Theo kế hoạch, vụ Xuân năm 2025, toàn huyện gieo cấy 7.400ha. Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn tuân thủ chặt chẽ lịch gieo trồng, chỉ đạo sản xuất vụ xuân phải dựa trên những chủ trương, định hướng của huyện, bám sát vào điều kiện thực tế sản xuất nông nghiệp tại địa phương, bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý. Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh, UBND các xã, thị trấn trong huyện quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới, đảm bảo lịch tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Với sự hỗ trợ của máy móc, những người nông dân đỡ vất vả hơn, chi phí thấp.
Cùng với đó, huyện tăng cường đẩy mạnh chuyển giao và xây dựng các mô hình trình diễn; tăng cường sử dụng các loại phân bón hỗn hợp nhằm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Huyện chủ động bố trí cơ cấu 5% diện tích lúa lai, cấy giống TBR 98, Phúc Thái 168; diện tích cấy giống lúa thuần sử dụng giống Bắc thơm số 7, TBR 222, BC15 kháng đạo ôn, TBR 87... Tích cực triển khai mô hình trình diễn một số giống lúa có tiềm năng năng suất, chất lượng. Căn cứ vào thời vụ và thời gian sinh trưởng của các giống lúa, UBND huyện đã chỉ đạo gieo mạ nền cứng và gieo sạ từ sau Tết Nguyên đán. Đến thời điểm này, Nam Trực đã cấy được 7.150ha, bằng 98% kế hoạch.

Người dân xã Nam Hùng (Nam Trực) xuống giống đỗ.
Dù hiện tại, trên khắp các cánh đồng đã cơ bản đã hoàn thành gieo cấy lúa xuân nhưng bà con nông dân vẫn tranh thủ xuống đồng, kiểm tra diện tích lúa mới cấy, sạ, làm cỏ sục bùn và dặm lại diện tích lúa mất. Bà Phạm Thị The ở thôn Cường Thịnh, xã Trực Đại (Trực Ninh) phấn khởi cho biết: “Vụ xuân năm nay, tôi cấy 2,5 mẫu lúa gồm các giống Tám, Hương cốm, Đài thơm. Để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ chiêm xuân, cùng với nhiều hộ dân trong xã, gia đình tôi đã hoàn thành gieo cấy lúa theo đúng lịch hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Bây giờ nông dân chúng tôi làm ruộng nhàn vì hầu hết các công đoạn đều có máy móc hỗ trợ, giảm công lao động, chi phí thấp. Hy vọng thời tiết thuận lợi để cây lúa phát triển tốt, mùa màng bội thu để nông dân tiếp tục “bám ruộng, lội đồng”.

Người dân huyện Nam Trực tranh thủ thời tiết thuận lợi chăm sóc cây khoai tây.
Việc áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy là xu hướng tất yếu trong sản xuất lúa trên cánh đồng lớn, giúp bảo đảm chất lượng và hiệu quả sản xuất, đồng thời khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ ở nông thôn hiện nay. Những năm qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp với gần 300 máy cấy, phân bổ đều ở các huyện. Nhiều loại máy móc đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô cánh đồng lớn, giúp tăng năng suất lao động, giảm sức người và bảo vệ sức khỏe nông dân. Qua nhiều vụ cấy máy, đến nay, mô hình mạ khay, máy cấy đang được bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đánh giá cao, bảo đảm tiến độ thời vụ, năng suất lúa cao hơn so với cấy tay 10 - 15% nên rất nhiệt tình hưởng ứng. Vụ xuân 2025, toàn tỉnh đã cấy bằng máy đạt 3.200ha.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xuống giống ngô và đỗ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến hết ngày 20/2/2025, toàn tỉnh đã cấy, gieo sạ 65.900ha lúa, bằng 94% tổng diện tích gieo cấy vụ xuân. Phần lớn diện tích lúa xuân được nông dân các địa phương gieo cấy bằng các giống lúa chất lượng cao như: Bắc thơm 7 kháng bạc lá, TBR225, ST24, ST25, Đài thơm… Thời điểm này, bà con nông dân đang tập trung gieo trồng hoàn thành diện tích còn lại, nhất là diện tích lúa đông xuân, bảo đảm khung lịch thời vụ và chăm sóc diện tích lúa đã bén rễ, hồi xanh với hy vọng mong một vụ xuân bội thu./.
Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa